Phát biểu tại lễ trao bằng cho 3 tân Tiến sĩ và 82 tân Thạc sĩ của Học
viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT), Bộ trưởng Bộ TT&TT
Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư,
công nghệ BCVT sẽ phải là mũi nhọn đi đầu.
Đưa công nghệ BCVT Việt Nam phát triển lên tầm cao mới
Lễ tổng kết và trao bằng cho 3 tân Tiến sĩ và 82 tân Thạc sĩ
được Học viện Công nghệ BCVT tổ chức hôm nay, ngày 13/1/2017 tại Hà
Nội.
Cũng trong phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Trương Minh Tuấn,
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết: “Bộ TT&TT
đánh giá rất cao sự cố gắng, nỗ lực của Học viện. Phải nói rằng, trong
những năm vừa qua, Học viện Công nghệ BCVT đã có những biến động,
chuyển cơ quan chủ quản từ Tập đoàn VNPT về Bộ TT&TT. Dù vậy, Học
viện vẫn nỗ lực, cố gắng để đảm bảo chất lượng dạy và học”.
Bộ trưởng nhận định: “Để có được kết quả như ngày hôm nay,
phải nói đến công lao của các thầy cô giáo đã hết sức nỗ lực. Các thầy
cô giáo đã là những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận giáo dục và đào
tạo, phấn đấu hết sức mình để đào tạo ra được một đội ngũ cán bộ, nguồn
nhân lực có chất lượng cao cho đất nước. Rất mong với những kết quả này,
các thầy cô giáo của Học viện sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực cố gắng để
đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao “vừa hồng vừa chuyên”, đáp
ứng sự mong mỏi của Đảng, Nhà nước”.
Chúc mừng thành quả của 3 tân Tiến sĩ và 82 tân Thạc sĩ đạt
được, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn hy vọng kết quả vừa đạt được này không
chỉ là sự ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các Tiến sĩ, Thạc sĩ trong con
đường nghiên cứu khoa học của mình mà sự cố gắng, nỗ lực đó sẽ được đền
đáp bằng kết quả hoạt động thực tiễn của các Tiến sĩ, Thạc sĩ.
Nhấn mạnh công nghệ BCVT sẽ phải là mũi nhọn đi đầu trong
cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho
rằng, để Việt Nam có thể sánh vai được với các cường quốc năm châu được
hay không, trong đó có công đóng góp rất lớn của chúng ta.
“Hãy là người đi đầu, đi tiên phong trên con đường nghiên
cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn để đưa công nghệ BCVT Việt Nam phát
triển lên tầm cao mới, đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT trong
khu vực và trên thế giới. Rất mong sự cố gắng nỗ lực của các tân Tiến
sĩ, Thạc sĩ trong con đường công tác của mình, tiếp tục cống hiến cho sự
nghiệp TT&TT,cống hiến cho con đường khoa học để đưa Việt Nam chúng
ta bước lên một tầm cao mới”, Bộ trưởng kỳ vọng.
Học viện Công nghệ BCVT đã đào tạo 76 Tiến sĩ, 2.447 Thạc sĩ
Theo Tiến sĩ Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT,
Học viện hiện đang triển khai 5 chương trình đào tạo Tiến sĩ gồm: Kỹ
thuật viễn thông, Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông
tin và Quản trị kinh doanh. Đến nay, đã có 76 nghiên cứu sinh (NCS) bảo
vệ thành công luận án trước Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Nhà nước,
cấp Học viện và số NCS đang học tập và nghiên cứu tại Học viện là 95
người.
|
Tiến sĩ Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương
Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT (ngoài cùng bên phải) và Tiến sĩ Vũ Văn
San, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT trao bằng cho 3 tân Tiến sĩ. (Ảnh:
Đình Dũng)
|
Năm 2016, Học viện đã tổ chức bảo vệ thành công
luận án Tiến sĩ cấp cơ sở cho 12 nghiên cứu sinh và cấp Học viện cho 5
NCS. Trong 5 NCS này có 3 tân Tiến sĩ các chuyên ngành Kỹ thuật Viễn
thông, Hệ thống thông tin và Kỹ thuật điện tử được Học viện trao bằng
hôm nay.
Ông San cũng cho biết, các luận án Tiến sĩ nghiên cứu tại
Học viện được đánh giá là các công trình nghiên cứu chuyên sâu, có tính
thời sự, mang tính cấp thiết; sử dụng phương pháp, công cụ nghiên cứu
hiện đại, phù hợp với điều kiện nghiên cứu của Việt Nam. “Nội dung
nghiên cứu trong đa số luận án được đánh giá có tính học thuật cao, thể
hiện được tính kế thừa, áp dụng và phát triển có sáng tạo những thành
tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới”, ông San nói.
Đối với đào tạo cao học, Học viện đã tổ chức đào tạo 5
chuyên ngành (Kỹ thuật Điện tử, Kỹ thuật viễn thông, Hệ thống thông tin,
Khoa học máy tính và Quản trị Kinh doanh) với đối tượng người học đã
được xã hội hóa và hình thức đào tạo đa dạng. Mỗi năm, Học viện tuyển
khoảng 300 học viên cao học. 2.447 học viên cao học đã tốt nghiệp, trong
đó 985 thạc sĩ Kỹ thuật Viễn thông, 656 thạc sĩ Hệ thống thông tin, 226
thạc sĩ Khoa học máy tính, 580 thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Hiện có 522
học viên cao học đang được đào tạo tại 2 cơ sở Hà Nội và TP.HCM của Học
viện.
Riêng với khóa đào tạo Thạc sĩ năm 2014 đợt 2, theo đại diện
lãnh đạo Học viện, đây là khóa đầu tiên thực hiện đào tạo theo Quy chế
mới về đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ GD&ĐT. Theo đó, chương trình
đào tạo Thạc sĩ đã được hiệu chỉnh, bổ sung và chia làm 2 loại chương
trình theo định hướng ứng dụng và chương trình theo định hướng nghiên
cứu. Chương trình được xây dựng chú trọng tính trọng tâm, khoa học, hợp
lý, gắn với thực tiễn và cập nhật công nghệ, kỹ thuật, quản lý mới.
Kết thúc khóa học, các học viên có điểm trung bình đạt loại
Khá giỏi là 81/120 học viên, chiếm 68%; 86/120 (72%) đề tài luận văn
tốt nghiệp đạt loại khá giỏi (điểm bảo vệ luận văn từ 8,0 trở lên). Đặc
biệt, có 5 đề tài luận văn gắn với bài báo khoa học, đề tài ứng dụng
thực tiễn của đơn vị học viên công tác.
Theo đại diện lãnh đạo Học viện, hhiều luận văn tốt nghiệp
được đánh giá có hàm lượng nghiên cứu khoa học, ý nghĩa thực tiễn cao,
có thể áp dụng triển khai vào hoạt động thực tế tại đơn vị nghiên cứu,
sản xuất kinh doanh như: “Đánh giá hiệu năng hệ thống FSO sử dụng kỹ
thuật điều chế cường độ sóng mang phụ”; “Dự doán chuyển động của bàn
tay sử dụng bộ lọc KALMAN”; “Nghiên cứu giải pháp tư vấn lai sử dụng
đồng huấn luyện”; “Nghiên cứu các phương pháp học máy và ứng dụng trong
phát hiện xâm nhập trái phép”; “Ứng dụng khai phá dữ liệu để tư vấn học
tập tại ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội”; “Rủi ro hoạt động tại Ngân
hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam”; “Tạo động lực cho người lao
động tại Công ty CP Phần mềm BSC”.../.
Theo ICTnews