Thứ Ba, 1/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 15/9/2010 8:48'(GMT+7)

Con trẻ và câu chuyện về chiếc bánh trung thu

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thấy mẹ chuẩn bị tắt đèn đi ngủ, con bé Hằng thỏ thẻ “Mẹ, mẹ mua bánh trung thu cho cô đi!”. Nghe tiếng con, chị Thương giật mình hỏi. Sao con nói mẹ vậy? Con bé nói giọng hờn dỗi “Hôm nay ở lớp con, bao nhiêu mẹ các bạn đến mua bánh trung thu cho cô, mỗi mẹ là chưa”. Chẳng đợi mẹ nói, con bé tiếp tục giọng hể hả “Bố bạn Duy chơi với con còn đưa bạn ấy đến tận nhà cô cho cô bánh cơ mẹ ạ. Có mỗi mẹ là…Thế nên hôm nay con chỉ được 7 điểm thôi, tại mẹ cả.”. Giờ thì chị Thương đã hiểu trong đầu con bé đang nghĩ gì. Chị nhỏ nhẹ nói với con “Mẹ xem vở con rồi, con sai 3 bài nên cô cho 7 là đúng, đâu phải tại mẹ mà cô cho con điểm thấp? Con chẳng vừa kể cho mẹ lúc nãy là bạn Duy được 5 điểm, thấp hơn con, vậy đâu phải bố bạn ấy đến nhà cô, cho cô cái bánh mà cô cho điểm cao, phải không con?”. Con bé vẫn phụng phịu chưa chịu thua. Biết rằng có nói nữa con bé vẫn không chịu hiểu, chị Thương đành nói dối “Những cái bánh trung thu ấy là bố mẹ các bạn góp cho cô để hôm nào trung thu, cô sẽ cho các con phá cỗ đấy. Con đừng nghĩ sai về cô nhé”. Con bé im lặng một hồi rồi bảo mẹ, con phải đợi đến trung thu xem mẹ nói có đúng không đã.

Chuyện cái bánh trung thu qua suy nghĩ của đứa trẻ làm mỗi bậc cha mẹ không khỏi băn khoăn.

Trăng tròn tháng Tám vốn là dịp vui phá cỗ với chị Hằng, chú Cuội của lũ trẻ, nay bỗng đâu bị người lớn đưa vào vòng xoáy của thị trường. Thay vì mua bánh về nhà cho con phá cỗ, nhiều bậc làm cha mẹ lại đôn đáo đi tìm mua những hộp bánh ngon nhất, xịn nhất để tặng thầy cô . Không chỉ dịp này, mà còn nhiều dịp lễ khác, từ những ngày 20/10, 20/11, Tết Dương lịch, Tết âm lịch, thậm chí cả 30/4, 1/5, tất tần tất những dịp nào có thể, một số phụ huynh đã triệt để tận dụng thời cơ để tặng quà thầy cô.

Cho dù những việc làm này xuất phát từ tấm lòng của các bậc phụ huynh muốn cô và gia đình có một trung thu vui vẻ, nhưng oái oăm là những việc làm này diễn ra dưới mắt con trẻ và được chúng nhìn dưới một lăng kính khác. Hình ảnh thầy cô đã bị bóp méo trong suy nghĩ của lũ trẻ vừa bước vào cổng trường. Đừng nghĩ chúng không biết gì, chúng biết cả, biết thế nào là “đút lót”, là “hối lộ”, là “nịnh nọt”. Trong đầu óc non nớt của chúng, những suy nghĩ kiểu cái Hằng con chị Thương “cho cô quà, là cô sẽ cho điểm cao, không cho là cô cho điểm thấp” là chuyện khó tránh khỏi, nhất là khi có sự trùng hợp nhất định nào đó về chuyện điểm chác xẩy ra đối với chúng.

Không dám vơ đũa cả nắm, nhưng trộm nghĩ, không phải thầy cô nào cũng cần bố mẹ phải tặng quà dịp này dịp nọ và cũng không phải bố mẹ nào cũng có ý tặng quà để con mình được thầy cô chú ý, châm chước trong học hành.

Có lần, người viết bài đã từng nghe một cô giáo khối 2 ở một trường tiểu học lớn ở Hà Nội tâm sự, cô rất ngại khi bố mẹ học sinh mang quà đến cho cô dù ở trường hay ở lớp, ở trường thì cô ngại học sinh nghĩ sai, còn ở nhà, thì cô còn phải đối diện với các con. Cô cũng chưa bao giờ nghĩ, vì món quà đắt tiền hay vì hộp bánh, cân chè mà cô quan tâm học sinh này, lơ là học sinh khác. Nếu chỉ vì thế, thì lương tâm nghề giáo thật rẻ mạt biết bao. Nhiều lúc cô nghĩ đến việc từ chối kheó các bậc phụ huynh hoặc dùng những phong bì, những món quà phụ huynh tặng vào việc chung của lớp. Làm như vậy, chính cô cũng cảm thấy thanh thản hơn trong việc hoàn thành sứ mệnh của người thầy.

Đúng là "Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", nhưng "yêu" thầy thế nào, quả thật không phải chuyện dễ.

Dừng bài viết này, cũng là lúc tôi đọc được đâu đó một tin vắn "Trung Quốc: Ngày nhà giáo kêu gọi giáo viên không nhận quà"

Ở Việt Nam, có lẽ cũng đã đến lúc./.

Nhị Minh

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất