Thứ Bảy, 28/9/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 17/3/2009 21:54'(GMT+7)

Công bố nguyên nhân và phương án xử lý sự cố cầu Chợ Đệm.

Nguyên nhân

Theo kết luận ban đầu của đoàn kiểm tra, nguyên nhân của tai nạn này là do sơ suất của công nhân khi thao tác và phối hợp trong điều chỉnh nâng hạ dầm.

Vào khoảng 14 giờ 15 phút ngày 10-3, công nhân thực hiện việc nâng hạ dầm xuống gối, hai công nhân phụ trách tại vị trí trụ P8, P9 đã thực hiện nâng hạ lần thứ nhất và sau đó đã thay gối tạm (tà vẹt gỗ) bằng gối cao su. Như vậy, dầm số 9 đã được đặt an toàn vào gối cầu cao su.

Sau đó, công nhân Trần Văn Thảnh yêu cầu công nhân Trần Đình Trung nâng đầu dầm trên trụ P8 để điều chỉnh vị trí đầu dầm và gối tại trụ P8. Trong quá trình nâng hạ dầm số 9 xuống gối cao su, dầm gánh đã bị dịch chuyển, điểm tỳ giữa dầm gánh và dầm số 9 bị lệch ra ngoài trục dọc dầm BTCTDUL 42 m. Do cả hai người đều đứng trên đỉnh trụ (dầm số 9 cao 1,9 m) nên không quan sát được, đồng thời cũng sơ suất không kiểm tra lại vị trí của dầm gánh đã cho nâng một đầu dầm trên trụ P8 (trong khi đầu dầm phía trên trụ P9 vẫn kê trên gối cao su). Đầu dầm gánh bị lệch ra khỏi trục dọc dầm BTCTDUL 42 m nên khi nâng đã tạo ra mô-men theo phương ngang dầm, gây lắc và rung mạnh dầm theo trục ngang.

Thấy dầm bị lắc, rung, do mất bình tĩnh anh Trung đã cho hạ dầm đột ngột xuống gối tạo thêm lực quán tính làm mất ổn định ngang của phiến dầm. Phiến dầm bị đổ ngang và gãy, khiến toàn bộ hệ thống pooc-tic nâng hạ dầm bị sập đổ, đè vào dầm dẫn và dầm số 10 làm dầm 10 bị nghiêng và kẹp giữ dầm số 10 ở vị trí nghiêng khoảng 150. Tại hiện trường, hiện trạng dầm số 9 rơi và dầm số 10 nghiêng phản ảnh đúng quá trình này.

Theo thiết kế dầm BTCTDƯL có tiết diện dạng chữ I chỉ chịu lực theo phương thẳng đứng. Khi dầm bị đổ ngang do trọng lượng bản thân của dầm cũng đủ để làm gãy dầm. Vị trí cầu Chợ Đệm nằm chéo với dòng chảy của sông một góc khoảng 60° nên việc sử dụng dầm BTCTDƯL chữ I cho dầm cầu Chợ Đệm là phù hợp, không ảnh hưởng tĩnh không thông thuyền cho các phương tiện thủy.

Công tác nâng hạ dầm bê-tông cốt thép dự ứng lực (BTCTDUL) chiều dài 42 m được thực hiện bằng hệ thống giá Pooc-tic, sử dụng thiết bị thanh căng PC38 để trực tiếp nâng hạ. Thanh PC38 này được liên kết với dầm BTCTDUL 42 m qua dầm đòn gánh (là dầm hộp 2I 550). Dầm đòn gánh được đặt theo tim dọc tại vị trí hai đầu dầm BTCTDUL 42m, một đầu tì vào đỉnh dầm, một đầu treo vào hệ thống nâng hạ; liên kết giữa dầm gánh và dầm BTCTDUL 42 m bằng cáp D24 (8 vòng) luồn qua lỗ chờ sẵn trên dầm BTCTDUL. Dầm gánh luôn phải nằm đúng vị trí tim dọc để đảm bảo không xuất hiện lực tác động theo phương ngang dầm khi nâng hạ.

Phương án xử lý

Phương án xử lý hiện trường phải được bảo đảm theo nguyên tắc tuyệt đối an toàn cho người, công trình và thiết bị trong quá trình thi công thu dọn hiện trường; ưu tiên giải phóng dầm số 10 (đang có nguy cơ mất an toàn). Sau khi đưa phiến dầm số 10 vào vị trí an toàn, sẽ tiến hành xử lý tháo dỡ phiến dầm số 9 để thanh thải lòng sông, bảo đảm cho các phương tiện đường thủy qua lại an toàn.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị thi công gia cường, bảo đảm ổn định vị trí của phiến dầm số 10. Phiến dầm số 10 hiện đang nghiêng khoảng 150 và được giữ bằng hệ xà ngang của giá Pooc-tic và hệ thống cáp treo còn liên kết với hai đầu phiến dầm số 9. Sau khi xảy ra sự cố, đơn vị thi công đã dùng tà vẹt chống thêm vào bệ trụ. Để tăng cường ổn định vị trí cho phiến dầm này, sẽ dùng cần cẩu 25 tấn đứng trên mặt cầu phía bên trái tuyến (hướng Tân Tạo - Chợ Đệm), lắp hệ thống dầm chống I 450 được liên kết chặt chẽ với dầm tạm, đỉnh trụ và dầm bê tông bên trái tuyến. Hệ thống dầm này được đặt tại hai đầu dầm và các vị trí có dầm ngang của khối dầm bê tông bên trái tuyến.

Sau đó, tách 2 đầu phiến dầm số 9 bị gãy khỏi hệ thống: Kiểm tra hệ thống liên kết chống đỡ phiến dầm số 9 bảo đảm điều kiện làm việc, tiến hành đưa hệ thống cẩu nổi (2 cẩu nổi 80 tấn và 130 tấn) vào cẩu nhớm hai đầu phiến dầm số 9 (trong quá trình cẩu nhớm phải bố trí hệ thống quan trắc theo dõi chuyển vị của phiến dầm số 10). Khi đảm bảo phiến dầm số 10 đã được neo chặt chẽ, tháo dỡ liên kết hai đầu phiến dầm số 9 khỏi hệ thống treo (trong khi 2 cẩu nổi vẫn treo giữ hai đầu phiến dầm số 9).

Sau đó, hạ hai đầu phiến dầm số 9 để tổ chức tháo dỡ dầm số 10. Việc tháo dỡ dầm số 10 sẽ di chuyển hai cẩu nổi vào vị trí nhấc dầm số 10, dầm số 10 được treo lên bốn điểm cẩu. Tháo dỡ toàn bộ hệ thống khung chống dỡ liên kết của dầm 10, hệ thống giá long môn, sau đó mới thực hiện cẩu nhấc dầm số 10 lên và chuyển vào vị trí an toàn. Đối với dầm số 9, dùng hai cẩu nổi nâng dầm số 9 lên và chuyển vào vị trí tập kết an toàn để thanh thải lòng sông.

Đoàn kiểm tra cũng tiến hành kiểm tra toàn bộ hồ sơ sản xuất dầm số 9 và số 10, các hồ sơ Chứng chỉ thí nghiệm, kiểm tra chất lượng hai dầm số 9, số 10 do Tư vấn giám sát QCI (Cuba) cung cấp, hai dầm này được Công ty Cổ phần cầu 11 (Tổng công ty Xây dựng Thăng Long) sản xuất. Dầm số 9 được thi công từ ngày 24-12 đến ngày 29-12-2008, tư vấn giám sát QCI đã kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, ký biên bản nghiệm thu và đánh giá chất lượng đạt yêu cầu. Các chỉ tiêu chất lượng của dầm số 9 thể hiện trên hồ sơ chứng chỉ đều đạt và vượt yêu cầu, được phép lao lắp. Tương tự, dầm số 10 cũng được nghiệm thu, đánh giá chất lượng đạt yêu cầu, các chỉ tiêu chất lượng của dầm số 10 thể hiện trên hồ sơ chứng chỉ đều đạt và vượt yêu cầu, được phép lao lắp.

Tại hiện trường, dầm số 9 bị gãy rớt xuống sông, hai đầu dầm treo trên thanh PC 38 móc vào hệ thống giá Pooc-tic bị đổ trên đỉnh trụ, hai đầu dầm còn trên mặt nước khoảng 10m, đầu dầm cách đỉnh trụ khoảng 5m. Dầm số 10 (dầm biên) vẫn trên nhịp cầu gác trên đỉnh trụ P8-P9 bị nghiêng 150 và võng ngả về phía dầm số 9 (phía hạ lưu), dầm vẫn nằm trên gối. Quan sát cho thấy mặc dù bị biến dạng nhưng dầm số 10 vẫn ổn định tạm thời và hệ pooc-tic bị đổ đè lên dầm số 10. Hai trụ và xà mũ trụ P9 và P10 không có vết tích trầy xước, vỡ bê tông. Hai xà mũ và trụ này ổn định không biến dạng.

(Theo: Nhân dân ĐT)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất