Chủ Nhật, 24/11/2024
Pháp luật
Thứ Sáu, 27/2/2015 11:56'(GMT+7)

Công khai minh bạch và không có vùng cấm trong chống buôn lậu

Bắt giữ hàng lậu tại tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN)

Bắt giữ hàng lậu tại tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 26/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 quốc gia) đã đi thăm, làm việc và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Ban chỉ đạo.

Theo Chánh văn phòng Ban chỉ đạo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, kể từ khi thành lập (tháng 6/2014) đến nay, Văn phòng đã tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc vi phạm nổi cộm, nhiều vướng mắc, kiến nghị và chấn chỉnh công tác quản lý của các bộ, ngành, cơ quan chức năng.

Trong đó có vụ bắt giữ 8 tấn bao bì giả nhãn hiệu tại Hà Nội; vụ bắt giữ 4 xe ôtô tải vận chuyển trái phép trên 100 tấn hàng hóa tại Lạng Sơn; bắt trên 120 tấn hàng lậu tại Móng Cái, Quảng Ninh; chỉ đạo Bộ Tài chính, Công thương, Y tế về việc quản lý hoạt động nhập khẩu, lưu thông mặt hàng sữa Ensure nước…

Văn phòng đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng chuyên đề đấu tranh với các hiện tượng nổi cộm, trọng điểm như buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tuyến biên giới phía Bắc, buôn lậu thuốc lá tuyến biên giới Tây Nam. Các tổ công tác đã được thành lập để kiểm tra tình hình thực tế về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nội và các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chống buôn lậu tại các địa bàn này.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã báo cáo với Phó Thủ tướng một số nhiệm vụ được giao trong thời gian qua về rà soát, sửa đổi các chế độ, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó có các vấn đề nổi cộm như sửa đổi chính sách miễn thuế đối với hàng hóa cư dân biên giới; chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông; chính sách tái xuất thuốc lá; chế độ đảm bảo kinh phí đối với hoạt động của các lực lượng phòng chống buôn lậu…

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, chính sách miễn thuế đối với hàng hóa cư dân biên giới được sửa theo hướng cư dân mua 31 mặt hàng theo hướng dẫn của Bộ Công thương, trực tiếp sử dụng vào sản xuất của gia đình không bị thu thuế, nhưng bán lại, thu gom sẽ phải chịu thuế.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn kiến nghị sửa đổi nội dung yêu cầu cải cách thủ tục hành chính thời gian thông quan của hàng nhập khẩu phải ít hơn hàng xuất khẩu tại Nghị quyết 19/NQ-CP thành thời gian thông quan của hàng xuất khẩu ít hơn hàng nhập khẩu bởi hàng xuất khẩu cần phải khuyến khích mạnh hơn, nhanh hơn nhập khẩu, nhất là những hàng hóa ảnh hưởng đến Việt Nam phải vào hàng rào thuế quan để đúng với xu hướng hiện nay.

Thứ trưởng cũng đề nghị xây dựng đề án để thực hiện được công tác kiểm dịch, kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, nhất là hàng hóa độc hại, hóa chất, hàng ảnh hưởng đến an ninh, phải đủ lực lượng, đủ phương tiện ngay tại cửa khẩu, vừa nhằm cải cách thủ tục hành chính, vừa nâng cao công tác chống buôn lậu, chống hàng giả, bảo vệ an ninh an toàn kinh tế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc khẳng định năm 2015, Hải quan sẽ thực hiện tốt việc kết nối một cửa quốc gia, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, giảm thời gian thông quan xuống bằng các nước ASEAN-6.

Ông Túc cũng khẳng định quyết tâm nói không với đường dây, địa bàn, ổ nhóm trong Tổng cục Hải quan. Đây cũng là quyết tâm của cán bộ, chiến sỹ Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia được nêu lên tại buổi làm việc với quan điểm sẽ làm đến nơi đến chốn, tổ chức chống buôn lậu đều trên tất cả các địa bàn, các lĩnh vực, không có vùng cấm.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Là cơ quan mới được thành lập nhưng Văn phòng Ban chỉ đạo đã tham mưu, đề xuất, phối hợp với các cấp, các ngành xử lý được một số vụ việc, vụ án lớn, buôn lậu, gian lận thương mại đã được ngăn chặn một bước. Nhiều vụ án lớn, vụ việc nghiêm trọng được điều tra, xử lý nghiêm túc, công khai, kịp thời. Hàng hóa qua đường mòn, lối mở giảm.

Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã xông pha, lăn lộn trực tiếp nắm tình hình, chỉ đạo xử lý nghiêm túc các vụ việc, không né tránh, không ngại va chạm. Từ khi Văn phòng Ban chỉ đạo được thành lập, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo, tình hình phòng chống buôn lậu ở biên giới phía Bắc và Tây Nam có chuyển biến tốt.

Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã quan tâm đầu tư vật chất, bảo đảm điều kiện làm việc cho cán bộ, chiến sỹ làm việc đạt hiệu quả tốt, đóng góp vào công cuộc phòng chống buôn lậu của đất nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2015, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cần chú trọng cải cách thủ tục hành chính đi liền với chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống lậu thuế. Muốn chống tiêu cực tham nhũng, thu được ngân sách tốt, bảo vệ cán bộ, phải làm tốt công tác phòng chống buôn lậu.

Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo rà lại địa bàn, rà lại mặt hàng, rà lại và củng cố lực lượng phòng chống buôn lậu, nhất là lực lượng quản lý thị trường, cần phải củng cố tốt hơn trên tinh thần làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, cá nhân, đơn vị để có người chịu trách nhiệm.

Không có vùng cấm, minh bạch, công khai trong công tác phòng chống buôn lậu, nói không với đường dây, ổ nhóm liên quan đến buôn lậu trong lực lượng, không can thiệp trái phép vào những đường dây buôn lậu đó, can thiệp là liên quan đến tham nhũng, bảo kê; cần có quyết tâm chính trị cao hơn để tạo niềm tin cho cán bộ, chiến sỹ. Văn phòng Ban chỉ đạo, các địa phương, thành viên Ban chỉ đạo phải quán triệt tinh thần này, không để buôn lậu hoành hành, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Ban chỉ đạo bám sát chức năng nhiệm vụ được giao, nắm tình hình, tham mưu giúp việc cho Ban chỉ đạo, nâng cao trình độ, cách làm, chú trọng ngăn chặn từ xa các hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại. Văn phòng Ban chỉ đạo tham mưu có hiệu quả cho lãnh đạo Ban đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện các quy định của pháp luật để khắc phục các bất cập trong quản lý, không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép.

Văn phòng Ban chỉ đạo dự thảo nghị quyết về chống buôn lậu để tạo hành lang tốt hơn trong việc phòng chống buôn lậu; chủ động đề xuất thành lập các tổ công tác kiểm tra, đánh giá thực trạng về gian lận thương mại, hàng cấm ở các địa bàn trọng điểm; điều tra xử lý các vụ việc phức tạp, trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại; theo đến cùng các vụ việc đã phát hiện, không né tránh. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, đưa ra những tấm gương tốt, vụ việc trọng điểm để góp phần giáo dục chung.

Phó Thủ tướng nêu rõ cần từng bước xã hội hóa công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại thông qua việc phổ biến thông tin tới các tổ chức xã hội, các hiệp hội, người kinh doanh. Bộ Tài chính, các bộ, ngành, Tổng cục Hải quan, các lực lượng phải làm tốt công tác tổ chức cán bộ, tạo môi trường làm việc đoàn kết, một lòng, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong nội bộ; có cơ chế khen thưởng cho tập thể, cá nhân có sáng kiến, kinh nghiệm tốt, bảo vệ cán bộ tốt, những tấm gương dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các cán bộ được tăng cường cho Ban chỉ đạo phải được theo dõi, được quy hoạch bổ nhiệm khi làm tốt, làm không tốt phải trả về.

Thăm Trung tâm chỉ huy trực tuyến của Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Phó Thủ tướng đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa thông quan. Cách làm này đã góp phần quan trọng trong việc chống tiêu cực, tham nhũng, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất