Thứ Tư, 1/5/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 17/4/2024 23:5'(GMT+7)

Coi việc đọc sách là phương pháp tự học hiệu quả và thiết thực nhất

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thủ đô Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Hà Minh Hải, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban, Bộ, ngành Trung ương và Thành phố Hà Nội; đại diện một số tỉnh, thành phố cùng các nhà xuất bản, đơn vị phát hành và đông đảo người dân - độc giả Thủ đô.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật chào mừng - mở đầu Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

ĐỂ VĂN HÓA TRỞ THÀNH SỨC MẠNH NỘI SINH, NGUỒN LỰC VÀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284, lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam, và năm 2021 đổi thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Việc lựa chọn ngày 21/4 gắn liền với thời điểm ra mắt cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý nghĩa văn hóa sâu sắc, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, ban, bộ, ngành đã quan tâm chỉ đạo tổ chức, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong quần chúng nhân dân. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức sâu rộng, thiết thực và giàu ý nghĩa với sự hưởng ứng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương cùng nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn... đã tạo dựng nét đẹp văn hóa, thúc đẩy thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu sách. Qua đó, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu dự Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

Để sách đến gần hơn bạn đọc, để tri thức ngày càng được lan tỏa, để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển đất nước, như Văn kiện đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, nhân dịp Ngày sách và Văn hóa đọc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ban, bộ, ngành cùng các cơ quan, đơn vị liên quan… tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc tiếp thu, bồi đắp tri thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Nâng cao tính tự giác trong việc đọc sách. Coi việc đọc sách là phương pháp tự học hiệu quả nhất, thiết thực nhất, giúp chúng ta nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử, những chuẩn mực đạo đức làm người, từ đó có cái nhìn, tâm thế tích cực hơn về cuộc sống.

Đồng thời chú trọng đầu tư, hỗ trợ thành lập các thiết chế, hoạt động khuyến đọc trong hệ thống nhà trường, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, tạo lập thói quen đọc sách trong các tầng lớp nhân dân. Quan tâm phát hiện, cổ vũ những mô hình hay trong việc đọc, nghiên cứu và áp dụng tri thức từ sách vào cuộc sống….

Khuyến khích xuất bản các sách hay, có giá trị, bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của công chúng bạn đọc và các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển ngành xuất bản, quảng bá sách và văn hóa đọc. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xuất bản, in và phát hành sách. Gắn phát triển văn hóa đọc với chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới. Chú trọng phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, nền tảng công nghệ, mạng xã hội…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị cần tiếp tục mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác, tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về sách. Tổ chức các hội sách quốc tế và tham gia các hội sách ở nước ngoài để thu hút các đơn vị xuất bản lớn trong khu vực và thế giới. Tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá tác phẩm, tác giả của Việt Nam tới bạn bè quốc tế, để bạn bè quốc tế biết tới truyền thống văn hóa, con người, xã hội Việt Nam, qua đó, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam đối với khu vực và quốc tế.

 

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024 mang đến 4 thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”. Hưởng ứng Ngày Sách, Hội Sách năm nay, nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, công ty công nghệ sách đã tham gia tích cực, mang đến luồng sinh khí mới trong việc lan tỏa văn hóa đọc, cổ vũ thói quen đọc sách, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

 

CHÍNH CHỊ - KINH TẾ - VĂN HÓA LÀ “CHÌA KHÓA” DẪN NGÀNH XUẤT BẢN ĐẾN THÀNH CÔNG

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, mục tiêu của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam không chỉ tôn vinh những người viết sách, làm sách mà sâu sắc hơn là tôn vinh bạn đọc, chấn hưng văn hóa đọc. Bốn thông điệp (“Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”) của Ngày sách và Văn hóa đọc năm nay giản dị mà sâu sắc đều hướng tới mục tiêu này; mong muốn góp sức vào xây dựng hệ tri thức dân tộc, phát triển đội ngũ tri thức, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm nay, Lễ khai mạc tổ chức ở Hà Nội, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng mang ý nghĩa đặc biệt, là năm Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, dấu mốc quan trọng của Thủ đô ngàn năm văn hiến, mở đầu cho giai đoạn mới trong quá trình phát triển một thành phố hiện đại - hòa bình - hiện thân của phẩm giá con người.

Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024 tại Thủ đô sẽ khởi đầu cho chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc trên cả nước để đem đến tinh thần mới: Người dân ở đâu, văn hóa đọc phát triển ở đó; bạn đọc ở đâu, sách phải đến đó.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng tham quan các gian trưng bày sách tại khu vực Hồ Văn thuộc quần thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, muốn sách và xuất bản phát triển, tri thức trở thành sức mạnh dân tộc, thì sách phải có nhiều người đọc, tri thức phải lan tỏa, nhân lên. Theo đó, sứ mệnh của xuất bản vẫn là sáng tạo, lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức.

Để ngành Xuất bản phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các đơn vị trong ngành Xuất bản cần đổi mới hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trên tinh thần: Xuất bản trước hết là lĩnh vực văn hóa - chính trị nhưng đồng thời cũng là ngành kinh tế. Chính trị thì có sự trợ giúp của Nhà nước; văn hóa thì có sự trợ giúp của nhân dân; kinh tế thì có sự trợ giúp của thị trường. Kết hợp hài hòa 3 yếu tố: Chính trị, kinh tế, văn hóa là “chìa khóa” dẫn ngành Xuất bản đến thành công.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số đặt yêu cầu mới cho ngành Xuất bản muốn phát triển phải hoạt động đồng thời ở cả 2 không gian: cũ và mới. Không gian mới với sự trợ giúp của công nghệ sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Không gian mới sẽ giúp cho xuất bản mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tạo ra sự phát triển mới trong dài hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, muốn xuất bản phát triển thì cần tăng cường truyền thông, quảng bá về sách và văn hóa đọc. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà mạng viễn thông cần chung tay ủng hộ, có các hoạt động thiết thực để việc truyền thông, quảng bá sẽ góp phần thúc đẩy sức mạnh nội sinh, lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt Nam.

XUẤT BẢN VÀ VĂN HÓA ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC VÀO PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA CỦA HÀ NỘI

Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, những năm gần đây, văn hóa đọc ở Thủ đô đã từng bước phát triển rõ rệt, có chuyển biến thực chất. Đọc sách đã trở thành thói quen và nét đẹp trong đời sống xã hội. Ngành xuất bản đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng trong việc góp phần xây dựng xã hội học tập, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, sự đa dạng của công nghệ - truyền thông nhưng sách vẫn khẳng định được vị trí quan trọng, luôn là nguồn tri thức vô giá; là con đường ngắn nhất để tiếp cận với nền văn minh của nhân loại. Đọc sách là một trong những phương pháp giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy sáng tạo.

Nhận thức rõ vai trò của sách và văn hóa đọc trong phát triển kinh tế, xã hội, bên cạnh việc ban hành Nghị quyết 18 về chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và triển khai Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, xuất bản và văn hóa đọc là một trong những lĩnh vực đóng góp tích cực vào việc phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần từng bước thực hiện quan điểm xuyên suốt theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã đề ra: Văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực quan trọng để phát triển Thủ đô”./.

 

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024 bao gồm nhiều hoạt động được tổ chức trong tháng 4 nhưng tập trung nhiều nhất từ ngày 17/4 - 1/5.

Cùng với Lễ khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban tổ chức trưng bày các bộ sách quý về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; ảnh và sách về đất nước con người Việt Nam trên các phiên bản điện tử hiện đại và các ấn bản trực tiếp; tủ sách về các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tủ sách về biển đảo; tủ sách giới thiệu các tác phẩm đạt Giải thưởng Sách quốc gia; tủ sách công nghệ…

Tại khu vực Hồ Văn thuộc quần thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có Hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 với các không gian giới thiệu, quảng bá sách của các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách, doanh nghiệp công nghệ. Hội sách cung cấp trên 40.000 đầu sách có giá trị và mỗi ngày sẽ có từ 3 - 5 sự kiện tọa đàm, giới thiệu sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; chương trình nghệ thuật...

Dịp này, Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Cục Thông tin đối ngoại và các nhà xuất bản, các cơ quan liên quan tổ chức triển lãm, Hội chợ sách online trên nền tảng số quốc gia vietnam.vn với chủ đề “Sách hay tìm bạn đọc”. Bạn đọc còn có thể trực tiếp lựa chọn mua sách thông qua sự kết nối trực tiếp giữa nền tảng vietnam.vn với sàn mua bán sách trực tuyến...

Đặc biệt, bộ sách điện tử gồm 34 cuốn có nội dung giới thiệu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, truyền thống hiếu học, danh nhân khoa bảng đã được ra mắt và giới thiệu tới bạn đọc trong thời gian diễn ra Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 trên nền tảng Ebook365 - Nền tảng xuất bản sách điện tử quốc gia. Bộ sách này có ý nghĩa đặc biệt bởi văn hóa đọc đồng hành cùng sự phát triển của công nghệ chuyển đổi số.

  

THẾ HOÀNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất