30 kỷ lục Việt Nam mới được xác lập trên các lĩnh vực văn hóa, xuất bản, y tế, khoa học, âm nhạc nghệ thuật, ẩm thực và từ thiện… sẽ chính thức ra mắt công chúng Việt Nam vào ngày 4/1/2009 tại Công viên văn hóa Đầm Sen.
Đây là dịp hội ngộ lớn nhất Việt Nam với 680 kỷ lục gia và đơn vị sở hữu kỷ lục tham dự, do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietbook) tổ chức.
Đứng đầu danh sách các kỷ lục mới là Công trình sưu tầm và xuất bản sử thi Tây Nguyên lớn nhất Việt Nam, do Viện Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện từ năm 2001-2007 với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng. Bộ sách “Kho tàng sử thi Tây Nguyên” bao gồm 75 tác phẩm in trong 62 tập, dày 60.400 trang, phát hành song ngữ tiếng dân tộc và phổ thông (gồm 30 tác phẩm của dân tộc Ba-na, 26 tác phẩm của dân tộc Mơ-nông, 10 tác phẩm của dân tộc Ê-đê, 4 tác phẩm của dân tộc Xơ-đăng, 3 tác phẩm của dân tộc Ra Glai và 2 tác phẩm của dân tộc Chăm). Sử thi Tây Nguyên hiện được đưa vào danh mục đề nghị Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Cũng trong lĩnh vực xuất bản, một kỷ lục khác được xác lập với Bộ sách giáo khoa chữ nổi Braille đầu tiên ở Việt Nam, chuyển trọn bộ 103 quyển sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 ở tất cả các môn học sang 311 quyển chữ nổi Braille. Bộ sách do các giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu biên soạn và chuyển đổi trong 6 năm.
Một số kỷ lục khác ghi nhận ý chí vượt bậc, tâm huyết và sự say mê cao độ của người Việt Nam trong những lĩnh vực chuyên ngành là bác sĩ Trương Thìn, người đầu tiên đưa đông y vào cai nghiện ma túy thành công; bác sĩ Chấn Hùng, người có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về bệnh ung thư nhất Việt Nam; vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - Lê Giang với nhiều công trình nghiên cứu về dân ca Nam bộ hay ông Dương Văn Ngộ (78 tuổi), người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam...
Chương trình phổ biến kiến thức lịch sử bằng banner trên đường phố đầu tiên ở Việt Nam cũng lọt vào danh sách này. Đây là một hình thức dạy sử rất mới do TP.Hồ Chí Minh thực hiện nhằm khơi dậy mối quan tâm và nâng cao hiểu biết về lịch sử dân tộc. 3569 banner kích thước 0,8x2,85 mét được treo dọc các tuyến đường trong nhiều dịp lễ, ghi tên tuổi, công lao các anh hùng dân tộc, các sự kiện lịch sử trọng đại của Việt Nam trong suốt 4000 năm lịch sử, được giới trẻ đặc biệt chú ý.
Ngoài ra, cây vợt tennis lớn nhất Việt Nam bằng gỗ (dài 1,25 m, nặng 10 kg), tô cháo lớn nhất Việt Nam được nấu từ 100 kg gạo, 100 kg thịt lợn và các nguyên liệu khác như cà rốt, khoai tây, đậu xanh (mỗi thứ 20 kg), cây chả quế lớn nhất Việt Nam (dài 2,5 m, đường kính 1,2 m, nặng 310 kg)... cũng là những kỷ lục được công bố lần này. Vietbook cho biết, các kỷ lục Việt Nam trong năm 2009 sẽ hướng đến việc tôn vinh ẩm thực Việt thông qua các món ăn chay, các món ăn truyền thống, sử dụng nhiều nguyên liệu rau củ./.
(TTXVN)