Chủ Nhật, 29/9/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 4/12/2008 22:0'(GMT+7)

Công bố 3 Luật mới được Quốc hội thông qua

Luật quốc tịch Việt Nam gồm 6 chương, 44 điều, là đạo luật trực tiếp xác định ai là công dân Việt Nam, qua đó làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước cũng như trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân Việt Nam.

Luật quốc tịch Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009, có nhiều quy định mới thông thoáng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Luật tiếp tục khẳng định nguyên tắc một quốc tịch nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ có thể đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Những trường hợp ngoại lệ là những trường hợp được Chủ tịch nước cho phép khi xin nhập quốc tịch Việt Nam, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, trường hợp quốc tịch của trẻ em là con nuôi và trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn mong muốn giữ quốc tịch Việt Nam.

Luật quy định rõ người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư để giữ quốc tịch Việt Nam. Luật cũng bổ sung quy định việc không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là căn cứ để xác định mất quốc tịch Việt Nam.

Với những người không quốc tịch đã cư trú ổn định lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật có hiệu lực thi hành mà tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục và hồ sơ do Chính phủ quy định.

Luật thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009, gồm 9 chương 183 điều, hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án, xác định rõ địa vị pháp lý của cơ quan thi hành án, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Luật bổ sung nhiều quy định mới trong đó có các vấn đề quan trọng về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là 5 năm (thay vì 3 năm như trước) để đảm bảo quyền lợi của đương sự, phân biệt rõ điều kiện để miễn và điều kiện để giảm thi hành án, thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, cơ chế xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi cũng có nhiều điểm mới như bổ sung ô tô dưới 24 chỗ ngồi; xe mô tô có dung tích xi lanh trên 125 phân khối; tàu bay và du thuyền (trừ loại phục vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa và hành khách) vào đối tượng chịu thuế. Trong khi đó, một số loại hàng hóa được đưa ra khỏi diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau.

Luật cũng điều chỉnh tăng thuế suất từ 30% lên 40% đối với kinh doanh vũ trường; từ 25% lên 30% đối với các dịch vụ casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược điều chỉnh; từ 10% lên 30% đối với kinh doanh sân golf; và thuế suất 20% đối với môtô có dung tích xi lanh trên 125 phân khối.

Ngoài ra, Luật quy định áp dụng thống nhất một mức thuế suất đối với tất cả các loại rượu được chưng cất có nồng độ từ 20 độ cồn trở lên; các loại bia không phân biệt hình thức đóng gói, bao bì và có lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2013. Hiệu lực áp dụng các quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia là từ ngày 1/1/2010.

Cùng với việc thông qua Luật thi hành án dân sự, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật thi hành án dân sự, trong đó có quy định quan trọng là Quốc hội giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương.

Ngoài ra, đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá 5 năm tính đến thời điểm Luật có hiệu lực thi hành nhưng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án thì được miễn thi hành án theo thủ tục rút gọn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất