Chúng tôi đến xã Gành Dầu sau hơn một tháng nơi đây đón nhận dòng điện
quốc gia. Không chỉ Gành Dầu mà Bãi Thơm, xã vừa đóng điện tuần qua và
nhiều khu vực khác trên huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), người dân đều
đầy ắp niềm vui.
Từ chủ những doanh nghiệp sản xuất nước mắm, chủ khách sạn nhà hàng đến
những hộ dân còn nghèo, ai ai cũng cảm nhận được sự thỏa nguyện bấy lâu
nay khi chủ trương đưa điện lưới quốc gia ra hòn đảo lớn nhất của đất
nước, nơi được mệnh danh là "Đảo ngọc" đã thành sự thực. Những cái bắt
tay nồng ấm kèm theo những cuộc trò chuyện hồ hởi như muốn níu kéo lại
mãi niềm vui bất tận ấy.
Có điện lưới quốc gia từ hôm 28 Tết, nhà chị Lê Thị Đào, chủ cửa hàng
tạp hóa ở tổ 4, ấp Gành Dầu đã sắm thêm chiếc tủ lạnh hiệu Panasonic,
công suất 262 lít với giá 6,3 triệu đồng cùng chiếc đầu đĩa.
Chị Đào cho biết, không chỉ gia đình chị mà nhiều hộ dân trong ấp cũng
nô nức mua sắm tủ lạnh, ti vi và các thiết bị điện gia dụng phục vụ cho
sinh hoạt gia đình. “Dân vui dữ lắm vì trước đó phải trả tới 25.000 đồng
cho một kWh điện nên không ai dám xài, chỉ xem tivi và thắp sáng một
lúc rồi tắt ngay,” chị Đào nói.
Trước đây, mỗi tháng, gia đình chị phải trả từ 900.000-1,2 triệu đồng.
Từ khi có điện lưới quốc gia, với giá điện của Nhà nước, chị sẽ dư trả
tiền điện so với trước từ 500.000-700.000 đ/tháng và sẽ dành dụm dần để
mua sắm các thiết bị điện khác.
Cùng chung ý tưởng với chị Đào, anh Phạm Văn Việt, dân tộc Khmer, người
cùng ấp, còn nói thêm: “Biết là dùng điện theo giá của Nhà nước rẻ hơn
rất nhiều so với trước nhưng chúng tôi đều bảo nhau vẫn phải dùng điện
tiết kiệm. Cái gì cần dùng thì dùng, còn không phải tắt ngay”.
Tại cơ sở sản xuất nước mắm Thành Khoa ở ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, công
suất bình quân 120.000 lít/tháng, chị Nguyễn Kim Chi, chủ cơ sở chia sẻ:
“Trước đây, mỗi tháng cơ sở dùng từ 400-500 kWh cho thắp sáng và bơm
nước mắm với hóa đơn trên dưới 4 triệu đồng (giá này Nhà nước đã bù lỗ).
Ngoài ra, tôi còn phải trả trên 6 triệu đồng/tháng mua dầu để chạy máy
phát điện mà chất lượng điện vẫn phập phù, không đáp ứng được máy
bơm.Còn hiện nay, ngoài chất lượng ổn định, cơ sở của tôi mỗi tháng còn
giảm cả chi phí mua dầu chạy máy phát.”
Chị Chi còn cho biết, mặc dù cơ sở sản xuất luân phiên từ khi có điện
lưới quốc gia nhưng chị vẫn có ý thức tiết kiệm điện bằng đóng cầu dao
khi công nhân nghỉ làm.
Anh Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc resort Cửu Long-Phú Quốc không giấu nổi
niềm vui sau một tháng sử dụng điện lưới quốc gia vì đã thoát khỏi
những lo lắng mỗi khi phải trả tiền điện giá cao.
Không những điện lưới ổn định, giảm áp lực chạy máy phát bằng dầu mà khu
resort còn có điều kiện thay các trang thiết bị như tivi, máy điều hòa
công suất lớn hơn, két bằng điện, làm thẻ từ, trang bị máy nước nóng… để
đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Tính toán của anh Sơn cho thấy, với tổng số 60 phòng, công suất đạt bình
quân từ 55-60%, trước kia, resort phải trả khoảng 400 triệu đồng tiền
điện và chạy dầu, nay số tiền này giảm xuống còn trên 200 triệu đồng.
Không những thế, resort đã có kế hoạch xây dựng thêm phòng và mở một số dịch vụ vui chơi giải trí để hút khách du lịch.
Anh Lê Văn Bảo, trước đây phụ trách tổ điện và nước sinh hoạt của xã
Gành Dầu cũng vui không kém. Trước đây, nguồn điện do huyện đội cấp, sau
đó bàn giao cho xã quản lý.
Để có nguồn điện này, phải sử dụng từ 220-240 triệu đồng tiền dầu/tháng.
Máy phát điện có tổng công suất 380KVA chỉ phục vụ cho cơ quan công sở
của xã vào ban ngày và cho 70-80% hộ dân trong xã thắp sáng vào buổi
tối.
Theo anh Bảo, giá điện trước đây tổ bán bình quân là 25.000 đ/kWh cung
cấp cho khoảng 700 côngtơ. Hộ dùng máy móc nhiều thì sử dụng 400-500
kWh/tháng, còn thường xuyên là 70-80 kWh/tháng.
“Có điện lưới quốc gia, tôi rất vui vì giảm được chi phí tiền điện cho
bà con, bản thân cũng giảm được gánh nặng về trách nhiệm và độ rủi ro,”
anh nói.
Phú Quốc có hai thị trấn và tám xã, trong đó xã Gành Dầu được thành lập
từ năm 1997. Lợi thế phát triển kinh tế của xã là đánh bắt, nuôi trồng
hải sản và phát triển thương mại du lịch.
Hiện tại xã có 1.156 hộ với ba ấp, trong đó ấp Gành Dầu và Chuồng Vích ở
trung tâm xã, còn lại ấp Rạch Vẹm có 170 hộ cách xa trung tâm khoảng
15km.
Ông Lê Phong Nhã, Phó Chủ tịch xã cho biết, 28 Tết Âm lịch vừa rồi, ấp
Gành Dầu đã có điện lưới Quốc gia và hiện lắp được trên 200 côngtơ điện.
Số lượng khoảng 700 côngtơ còn lại sẽ được Điện lực Phú Quốc hoàn thành
trong tháng Ba này.
Hiện tại, bà con trong ấp rất mừng khi giảm được chi phí rất lớn do
không phải trả tiền điện giá cao mỗi tháng nên đã mua sắm rất nhiều đồ
sử dụng điện.
Tuy nhiên, có một thực tế là chỉ có hơn 50% số hộ dân được sử dụng được
ổn định, còn lại chất lượng điện thường xuyên chập chờn, nhất là vào cao
điểm tối từ 18-21 giờ. Nguyên nhân là ở đây có các trạm phát sóng của
Viettel, Mobi và Vina đều chưa có đồng hồ riêng nên các doanh nghiệp này
sử dụng thông qua các hộ dân dẫn đến tình trạng quá tải.
Ông Nhã cho hay trước đây, do xài máy điện diezen nên người dân rất hạn
chế sử dụng điện để sơ chế hải sản. Bây giờ đã có điện lưới, các cơ sở
sơ chế mua thêm nhiều máy móc phục vụ cho sản xuất, các hộ dân cũng sắm
thêm rất nhiều thiết bị điện gia dụng nên cũng dẫn đến quá tải. Trước
tình hình này, xã sẽ làm việc với dân để tuyên truyền sử dụng điện tiết
kiệm và hiệu quả.
Gành Dầu có vị trí đặc biệt trong đảm bảo an ninh chính trị, bảo vệ sinh
thái Vườn quốc gia Phú Quốc. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm
đến Gành Dầu, như Tập đoàn Vingroup đầu tư dự án Vinpearl, khu nghỉ
dưỡng du lịch sinh thái..., dự kiến đến tháng 11 năm nay sẽ đưa vào sử
dụng.
“Hiện xã đã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Có điện lưới quốc
gia, đời sống nhân dân trong xã được nâng lên, đồng thời là điều kiện
cốt lõi để phát triển kinh tế trên địa bàn,” Phó Chủ tịch xã Gành Dầu
nhấn mạnh.
Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên-Phú Quốc khánh thành vào ngày
6/2 năm nay, nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho huyện đảo Phú Quốc
từ hệ thống điện quốc gia với khả năng truyền tải công suất lên đến 131
MVA.
Đại diện chủ đầu tư, ông Phạm Ngọc Lễ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty
Điện lực miền Nam cho biết dự án đi vào hoạt động khiến huyện đảo này
không còn phải cắt điện luân phiên trong bối cảnh nhu cầu cao mà nguồn
phát diesel không đáp ứng được. Như vậy sẽ nâng tỷ lệ hộ dân có điện ở
huyện đảo được sử dụng điện tăng lên gần 92% (trước đây chỉ có 88,4% số
hộ được sử dụng điện từ nguồn diesel).
Nhân dân và các thành phần kinh tế trên huyện đảo được hưởng giá điện
theo giá đất liền. Cụ thể giảm được giá điện từ mức bình quân 5.037,66
đ/kWh về bằng giá đất liền bình quân khoảng 1.783,81 đ/kWh, chỉ bằng 1/3
so với giá khi chưa có dự án.
Ông Lễ ước tính năm nay, với sản lượng điện thương phẩm trên huyện đảo
theo kế hoạch hơn 80 triệu kWh, tăng 1,5 lần so với năm 2013, nhân dân
và khách hàng sử dụng điện trên đảo đã giảm chi hơn 230 tỷ đồng do giá
bán điện giảm.
Ngoài việc cung cấp điện cho các nhu cầu hiện tại, dự án còn đảm bảo
cung cấp điện cho nhiều phụ tải quan trọng như Cảng hàng không quốc tế
Phú Quốc, Cảng biển quốc tế An Thới, cảng nội địa Dương Đông, nhiều khu
vực khác chưa có điện trên đảo cũng như phục vụ phát triển sản xuất,
kinh doanh và dịch vụ du lịch mà Phú Quốc đang có lợi thế và nhu cầu sử
dụng điện rất lớn.
Ông Lễ cũng khẳng định Tổng công ty đang chuẩn bị lắp máy biến áp thứ
hai, công suất 40 MVA để đón đầu tăng trưởng phụ tải của Phú Quốc trong
thời gian tới. Như vậy, hết quý 1 năm nay, sẽ nâng tổng công suất sử
dụng điện ở huyện đảo lên 26,8 MW.
Một ngày không xa, theo định hướng phát triển, Phú Quốc sẽ là đặc khu
Kinh tế trực thuộc Trung ương với việc phát triển bền vững, hài hòa giữa
kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, từng
bước trở thành khu du lịch và dịch vụ cao cấp của quốc gia và khu vực
Đông Nam Á… Và không thể không nhắc đến, chủ trương đưa điện lưới quốc
gia ra Phú Quốc chính là tiền đề quan trọng thúc đẩy và thu hút đầu tư,
để "Đảo ngọc"chuyển mình phát triển./.
Theo TTXVN