Luật Bảo hiểm y tế gồm 10 chương và 52 điều, là khung pháp lý cao nhất để thực hiện chính sách tài chính y tế thông qua bảo hiểm y tế xã hội với mục tiêu xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Luật quy định cụ thể 24 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có 6 nhóm được cấp thẻ từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm (trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, bảo trợ xã hội, người nghèo, người cao tuổi). Luật quy định mức trần đóng bảo hiểm y tế sẽ là 6%.
Người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương, trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh, hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tùy theo điều kiện cụ thể, các nhóm đối tượng hưởng bảo hiểm y tế ở các tuyến sẽ được thanh toán chi phí chữa bệnh theo 3 mức (100%, 95%, 80%).
Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 8 chương và 89 điều, trong đó có 68 điều được bổ sung, sửa đổi và 18 điều mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2001.
Luật sửa đổi đã bổ sung một số quy định về quy tắc giao thông đường bộ, về độ tuổi trẻ em được chở thêm trên các phương tiện giao thông, quy định về đội mũ bảo hiểm và trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn giao thông.
Luật cũng quy định rõ về việc đặt tên, số hiệu đường bộ, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị, việc xây dựng công trình giao thông cho người đi bộ và người khuyết tật. Luật phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
Luật Đa dạng sinh học gồm 8 chương và 78 điều, quy định quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, các nguồn tài nguyên di truyền và vấn đề hợp tác quốc tế về đa dạng sinh học.
Luật cũng đề cập toàn diện đến các khía cạnh của đa dạng sinh học, nội luật hóa các điều ước quốc tế về đa dạng sinh học Việt Nam.
Luật Công nghệ cao gồm 6 chương và 35 điều, quy định về các chính sách của nhà nước đối với việc ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, sản phẩm của công nghệ cao được ưu tiên phát triển, biện pháp phát triển công nghệ cao trong ngành kinh tế - kỹ thuật, nhân lực công nghệ cao và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động công nghệ cao.
Luật cũng xác định các sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, cũng như các biện pháp thúc đẩy ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực.
Cả 4 Luật được công bố lần này đều có hiệu lực từ ngày 1/7/2009.
VnMedia