Chủ Nhật, 17/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 29/10/2013 15:46'(GMT+7)

“Cơn bão ngoại giao” xuyên Đại Tây Dương

Người dân Đức phản đối việc bị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ bí mật giám sát và theo dõi thông tin cá nhân. (Ảnh: AFP)

Người dân Đức phản đối việc bị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ bí mật giám sát và theo dõi thông tin cá nhân. (Ảnh: AFP)

Chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma (Obama) ngày 25/10 thừa nhận, việc các cơ quan tình báo Mỹ chặn thu và nghe lén những cuộc điện thoại của các cơ quan chính phủ và nguyên thủ các quốc gia đã và đang gây căng thẳng trong quan hệ của Mỹ với các nước. Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Gien Pxa-ki (Jen Psaki) nói: "Rõ ràng việc tiết lộ các thông tin mật liên quan tới chương trình do thám bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã dẫn tới những giây phút căng thẳng trong quan hệ của chúng tôi với một số đồng minh. Hiện chúng tôi đang có thảo luận với những đồng minh này trong đó phái đoàn của Đức sẽ đến đây trong vài tuần tới. Ngoại trưởng Giôn Ke-ri (John Kerry) trong chuyến thăm châu Âu gần đây đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Pháp, I-ta-li-a về vấn đề này"".

Theo bà Gien Pxa-ki, các hoạt động tình báo này của Mỹ đã tạo ra những thách thức nhất định trong quan hệ của Mỹ với các đồng minh và làm chệch hướng công luận về nỗ lực chống khủng bố của Oa-sinh-tơn.

Trước đó cùng ngày, Trợ lý Tổng thống Ô-ba-ma phụ trách vấn đề an ninh nội địa và chống khủng bố, bà Li-xa Mô-na-cô (Lisa Monaco) cũng thừa nhận những rò rỉ tình báo vừa qua đã đặt ra những thách thức to lớn đối với quan hệ giữa Oa-sinh-tơn và các đồng minh truyền thống, nhưng lại trấn an người dân Mỹ rằng, hoạt động này là hoàn toàn hợp pháp. Bà Mô-na-cô cho biết, Tổng thống Ô-ba-ma đã chỉ thị cho giới chức hữu quan kiểm tra lại và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động do thám.

Những lời thừa nhận trên đây từ các quan chức chóp bu của Mỹ được đưa ra sau khi tờ "The Guardian" của Anh thông tin Chính phủ Mỹ đã thu chặn và nghe lén điện thoại di động 35 nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có cả Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel).

Trong khi đó, lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu hôm 25/10 nhất trí thành lập ""một mặt trận chung"" nhằm chống lại chương trình do thám của Mỹ.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Ghê-oóc Strai-tơ (Georg Streiter) cho biết, các quan chức an ninh cấp cao của Đức sẽ đi Mỹ trong tuần tới để thảo luận với Nhà Trắng và NSA về những cáo buộc gián điệp, trong đó có cáo buộc NSA nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Méc-ken. Theo các phương tiện truyền thông Đức, Liên minh châu Âu cũng sẽ cử đại diện đến Mỹ. Cùng ngày, Tổng thống Đức Gioa-khim Ga-úc (Joachim Gauck) đã gọi điện cho Tổng thống Ô-ba-ma yêu cầu người đứng đầu nước Mỹ giải thích về các cáo buộc liên quan đến hoạt động do thám của Mỹ. Theo Tổng thống Đức, nếu cáo buộc trên là đúng sự thật, điều đó sẽ làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin giữa những người bạn và đối tác chính trị. Tây Ban Nha cũng đã chính thức phản ứng sau khi có thông tin nói rằng, Mỹ cũng đã do thám quốc gia này. Ngày 25/10, Thủ tướng Ma-ri-a-nô Ra-hoi (Mariano Rajoy) đã chỉ thị cho Ngoại trưởng Hô-xê Gác-xi-a Mác-ga-giô (Jose Garcia Margallo) triệu Đại sứ Mỹ tại Ma-đrít Giêm Cô-xtốt (James Costos).

Tại trụ sở LHQ, Đức và Bra-xin đang phối hợp để đưa ra ĐHĐ LHQ một dự thảo nghị quyết nêu rõ sự bất bình của cộng đồng quốc tế. Các nhà ngoại giao cho biết, dự thảo nghị quyết sẽ kêu gọi mở rộng Hiệp ước quốc tế về Quyền công dân và chính trị sang lĩnh vực hoạt động trên mạng internet. Đây là hiệp ước quốc tế có hiệu lực từ năm 1976, trước thời điểm mạng internet xuất hiện. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết sẽ không nêu đích danh Mỹ mà chỉ nhằm gửi một thông điệp cảnh báo đến những đối tượng lạm dụng internet để vi phạm các quyền riêng tư.

Rõ ràng, vụ bê bối nghe lén điện thoại bị phanh phui đang gây ra cơn bão ngoại giao giữa Mỹ với các đồng minh, đặt các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trước những thử thách lớn. Chuyên gia nghiên cứu Vôn-cơ Pớt (Volker Perthes) của Viện nghiên cứu các vấn đề an ninh và quốc tế tại Béc-lin (Đức) nhận định: "Lòng tin là chỉ số quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế. Chỉ số lòng tin bị ảnh hưởng có thể gây ra những rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ"./.

Ngọc Hà (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất