Thứ Bảy, 28/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 7/1/2010 16:4'(GMT+7)

Công nghệ cao tạo đột phá trong công nghiệp

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào

PV - Thưa ông, trong thời kỳ đổi mới, sản xuất công nghiệp luôn luôn giữ vững mức tăng trưởng bình quân so với kim ngạch chung của cả nước. Những thành tựu trên có sự đóng góp của KHCN như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào - Từ năm 2005 đến nay, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 14,4%, đóng góp khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của cả nước. Thêm vào đó, nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn đã được thực hiện và một số đã đi vào hoạt động, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, giảm nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu.

Hiện nay, phần lớn mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng cũng tăng dần như: dệt may, da giày, một số sản phẩm cơ khí, điện tử, điện gia dụng, hàng thủ công mỹ nghệ, sứ dân dụng, đồ gỗ, quạt điện...

Có được những thành công trên là nhờ chúng ta biết ứng dụng kịp thời các tiến bộ KHCN vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều kết quả nghiên cứu được áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp trong ngành.

- Năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao đến năm 2020”. Ông có thể nói rõ hơn về tầm quan trọng của chiến lược này đối với sự phát triển của ngành công nghiệp?

- Chiến lược sẽ tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng trong sản xuất - kinh doanh của ngành công nghiệp. Đồng thời, chiến lược cũng đưa ra các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển công nghệ cao tại các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan và huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác nhau nhằm đầu tư đổi mới công nghệ.

Mục tiêu là đến năm 2020 đưa tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao đạt 45% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

- Để ngành công nghiệp Việt Nam phát triển và hội nhập ngày càng sâu, rộng vào thị trường quốc tế, chúng ta cần có những chính sách nào để đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào công nghiệp? 

- Tôi cho rằng các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn giữa nhà nghiên cứu với nhà sản xuất, gắn trách nhiệm của nhà nghiên cứu với sản phẩm cuối. Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN bằng cách ban hành các cơ chế, chính sách thông thoáng hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KHCN, đổi mới công nghệ và nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng sản xuất công nghiệp.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường đầu tư cho KHCN không chỉ bằng phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mà phải huy động các nguồn lực khác từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để đẩy nhanh hoạt động ứng dụng thành tựu tiến bộ KHCN vào sản xuất.

Thu Uyên (Báo Đất Việt)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất