Thứ Năm, 19/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 18/5/2009 16:55'(GMT+7)

Còn nhiều điều cần phải bàn

Báo BĐVN đã trao đổi với TS. Phạm Mạnh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT), TS. Nguyễn Quang A - chuyên gia CNTT và ông Phạm Thiện Nghệ, TGĐ Công ty Cổ phần Thương mại Công nghệ Khai Trí xung quanh chính sách này.

Các ông có bình luận gì về việc Chính phủ xếp máy tính như là một trong những máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ nông dân vay vốn để mua những sản phẩm này?

Ong-Pham-Manh-Lam.jpg
TS. Phạm Mạnh Lâm

TS. Phạm Mạnh Lâm: Cần có thêm mạng Internet và thông tin về sản xuất cho người dân

Cá nhân tôi cho rằng trong một chừng mực nhất định, quyết định này của Chính phủ sẽ giúp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, góp phần giúp DN sản xuất máy tính tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn ở  nông thôn. Bởi lẽ, nếu người nông dân (ND) được vay tiền mua máy tính mà không phải trả lãi thì chắc chắn sẽ có người vay. Tuy nhiên, nếu nói là có rất nhiều người vay thì tôi không tin lắm vì máy tính là phương tiện, công cụ phục vụ gián tiếp cho sản xuất nông nghiệp nên ND cũng sẽ “cân, đong, đo, đếm” xem máy tính có thực sự cần thiết đối với họ không? Bản thân họ có nhu cầu sử dụng không?… Nếu thấy thực sự có nhu cầu sử dụng mà lại được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn thì đương nhiên họ sẽ vay để mua máy. Còn nếu thấy không cần thiết, ND sẽ không vay.

Đối với ND, có 2 điều cần quan tâm: một là dùng máy tính phục vụ sản xuất kinh doanh thì đòi hỏi phải có mạng Internet và quan trọng hơn là phải có thông tin về sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; hai là dùng máy tính để giúp cho con cái học hành. Nếu máy tính không dùng được vào 2 việc này thì coi như “hỏng” và bản thân người ND chẳng dại gì mua. Hiện nay, đối với đại đa số ND, mua máy tính có lẽ chưa phải là nhu cầu cấp thiết nhất, còn có nhiều nhu cầu khác bức thiết hơn.

TS. Nguyễn Quang A: Đừng để khoản bù lãi suất ấy bị người bán ăn chặn

Ong-Nguyen-Quang-A.jpg
TS. Nguyễn Quang A

Bù lãi suất cho vay vốn mua máy móc thiết bị, vật tư để sản xuất ở nông thôn là chủ trương tốt. Nhưng vấn đề là người mua thực sự có nhu cầu mua hay không và khoản bù 100% lãi suất có bị người bán PC “ăn chặn” bằng cách tăng giá đúng bằng hay hơn số lãi đó không.

Việc máy tính được xếp chung với các loại máy móc thiết bị nông nghiệp khác cũng có thể là hợp lý và có thể không. Nếu nông dân dùng máy tính như công cụ để tìm kiếm thông tin, trao đổi với khách hàng, quản lý sản xuất, chi tiêu,… của họ thì đó là đầu tư vào tư liệu sản xuất như mua máy cày và như thế là hợp lý. Còn dùng máy để chơi trò chơi thì không.

Ông Phạm Thiện Nghệ: Ít nhất người dân cũng đã có “cần câu”

Việc Chính phủ quyết định hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn mua máy tính phục vụ sản xuất nông nghiệp thực sự là cơ hội cho các DN sản xuất, lắp ráp máy tính VN. Tuy nhiên, tôi cho rằng, số lượng máy tính mà các DN tiêu thụ được không nhiều, chắc chỉ có thêm chừng 500 ngàn hộ ND vay vốn mua máy tính mà thôi. Mặc dù vậy, có thể coi chính sách này của Chính phủ là một trong những “mồi” kích cầu hướng tới khu vực nông thôn, phần nào giúp các DN thoát khỏi giai đoạn khó khăn hiện nay. Vẫn biết là để người ND có thể ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất, kinh doanh thì cần nhiều yếu tố khác như: kết nối Internet, nội dung số về nông nghiệp, nông thôn… song ít nhất, người ND nếu muốn truy cập Internet, muốn khai thác thông tin trên mạng thì trước hết họ phải có máy tính, không lẽ họ lấy cái cuốc, máy cày… để truy cập? Ngoài ra, các DN viễn thông, CNTT đã và đang tiếp tục đưa Internet về  tận các làng, xã nên việc hỗ trợ lãi suất cho ND vay vốn mua máy tính là giúp họ có phương tiện tiếp cận với CNTT.

Ong-Pham-Thien-Nghe.jpg
Ông Phạm Thiện Nghệ

Nhưng nếu chỉ hỗ trợ mua máy tính mà không phát triển về đường truyền Internet và những sản phẩm nội dung số phục vụ nông nghiệp - nông thôn sẽ giống như trao cho ND “cần câu” nhưng không có “cá” để họ câu?

TS.Nguyễn Quang A: Vấn đề chính là ở chỗ đó! Mua cái máy tính về để đắp chăn hay chơi game thì chẳng ích gì cho kích cầu. Cần biết cách sử dụng để làm lợi cho nông dân (thông tin, giá cả, thị trường, mùa vụ, thời tiết, kỹ thuật nuôi trồng…), lẽ ra phải khuyến khích các dịch vụ ấy thì mới thực sự có ý nghĩa và nông dân mới “khoái và mê” máy tính vì nó làm lợi cho chính họ. Mua cái máy không mà không có phần mềm, dịch vụ đi kèm, không đào tạo cho bà con thì hiệu quả sẽ rất thấp.

Nhà nước nên hỗ trợ xây dựng các ứng dụng rất sát sườn cho ND và mang lại hiệu quả có thể trông thấy cho họ. Đấy là cách khôn ngoan nhất. ND có lợi, sản xuất kinh doanh hiệu quả và có nhiều lời thì họ sẽ mê dùng máy tính và các dịch vụ đi kèm, từ đó tạo ra nhiều nhu cầu hơn cho các công ty CNTT. Còn chỉ muốn lợi dụng “kích cầu” để bán được máy thì “lừa” người mua hay nhà nước (bù 100% lãi) được một lần, nhưng không tốt cho ai cả, kể cả cho người bán máy và nhà sản xuất.

TS. Phạm Mạnh Lâm: Tôi cũng đồng ý rằng để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực thì máy móc, trang thiết bị mới chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ. Để máy tính phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp thì quan trọng hơn cả là phải có nội dung số về nông nghiệp, nông thôn phong phú: phương pháp chăm sóc, chọn giống cây trồng, kinh nghiệm làm sao để trồng lúa đạt năng suất cao, thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản… .

Trang bị máy tính cho ND, đưa Internet về nông thôn mà không có nội dung thông tin số về nông thôn, nông nghiệp thì cũng giống như xây đường mà không có ôtô để chạy. Vì vậy, Nhà nước nên hỗ trợ các DN cung cấp nội dung thông tin số về nông nghiệp; đồng thời có cơ chế thu hút, khuyến khích các DN nội dung số tăng cường đầu tư phát triển những nội dung số phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mặc dù lĩnh vực nội dung số phục vụ ND, nông thôn có tiềm năng phát triển song ở thời điểm hiện nay, khả năng không thành công của các DN đầu tư phát triển nội dung số về nông nghiệp là rất lớn. Bởi lẽ đầu tư vào nội dung số về nông nghiệp không sinh lợi ngay lập tức như với game hoặc các nội dung giải trí khác. Các DN nội dung chẳng dại gì làm, họ tập trung vào game hay nội dung giải trí cho mobile… sẽ tốt hơn nhiều. Do đó, phải có sự hỗ trợ của Nhà nước đối với các DN cung cấp nội dung số về nông nghiệp để giúp họ qua khỏi giai đoạn khó khăn ban đầu. Khi sản phẩm có nhiều người sử dụng thì lúc đó không cần hỗ trợ, họ vẫn trụ được và tiếp tục phát triển. Hỗ trợ không phải là cho không hoàn toàn mà có thể bằng hình thức ưu đãi hỗ trợ lãi suất vốn vay trong một thời gian nhất định giống như hỗ trợ nông dân mua máy tính.

Có thể nói rằng, để đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất nông nghiệp, việc Nhà nước hỗ trợ ND mua máy tính đã tốt và cần thiết, song việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN phát triển nội dung số phục vụ nông dân, nông nghiệp, nông thôn còn quan trọng hơn rất nhiều. Khi có nhiều DN tham gia cung cấp nội dung số về nông nghiệp, thông tin về sản xuất nông nghiệp trên mạng phong phú thì dần dần sẽ có nhiều ND vào xem, khai thác thông tin, phục vụ cho hoạt động sản xuất của họ.

Như ông Phạm Mạnh Lâm nói thì với đại đa số ND, nhu cầu mua máy tính chưa cấp thiết. Vậy việc Nhà nước hỗ trợ ND lãi suất vay vốn  mua máy tính có là lãng phí không?

TS. Phạm Mạnh Lâm: Không hề. Như tôi đã phân tích ở trên. Một khi nhu cầu đã không lớn, hơn thế khi ND vay vốn để mua đã có tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng về sự cần thiết của máy tính đối với bản thân họ thì không có chuyện Nhà nước lãng phí. Song sẽ là lãng phí thực sự khi trong quá trình triển khai thực hiện chính sách này, các đơn vị thực thi để “lọt” những tổ chức, cá nhân “núp bóng”, “mượn danh” ND, tổ chức sản xuất nông nghiệp để được hỗ trợ lãi suất vay vốn rồi sử dụng vào mục đích khác. Do đó, phải kiểm soát chặt để hỗ trợ đúng đối tượng. Nếu chúng ta hỗ trợ lãi suất vay vốn đúng đối tượng thì trong chừng mực nhất định, chính sách này sẽ mang lại lợi ích cho ND và khu vực nông thôn. Giả sử có 100.000 hộ nông dân mua máy tính thì Nhà nước cho vay 500 tỉ đồng và khoản hỗ trợ lãi suất trong 2 năm là khoảng 130 tỷ đồng (giả thiết lãi suất cho vay là 13%/năm), những con số không quá lớn đối với Ngân sách Nhà nước nhưng đổi lại, 100.000 hộ ND sẽ có máy tính, được tiếp cận công nghệ hiện đại, có cơ hội sử dụng máy tính phục vụ việc sản xuất, nuôi dạy con cái. Như vậy, chủ trương là tốt, góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT khu vực nông thôn. Nhưng để chủ trương, chính sách này hiệu quả hơn thì còn cần có những biện pháp, giải pháp đồng bộ.

Xin hỏi ông Phạm Thiện Nghệ: Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam và các DN sẽ có ưu đãi gì đối với khu vực nông thôn?

Sắp tới, Hiệp hội dự kiến có văn bản gửi các cơ quan quản lý Nhà nước  đề xuất việc cần thiết phải xác định rõ những máy tính nào đạt tiêu chuẩn được đưa vào danh mục hàng hóa mà khi mua người ND sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay để đảm bảo rằng các hộ ND mua được những chiếc máy tính chất lượng với giá thành tốt. Mặt khác, 8 DN trong câu lạc bộ các nhà sản xuất máy tính VN (VCM Club) sẽ bàn bạc, thảo luận tìm biện pháp cùng tham gia với Nhà nước thúc đẩy ứng dụng CNTT khu vực nông thôn. Nhà nước hỗ trợ ND lãi suất vay vốn mua máy  tính, còn các DN sản xuất, lắp ráp máy tính trong nước như chúng tôi sẽ hỗ trợ bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng không nâng giá thành sản phẩm. Nghĩa là, cũng với khoảng 4-5 triệu đồng, ND sẽ có được bộ máy tính có chất lượng tốt hơn.

(Theo ICTnews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất