Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 26/8/2015 22:32'(GMT+7)

Công bố báo cáo kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn Việt Nam năm 2014


Ngày 26/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) phối hợp với Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2014 tại 12 tỉnh”. TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM, TS.  Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng ILSSA, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD đồng chủ trì hội thảo.

Điều tra tiếp cận nguồn lực gia đình nông thôn Việt Nam trên quy mô rộng được thực hiện vào các năm 2002, 2006, 2008, 2010, 2012 và gần đây nhất vào năm 2014. Cuộc điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội, từ tiết kiệm, thu nhập của hộ gia đình đến các vấn đề như đất đai, di cư của 3.648 hộ gia đình nông thôn ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk, Điện Biên, Đắk Nông, Hà Tây (cũ), Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An.

Số lượng mẫu điều tra tăng lên sau mỗi vòng điều tra nhưng có tới trên 2.200 hộ gia đình được điều tra lặp lại. Quy mô điều tra năm 2006 là 2.317  hộ gia đình và quy mô mẫu điều tra các năm 2008, 2010, 2012 tương  ứng là 3.265, 3.198 và 3.704 hộ gia đình. Năm 2014, có 3.648 hộ gia đình được điều tra.

Báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2014 tại 12 tỉnh” cung cấp một cái nhìn tổng quan về các chỉ số kinh tế - xã hội và phân tích những thay đổi theo thời gian bằng các thông tin thu thập được năm 2014 so với các thông tin thu thập được từ các cuộc điều tra của những năm trước. Theo kết luận chính của báo cáo, trong khi phúc lợi bình quân ở khu vực nông thôn tiếp tục cải thiện nhờ tăng trưởng kinh tế, thì khu vực khó khăn và các nhóm yếu thế không được hưởng lợi như nhau không chỉ về thu nhập, mà còn về tiếp cận dịch vụ, liên kết thị trường và an ninh lương thực.

So với nghiên cứu năm 2012, kết quả nghiên cứu năm 2014 đã có nhiều thay đổi. Tình trạng đói nghèo ở các địa phương giảm đáng kể, cụ thể năm 2012 số hộ nghèo là 27,1% thì đến năm 2014 chỉ còn 13,2%. Các vấn đề khác như tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường, chất lượng nhà ở tại các vùng nông thôn cũng diễn tiến theo hướng tích cực.

Thu nhập của người dân nông thôn đã cải thiện đáng kể, quy mô kinh tế hộ gia đình mở rộng theo hướng chuyên nghiệp hơn. Vấn đề di cư ở nông thôn cũng được cải thiện, năm 2012 tỷ lệ hộ gia đình có người di cư lâu dài là 22% nhưng đến năm 2014 chỉ còn 15%.

Bên cạnh những dấu hiệu tích cực, báo cáo cũng cho thấy bức tranh nông thôn Việt Nam vẫn phải được tiếp tục cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng khả năng tái nghèo vẫn còn rất cao, cho thấy người dân nông thôn chưa có sự thoát nghèo bền vững.

Vấn đề thất nghiệp ở nông thôn chưa được giải quyết tận gốc, người dân nông thôn vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ về các cơ chế chính sách liên quan đến vấn đề đất đai, sổ đỏ…. Thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn vẫn còn thấp và chưa mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn tham gia trồng trọt vẫn lớn, chiếm 80-90%, cho thấy sản xuất nông nghiệp vẫn rất quan trọng. Hiện tượng khai thác tài nguyên thiên nhiên chung, khai thác thiếu bền vững vẫn diễn ra tại nhiều địa phương,… gây ra mất cân bằng sinh thái.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng, bức tranh nông thôn Việt Nam đã có nhiều khởi sắc song vẫn tiềm ẩn những nguy cơ, ở nhiều vùng nông thôn các tệ nạn xã hội vẫn còn rình rập. Người dân nông thôn Việt Nam dễ gặp phải các cú sốc do những bất ổn về môi trường xung quanh và thiếu các biện pháp phòng vệ.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, người dân nông thôn cũng đang có những lo ngại về các vấn đề xã hội trong nông thôn. Do đó, bên cạnh các chính sách về phát triển kinh tế, Nhà nước cần chú trọng hơn nữa tới các vấn đề xã hội để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng: Nghiên cứu đã cho thấy một bức tranh toàn diện, tổng thể về nông thôn Việt Nam hiện nay. Từ những mặt tích cực và tồn tại, báo cáo là tài liệu quan trọng giúp cơ quan chức năng và các nhà hoạch định chính sách tìm ra những giải pháp phù hợp để xây dựng nông thôn Việt Nam trong thời kỳ mới./.

Bảo Châu
 



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất