Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 7/8/2013 10:48'(GMT+7)

Công bố Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam

PGS.TS. Lê Xuân Bá phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Thu Hằng)

PGS.TS. Lê Xuân Bá phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Thu Hằng)

Ngày 7-8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) , trường ĐH Copenhagen (UoC) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh”.

Đây là cuộc điều tra trên quy mô rộng đã được thực hiện vào các năm 2002, 2006, 2008, 2010 và 2012. Cuộc điều tra thu thập được lượng lớn thông tin kinh tế xã hội, từ tiết kiệm, thu nhập của hộ gia đình đến các vấn đề như đất đai, di cư của hơn 3.700 hộ gia đình nông thôn ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Đăk Lắk, Đắk Nông, Hà Tây (cũ), Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hoà, Lâm Đồng và Long An.

Điều tra tiếp cận các nguồn lực gia đình nông thôn Việt Nam đã phỏng vấn lặp lại các hộ ở mỗi năm. Điều đó giúp cho các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách Việt Nam biết được quá trình phát triển kinh tế theo thời gian. Bộ câu hỏi được sử dụng hỏi năm 2012 được cập nhật thêm những mục mới như: di cư, nhận thức các vấn đề xã hội và mức độ hài lòng với cuộc sống.

Báo cáo cung cấp cho độc giả cái nhìn về các chỉ số kinh tế xã hội và phân tích những thay đổi theo thời gian bằng những thông tin thu thập được năm 2012 so với thông tin thu thập được từ các cuộc điều tra trước. Kết luận chính của báo cáo là trong khi phúc lợi bình quân ở khu vực nông thôn tiếp tục cải thiện do tăng trưởng kinh tế, thì khu vực và các nhóm này không được hưởng như nhau. Các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên và Lai Châu tụt hậu so với các tỉnh khác về thu nhập, tiếp cận dịch vụ và liên kết thị trường.  So với các cuộc điều tra của những năm trước đây, đã có sự sụt giảm trong vấn đề an ninh lương thực ở Lai Châu và Lào Cai. Ở đây, các hộ gia đình ít có khả năng sử dụng nguyên liệu đầu vào tốt hơn như cải tạo giống lúa hay bán những sản phẩm họ sản xuất ra trên thị trường.

Tương tư như vậy, các nhóm dân tộc thiểu số tiếp tục bị tụt hậu hơn so với các khu vực láng giềng có dân tộc Kinh sinh sống chủ yếu, với mức độ thấp hơn về an ninh lương thực và thu nhập của hộ gia đình. Cuộc điều tra cũng cho thấy, trong khi việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang bắt đầu ảnh hưởng đến khu vực nông thôn (tiền công kiếm được từ bên ngoài đóng góp hơn 30% thu nhập của hộ gia đình ở hầu hết các tỉnh), nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của hầu hết các gia đình nông thôn. Việc tiếp tục phụ thuộc vào nông nghiệp làm cho vấn đề đất đai - một ưu tiên đặc biệt đối với cải cách trong tương lai kinh tế, kể từ khi thị trường mua bán đất vẫn kém phát triển ở nhiều nơi (đặc biệt là miền Bắc).

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định những kết quả trong báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh” sẽ là những căn cứ cả về lý luận và thực tiễn, giúp Việt Nam đưa ra những chính sách phát triển phù hợp với nông nghiệp, nông thôn và người dân Việt Nam.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất