(TCTG) - Ngày 10/11, tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố Báo cáo tình trạng hộ sinh thế giới 2011 với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe, cứu sống con người”. Báo cáo chỉ ra những thách thức chung trong nội bộ mỗi quốc gia và giữa các quốc gia, đồng thời nêu lên những cách tiếp cận khả quan nhằm tăng cường dịch vụ hộ sinh trên toàn thế giới.
Đây là Báo cáo toàn cầu đầu tiên về tình trạng hộ sinh trên toàn thế giới, được thực hiện với sự hợp tác của 30 cơ quan, tổ chức và hàng trăm cá nhân làm việc ở cấp quốc gia, tiểu vùng, khu vực và toàn cầu, dưới sự điều phối của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA). Báo cáo đã điểm lại vấn đề này ở 58 quốc gia có số ca tử vong ở bà mẹ cao, chiếm tới 91% số ca tử vong ở bà mẹ trên toàn cầu. Qua những số liệu, thông tin và kết quả phân tích mới, báo cáo chỉ ra những thách thức chung trong nội bộ mỗi quốc gia và giữa các quốc gia, đồng thời nêu lên những cách tiếp cận khả quan nhằm tăng cường dịch vụ hộ sinh trên toàn thế giới.
Tập trung vào giai đoạn đầu thiết yếu khi có thể ngăn chặn được các ca tử vong, Báo cáo này là một sự kết hợp quan trọng cùng với những chương trình khác nhằm đánh giá thực chất việc làm và kết quả đối với sức khỏe của phụ nữ và trẻ em.
Trong Lời nói đầu của Báo cáo, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Không gì cấp thiết hơn hiện nay là ngăn chặn một trong những bi kịch lớn nhất của thời đại chúng ta: tử vong và thương vong không đáng có hàng năm của hàng triệu trẻ em và phụ nữ nghèo sống ngoài lề xã hội trên toàn thế giới”. Trong số tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, hai mục tiêu đặc biệt liên quan đến cải thiện sức khỏe của phụ nữ và trẻ em dường như khó đạt được nhất.
Cũng theo ông Ban Ki-moon, Báo cáo này ra đời vào thời điểm quan trọng trong chiến dịch toàn cầu vì sự tiến bộ của phụ nữ. Việc cơ quan mới về phụ nữ là Phụ nữ Liên Hợp Quốc được thành lập gần đây, cũng như việc phát động Chiến lược Toàn cầu về Sức khỏe của Phụ nữ và Trẻ em, đã đem lại niềm hy vọng về sự tiến bộ hơn nữa trong những năm sắp tới.
38 quốc gia đang thiếu cán bộ hộ sinh một cách nghiêm trọng
Theo Báo cáo, hàng ngày có khoảng 35.000 phụ nữ phải hứng chịu những biến chứng khi sinh và khoảng 900 người có thể sẽ tử vong. Hàng năm có khoảng 350.000 phụ nữ tử vong trong thời gian mang thai hoặc trong khi sinh nở, 2 triệu trẻ sơ sinh qua đời trong vòng 24 giờ sau khi sinh và có tới 2,6 triệu ca thai chết lưu. Phần rất lớn của các ca tử vong này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và hầu hết các ca tử vong này có thể phòng tránh được. Tình trạng này là do phụ nữ - chủ yếu là phụ nữ nghèo và phụ nữ ngoài lề xã hội không được tiếp cận với các dịch vụ y tế hoạt động tốt hoặc với các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn.
Tại hầu hết các quốc gia được nghiên cứu, hiện không có đủ số hộ sinh có đủ năng lực hoặc các nhân viên y tế khác có kỹ năng hộ sinh để có thể cung cấp dịch vụ cần thiết cho các bà mẹ sắp sinh, trong khi có khoảng 15% các ca sinh bị tai biến sản khoa. Theo ước tính của WHO thì hiện tại có tới 38 quốc gia đang thiếu cán bộ hộ sinh một cách nghiêm trọng. Một số quốc gia cần phải tăng gấp 10 lần trong khi hầu hết các quốc gia khác cần tăng gấp đôi, gấp ba hoặc gấp bốn lần số lượng hộ sinh hiện có nhằm cải thiện chất lượng và tăng độ bao phủ của dịch vụ.
Kêu gọi các chính phủ công nhận hộ sinh là một nghề đặc thù
Báo cáo Tình trạng Hộ sinh Thế giới năm 2011 đưa ra một số hành động cần thiết phân theo nhóm các bên liên quan, nhằm mục đích tối đa hóa hiệu quả đầu tư, nâng cao trách nhiệm giữa các bên và tăng cường lực lượng hộ sinh cũng như cải thiện các dịch vụ hộ sinh của mỗi quốc gia.
Báo cáo kêu gọi các chính phủ công nhận hộ sinh là một nghề đặc thù, đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, và
cần thúc đẩy nghề hộ sinh như những nghề nghiệp khác với những vị trí được quy định trong chính sách cấp quốc gia. Đảm bảo nghề hộ sinh và cán bộ hộ sinh được đưa vào các kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh với nguồn dự toán kinh phí cụ thể phù hợp với kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành y tế. Đảm bảo sự sẵn có và phân bố đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất cho cấp cứu sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh. Đầu tư vào quản lý nguồn nhân lực để phát triển và duy trì tay nghề hộ sinh, quản lý được số hộ sinh mới vào nghề và cũng như số rời nghề, đồng thời cải thiện các số liệu về lực lượng lao động đang làm công tác hộ sinh…
Việt Nam: Đào tạo cô đỡ thôn bản góp phần hoàn thiện mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản
Ở Việt Nam, các khu vực miền núi, vùng dân tộc ít người, tỷ lệ tử vong mẹ thường cao hơn gấp 3-4 lần so với khu vực thành thị, vùng đồng bằng. Năm 2010, tỷ số tử vong mẹ là 68,3 bà mẹ tử vong trên 100.000 trẻ còn sống, giảm 0,7 điểm so với năm 2009.
Từ năm 2007, Chính phủ Hà Lan đã tài trợ cho Bộ Y tế Việt Nam thực hiện Chương trình "Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh hướng tới đạt mục tiêu thiên niên kỷ 2006 - 2010", đào tạo kỹ năng cho hơn 300 cô đỡ thôn bản tại 14 tỉnh miền núi. Trong vòng 10 năm, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em phối hợp với UNFPA, chính phủ Hà Lan, UNICEF đào tạo 1.000 cô đỡ thôn bản. Các cô đỡ được đào tạo đã góp phần tư vấn và phát hiện chuyển tuyến kịp thời các trường hợp thai phụ có nguy cơ cao trên địa bàn của mình. Có nơi, người dân vẫn sinh con tại nhà, các cô đỡ đã đến tận nơi để giúp. Bên cạnh đó, trong năm qua, đã cấp 30.000 gói đẻ sạch cho các thôn bản vùng đặc biệt khó khăn của 32 tỉnh.
Đào tạo cô đỡ thôn bản góp phần vào việc hoàn thiện mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản dựa vào cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, phấn đấu đạt mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015 là giảm 3/4 tỷ lệ tử vong mẹ tương đương với tỷ số 57,3 bà mẹ/100.000 trẻ còn sống.
Tại lễ công bố Báo cáo tình trạng hộ sinh thế giới 2011, cô đỡ Chamalea thị Dém, ở Phước Thành, Bác Ái, Ninh Thuận cho biết, đến nay, sau 6 năm làm việc, cô đã đỡ hơn 100 ca, phát hiện chuyển tuyến những ca khó, không có trường hợp nào bị tử vong. Tuy nhiên, đời sống và hoạt động của các “cô đỡ thôn bản” còn gặp nhiều khó khăn với mức trợ cấp 652 ngàn đồng mỗi quý và đi khám, đỡ, tư vấn sinh sản chủ yếu vẫn là đi bộ. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, trước đây mỗi năm 1 huyện trong tỉnh có tới 4 – 5 ca bà mẹ tử vong khi sinh. Từ khi có các “cô đỡ thôn bản”, tỷ lệ này giảm hẳn và gần như không còn ca nào đáng tiếc xảy ra.
Dương Ngọc