Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 26/10/2008 17:13'(GMT+7)

Ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp Việt- Nga

Chiều 25/10, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt- Nga lần thứ I và Lễ ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp Việt- Nga (VRBC). Đến dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền, Tham tán Thương mại LB Nga tại Việt Nam Melnikov Sergey Fedorovich, cùng nhiều đại diện lãnh đạo ban, ngành trung ương cùng nhiều doanh nghiệp hai nước.

Việc thành lập VRBC nhằm tạo ra một kênh giao lưu giữa các doanh nghiệp Việt Nam và LB Nga, tạo cơ hội để doanh nghiệp hai nước đóng góp ý kiến của mình về các chính sách của Chính phủ, cũng như cung cấp các thông tin về các chính sách, quy định, thị trường, doanh nghiệp của hai nước, tạo cầu nối giữa hai cộng đồng doanh nghiệp Việt- Nga. 

VRBC sẽ do VCCI chủ trì thực hiện Chủ tịch Hội đồng: Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam và các Phó Chủ tịch: Nguyễn Văn Thuận, TGĐ Ngân hàng Liên doanh Việt Nga, Phùng Danh Thắng, TGĐ Cty Thái Sơn- Bộ Quốc phòng, ông Nguyễn Cảnh Sơn, CTHĐQT Cty EuroWindowholding

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, mối quan hệ hợp tác hữu nghị về mọi mặt giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, và Cộng hoà LB Nga hiện nay có truyền thống lâu đời và không ngừng được củng cố và phát triển. Sau các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước, như chuyến thăm Việt Nam của TT Nga V.Putin tháng 3/2001 và tháng 11/2006, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 9/2007, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển toàn diện.

Việc Chính phủ hai nước đã ký kết một loạt các văn kiện đã khai thông hành lang pháp lý, đem lại những động lực mới cho sự phát triển hợp tác trong nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy một cách toàn diện và sâu rộng sự hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa hai nước chưa phát triển xứng với tiềm năng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa hai nước chỉ chiếm 0,43% tổng kim ngạch XNK của LB Nga và chưa tới 2% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam với các nước. Năm 2005, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 1 tỷ USD, 2006- 868 triệu USD, 2007- hơn 1 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2008, đạt 959 triệu USD và chắc chắn cả năm sẽ đạt trên 1 tỷ USD, vượt mục tiêu đã đề ra.

Chỉ tính trong chuyến thăm LB Nga năm 2007 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, doanh nghiệp hai bên đã ký kết 12 hợp đồng/thoả thuận hợp tác với tổng trị giá đạt 1,148 tỷ USD.

Lĩnh vực Nga đầu tư mạnh nhất là công nghiệp dầu khí, chiếm trên 24% tổng số vốn đầu tư (53 triệu USD). Tiếp đến là các ngành xây dựng (29 triệu USD) và thủy sản (28 triệu USD). Tuy nhiên một số dự án đầu tư vào các lĩnh vực khác (nông- lâm nghiệp và công nghiệp chế biến) có quy mô hạn chế; 42/79 dự án đã cấp phép không hiệu quả và đã giải thể.

Việt Nam cũng có 11 dự án đầu tư sang Nga với tống số vốn 33 triệu USD, nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu là hoạt động thương mại, chế biến thực phẩm và 1 dự án trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

Có thể nói, sau hai năm trở thành thành viên của WTO, với điều kiện địa lý thuận lợi, chính sách cởi mở, môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, Việt Nam thực sự đang đem lại nhiều cơ hội lớn cho các nhà đầu tư LB Nga nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung. Việt Nam đang trở thành điểm hấp dẫn về đầu tư trực tiếp và gián tiếp ở châu Á. Ngược lại, LB Nga cũng sẽ là đối tác quan trọng, là cửa ngõ để hàng hoá Việt Nam vào Nga và các nước Đông Âu, vốn là thị trường quen thuộc của các doanh nghiệp Việt Nam. 

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt- Nga lần thứ I

Mặc dù vậy, theo các ý kiến của các doanh nghiệp tại Diễn đàn, khó khăn lớn nhất là khả năng thanh toán của thị trường SNG nói chung và thị trường Nga nói riêng. Bên cạnh đó là trở ngại trong thanh toán tiền hàng giữa hai nước (các ngân hàng của Nga không dễ cho mở L/C, đồng thời phí mở L/C còn cao, ngân hàng Việt Nam chưa có chế độ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc bán hàng trả chậm cho Nga. Đây là một cản trở khá lớn trong buôn bán giữa hai nước trong thời gian qua.

Vận tải cũng là một cản trở trong quan hệ thương mại hai nước. Hiện nay phương tiện vận chuyển chủ yếu là container với mức chi phí khá cao. Hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga, do phải vận chuyển qua các cảng châu Âu rồi mới vòng lại Nga, hoặc tới cảng Vladivostock rồi đi theo đường xuyên Nga từ Đông sang Tây nên chi phí vận chuyển lớn hơn so với hàng vận chuyển từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thỗ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ.

Hai bên cũng hy vọng, chuyến thăm LB Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ là dịp để các doanh nghiệp với tư cách là thành viên Hội đồng kinh doanh Việt- Nga có thể gặp gỡ, trao đổi với nhau về kế hoạch lâu hợp tác lâu dài, tháo gỡ các khó khăn, phát huy lợi thế và tận dụng các cơ hội về thương mại và đầu tư./.

Ngọc Thành-VOV
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất