Thứ Ba, 12/11/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 28/10/2008 22:4'(GMT+7)

Còn nhiều thách thức trong kiềm chế lạm phát

Các Đại biểu QH phát biểu. Ảnh minh hoạ

Các Đại biểu QH phát biểu. Ảnh minh hoạ

Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến đại biểu tập trung đánh giá tính đúng đắn và kết quả áp dụng hệ thống 8 nhóm giải pháp do Chính phủ trình Quốc hội thông qua trước tình hình kinh tế không bình thường của quốc tế và trong nước năm 2008; Đề xuất các biện pháp cuối năm để thực hiện có hiệu quả hơn mục tiêu đã điều chỉnh của kế hoạch năm 2008; Đánh giá về dự kiến mức độ đạt được các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đã được điều chỉnh của kế hoạch năm 2008; Những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo điều hành nền kinh tế trong tình hình mới; Việc chọn lựa mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội năm 2009; dự kiến chọn mức độ của các chỉ tiêu chủ yếu gắn với dự báo tình hình quốc tế và trong nước; Đề xuất rõ hơn, cụ thể hơn trên cơ sở dự kiến các nhóm giải pháp năm 2009 với yêu cầu vừa trực tiếp phục vụ mục tiêu của năm 2009 vừa với tư cách là năm bản lề, tạo điều kiện hoàn thành toàn diện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.

Tăng trưởng chưa bền vững và những thách thức của mục tiêu kiềm chế lạm phát

Đa phần ý kiến đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ đã thực hiện 8 nhóm giải pháp kịp thời và mau lẹ, phát huy hiệu quả kiềm chế lạm phát, trong đó các chính sách hỗ trợ giá xăng, giá giống lúa, miễn thủy lợi phí cho ngư dân và nông dân… tạo điều kiện cho nông dân tăng khả năng khắc phục khó khăn do lạm phát. Tuy nhiên đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) và một số đại biểu đã chỉ ra những thách thức lớn đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát và bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 là: Sự tăng trưởng kinh tế của nước ta chưa bền vững, dẫn đến hậu quả là sự suy thoái của khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại biểu Dương Kim Anh đã đưa ra những cứ liệu có tính chất cảnh báo nguy cơ tăng lạm phát và giảm tăng trưởng kinh tế trong năm tới. Chúng ta hiện có trên 350.000 DN vừa và nhỏ, nhưng theo đại biểu Dương Kim Anh, hiện trong số này có tới 20% số DN có nguy cơ phá sản; 60% đình trệ sản xuất và chỉ có 20% thích ứng với tình hình lạm phát. Đại biểu nhấn mạnh, nếu Chính phủ không có chính sách thích hợp hỗ trợ các DN vừa và nhỏ thì sẽ có khoảng 60.000 DN vừa và nhỏ phá sản trong thời gian tới, trên 100.000 lao động thất nghiệp.

Cùng chia sẻ với đại biểu Dương Kim Anh về những nguyên nhân tăng trưởng không bền vững, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Yên Bái) đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân "vốn đầu tư hiệu quả thấp - theo báo cáo của Chính phủ" và có giải pháp kiềm chế gia tăng dân số vì chỉ tiêu giảm sinh trong hai năm 2007 và 2008 đều không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, nước ta đã đứng ở vị trí thứ 13 các nước đông dân trên thế giới, với mật độ 260 người/km2 lại gấp 5 lần mức bình quân của thế giới; nước ta hiện có 86 triệu dân, mỗi năm tăng thêm 1 triệu người, tương đương dân số của 1 tỉnh thì không thể bảo đảm an sinh bền vững, trong khi đó vốn cho khu vực nông thôn đã ít lại chậm, đến tháng 6/2008 mới có thông báo vỗn hỗ trợ các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Yếu tố bất ổn của kinh tế nông nghiệp nông thôn và sự gia tăng dân số "vượt khung" là một thách thức nữa đối với năm tới và các năm tiếp theo.

Một thách thức nữa được các đại biểu nhấn mạnh đó là vai trò của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc sử dụng vốn. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) phát biểu: Tổng hợp từ 76 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã được giao tới 403.000 tỷ đồng và được vay bổ sung 514.000 tỷ đồng nữa, nhưng tỷ suất về lợi nhuận chỉ đạt 17,04%/năm (theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước). Các Tập đoàn, Tổng công ty này lại rót vốn đầu tư ngoài kế hoạch là 7.370 tỷ đồng vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, nhà đất; đồng thời cũng nhập siêu tới 21 tỷ USD.

Sự độc quyền về kinh doanh điện dẫn tới người tiêu dùng bị thiệt hại do phải mua giá điện cao, sản xuất bị ảnh hưởng do bị cắt điện tùy tiện, trong khi đó ngành điện lại công bố chênh lệch giá đến 2.700 tỷ đồng và đề nghị được cắt hơn 1.000 tỷ đồng để thưởng nội bộ; sự độc quyền về giá xăng dầu tạo nên sự bất công giữa các doanh nghiệp, trong đó Petrolimex chiếm 60% thị phần trong nước còn lại là 10 đầu mối khác cùng duy trì mức giá xăng, dầu không hợp lý dẫn đến tăng thêm áp lực lạm phát cho các thành phần kinh tế.

Các đại biểu đều đề nghị Quốc hội thực hiện chương trình giám sát với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bởi vì nếu các doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn không hiệu quả, ỷ vào vị thế độc quyền chỉ vì lợi ích cục bộ, cũng sẽ trở thành nguyên nhân tăng áp lực lạm phát và cản trở tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.

Cần phân tích rõ hơn về những hạn chế, thiếu sót

Về những diễn biến trong thời gian tới, đại biểu Vũ Hoàng Hà (đoàn Bình Định) đồng tình với những nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tình hình khủng hoảng kinh tế của thế giới sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nước ta. Đại biểu cho rằng đưa ra nhận định ấy là thoả đáng để từ đó chúng ta có nhiều phương án đối phó, trong trường hợp có những diễn biến xấu đi thì chúng ta cũng sẽ đối mặt với nó một cách bình tĩnh. Đại biểu cho rằng sẽ có 2 khả năng xảy ra: đó là nguy cơ lạm phát vẫn còn cao hoặc sẽ dẫn tới tình hình giảm phát.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Yên Bái) quan tâm đến hạn chế đã được Chính phủ nêu trong nhiều năm qua đó là hiệu quả đầu tư còn thấp, đặc biệt là đầu tư công; hệ số Icor chưa được cải thiện. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những phân tích rõ những nguyên nhân cũng như giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Về những thiếu sót, khuyết điểm được đề cập trong Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2008, đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (đoàn Quảng Bình) lại cho rằng những thiếu sót, khuyết điểm được chỉ ra là đúng, nhưng vẫn chỉ ở dạng thiếu sót, khuyết điểm chung của Chính phủ. Đại biểu đề nghị, từ những thiếu sót khuyết điểm ấy Chính phủ tiếp tục phân tích để chỉ ra rõ hơn là thiếu sót, khuyết điểm của ngành nào, của địa phương nào, của lĩnh vực nào và cá nhân những người đứng đầu những ngành ấy phải chịu trách nhiệm như thế nào, thì chắc chắn những khuyết điểm, thiếu sót đó sẽ dễ được khắc phục hơn và chúng ta tin tưởng là sẽ khắc phục được trong thời gian tới.

Không nên nóng vội đề ra con số tăng trưởng quá cao

Về những nhiệm vụ của năm 2009, đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (đoàn Quảng Bình) đề nghị Chính phủ cần có sự tính toán kỹ những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới đến chúng ta: Ví như giảm phát, xuất khẩu sẽ khó khăn, những bất lợi của năm 2008 còn tiếp diễn trong năm 2009… để có thể xác định một chỉ tiêu tăng trưởng hợp lý, chuyển trọng tâm đề cập đúng những vấn đề chính sách an sinh xã hội.

Đại biểu cũng đề nghị, đối với công tác an sinh xã hội, cần tiếp tục chính sách miễn giảm thuỷ lợi phí, hỗ trợ gián tiếp, trực tiếp kịp thời bằng những chính sách an sinh xã hội để xoá đói, giảm nghèo, làm các thủ tục đơn giản để cho các chính sách của nhà nước sớm đến với nông dân sẽ đỡ khó khăn cho người nghèo. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên), đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hoá) cùng nhiều ý kiến khác tán thành mục tiêu năm 2009 đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5-7%.

Đại biểu Lê Văn Cuông cho rằng từ thực tế đất nước thời gian qua, trong điều hành nền kinh tế vĩ mô chúng ta không nên quá lạc quan, nóng vội đề ra con số tăng trưởng quá cao, để phấn đấu đạt được bằng bất cứ giá nào trong khi nền kinh tế và nội lực xã hội chưa được cân đối đầy đủ các yêu cầu cần thiết.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng này cần phải có sự phát triển chung của cả nước, trong đó có các vùng. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò quan trọng của phát triển vùng, là cơ sở cho phát triển bền vững của cả nước, mỗi vùng đều có đặc thù riêng, có thế mạnh riêng, nếu có cơ chế phù hợp thì chắc chắn sẽ khai thác tốt thế mạnh của từng vùng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có đánh giá rõ hơn, kỹ hơn và tiếp tục có cơ chế chính sách đầu tư theo vùng, cả vùng khó khăn và vùng kinh tế trọng điểm.

Ngày mai (29/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất