Thứ Sáu, 11/10/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 12/5/2019 16:17'(GMT+7)

"Con cá" hay "cần câu"?

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Lâu nay, vào những dịp kỷ niệm các sự kiện lịch sử, chúng ta thường được chứng kiến cảnh đến thăm hỏi, tặng quà nhân dân các vùng sâu, vùng xa của nhiều cơ quan, đơn vị hay doanh nghiệp. Đó là việc làm tốt đẹp thể hiện truyền thống nhân ái Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng của dân tộc ta.

Điều đó cũng bao hàm cả sự biết ơn quá khứ, vì trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, vùng sâu, vùng xa thường là căn cứ địa, chiến khu của cách mạng.

Chưa ai quên Việt Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn... đã từng Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù (Thơ Tố Hữu). Chắc nhiều người còn nhớ những bưng biền bát ngát của châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long, các miệt rừng rợp bóng đại ngàn vốn là chốn đi-về của bao người yêu nước, của những đội quân chân đất đi song song cùng lịch sử.

Không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng. Đến với vùng sâu, vùng xa chính là tình cảm, trách nhiệm của chúng ta đối với quá khứ bi hùng của dân tộc. Những món quà dành cho người dân vùng sâu, vùng xa dù lớn hay nhỏ đều làm ấm lòng nhân dân, có thể ít nhiều giúp bà con vượt qua khó khăn, thiếu thốn trong một thời gian nhất định.

Tuy nhiên, cuộc sống của một vùng miền, một gia đình, một con người luôn cần tới sự cốt lõi, cơ bản, bền vững, lâu dài. Hạnh phúc của con người không thể tính bằng sự bấp bênh, trôi nổi, tạm bợ, chắp vá, được chăng hay chớ trong đời sống. Điều đó đã được diễn đạt một cách vô cùng cụ thể, dễ hiểu như Bác Hồ từng mong muốn là: ...ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Cơm ăn, áo mặc, học hành - những nhu cầu tối thiểu và rất chính đáng đó đôi khi vẫn là ước mơ không dễ đạt được của một bộ phận không nhỏ người dân ở vùng sâu, vùng xa. Không phải không có những gia đình đứt bữa, những bát cơm thiếu thịt cá, những đứa trẻ chưa đủ áo ấm trong mùa đông, những lớp học hun hút gió lùa... Không phải không có những bất ổn, bất an trong cuộc sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa.

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa và đã có chủ trương, đường lối, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao đời sống văn hóa cho những nơi này. Nhưng những kết quả đạt được có lẽ chưa tương xứng với điều chúng ta mong mỏi. Nhìn chung, vùng sâu, vùng xa hiện thời vẫn là vùng trũng về kinh tế, văn hóa của đất nước. Công ăn việc làm thiếu; thu nhập bình quân thấp; trẻ em suy dinh dưỡng, bỏ học; hủ tục, tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng...

Thiết nghĩ, trong tầm nhìn lâu dài, xa rộng phải có kế hoạch phát triển vững bền cho vùng sâu, vùng xa. Giữa hai thứ cho người dân vùng sâu, vùng xa, ta nên đưa "cần câu" hơn là "con cá". Chiến lược phát triển vùng sâu, vùng xa nên tuân thủ theo điều đó. Giao "cần câu" họ mới có cơ hội làm chủ cuộc sống của mình, xóa bỏ dần tâm lý sống tạm bợ hoặc ỷ lại. Việc giao "cần câu" hay "con cá" có lẽ đang sáng tỏ dần, nhưng ai giao "cần câu" và giao như thế nào mới là điều đáng bàn.

Ở tầm vĩ mô, Nhà nước nên có hoạch định thật phù hợp về phát triển kinh tế-xã hội cho các vùng, miền, đặc biệt là nơi đang khó khăn nhiều như vùng sâu, vùng xa.

Nên có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư ở vùng sâu, vùng xa. Đây là mấu chốt, góp phần tạo nên sự phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho nhân dân vùng sâu, vùng xa. Bởi, không có công ăn việc làm cho họ thì khó nói đến chuyện ổn định đời sống.

Về phần doanh nghiệp, đầu tư ở đâu và vào cái gì âu cũng phải tính đến thặng dư nhưng nếu kết hợp được việc thu lợi nhuận (dù ít) với giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho vùng sâu, vùng xa thì hồng phúc cho đất nước biết bao./.

Nguyễn Hữu Quý (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất