“Xuất khẩu lao động không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề mang tính xã hội rất lớn. Tuy nhiên, cách làm hiện nay vẫn mang tính sự vụ, thiếu thông tin, nhiều rủi ro cho người lao động, đào tạo nghề ở các địa phương cũng chưa sẵn sàng”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Bạch Mai nhận xét như vậy sau khi nghe báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội do Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc trình bày.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, từ 2006 đến 2008 đã có gần 250.000 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài, đưa tổng số lao động của Việt Nam ở thị trường ngoài nước lên hơn 500.000 người tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề các loại.
Tuy nhiên, hệ thống trường, trung tâm đào tạo nghề mới bắt đầu được hình thành, chỉ có 50% lao động được đào tạo trước khi đi. Số lao động theo hợp đồng nhận thầu, trúng thầu và lao động công nghệ cao rất ít, mức lương của lao động Việt Nam ở thị trường nước ngoài thấp. Tỷ lệ lao động ở nông thôn được đào tạo nghề hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 19%.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng nêu ý kiến 8.000 tỷ đồng mà Chính phủ quyết định dành cho đào tạo nghề cho nông dân mỗi năm “chỉ nên dùng vào 3 việc là dạy nghề và ngoại ngữ cho nông dân đi xuất khẩu lao động, đưa nông dân vào các khu công nghiệp và vào các khu nông nghiệp công nghệ cao”. Nếu số tiền này “chia ra nhiều tỉnh, cho nhiều mục tiêu” sẽ nhanh chóng “tan biến” mà mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn khó mà đạt được.
Hầu hết các thành viên của Ủy ban Đối ngoại đều cho rằng đào tạo nghề là một vấn đề trọng tâm, giúp Việt Nam có một lực lượng lao động sẵn sàng, với tay nghề đa dạng, khi cần thiết có thể tuyển dụng và cung ứng ngay, trở thành một thương hiệu có uy tín trên thị trường xuất khẩu lao động quốc tế.
Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (2009-2020) nêu chỉ tiêu đưa 10.000 lao động ra làm việc ở nước ngoài trong 2 năm 2009-2010, trong đó 70% đã qua đào tạo. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 7/2009 mới có gần 400 lao động được tuyển dụng và tập trung đào tạo.
Một trong những kiến nghị quan trọng mà Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đề xuất với Chính phủ là sớm có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu cũng như cho các đối tượng lao động học nghề đi xuất khẩu lao động.
Bộ cũng đề nghị các cơ quan đối ngoại của Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ mở thị trường mới, đưa vấn đề hợp tác tiếp nhận và sử dụng lao động thành nội dung chính thức của các cuộc gặp cấp cao và các chuyến thăm quốc tế của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Son đánh giá cao việc hình thành hệ thống thị trường xuất khẩu lao động phong phú và đa dạng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường lao động quốc tế.
Ông cũng ghi nhận hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất khẩu lao động, giúp ngăn ngừa hữu hiệu tình trạng lao động bị lừa đảo hoặc phải trả chi phí trung gian lớn.
Từ năm 2003 đến nay, Bộ đã thu hồi giấy phép của 26 doanh nghiệp, tạm đình chỉ giấy phép của 6 doanh nghiệp và đình chỉ cung ứng lao động theo hợp đồng của hơn 100 lượt doanh nghiệp, thu hồi và trả lại tiền cho rất nhiều người lao động, đưa ra truy tố hình sự hàng trăm vụ lừa đảo xuất khẩu lao động./.
TTXVN