Thứ Hai, 25/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 18/12/2009 21:10'(GMT+7)

Có một hành tinh giống Trái Đất gần Hệ Mặt Trời

Hình vẽ mô phỏng hành tinh GJ 1214b quay quanh “mặt trời” của nó

Hình vẽ mô phỏng hành tinh GJ 1214b quay quanh “mặt trời” của nó

Theo các nhà thiên văn học châu Âu tại Đài quan sát phía Nam (ESO), đặt tại La Silla, Chile, cùng các nhà quan sát khác trên thế giới, hành tinh này có kích cỡ lớn gấp 2,7 lần và trọng lượng gấp 6,5 lần Trái Đất, với bề mặt rắn và một bầu khí quyển bao phủ.

GJ1214b quay quanh một sao lùn đỏ có kích thước chỉ bằng 1/5 Mặt Trời với chu kỳ một vòng quỹ đạo có 38 giờ.

Một đặc điểm đáng chú ý khác của hành tinh mới được phát hiện là nó có tới 3/4 thể tích phần lõi là nước trong tình trạng đông đá, còn lại là sắt và silic, tuy nhiên nhiệt độ bề mặt của nó vẫn lên tới 200 độ C, quá cao để tồn tại và duy trì sự sống.

Các nhà khoa học cũng cho biết bầu khí quyển bao quanh hành tinh mới này có bề dày 200km và rất đậm đặc.

Theo ông David Charbonneau, trưởng nhóm nghiên cứu, bầu khí quyển này có thể là do hơi nước ở nhiệt độ cao hình thành, với độ đậm đặc và bề dày lớn, tạo một áp suất cao và làm cho bề mặt hành tinh thiếu ánh sáng.

Đây cũng là những yếu tố cản trở sự sống trên hành tinh này mặc dù ông Charbonneau khẳng định nó vẫn đủ điều kiện để cấu thành những hợp chất hóa học phức tạp.

Theo nhóm nghiên cứu, các sao lùn đỏ thường có ánh sáng yếu, do đó việc tìm kiếm các hành tinh của nó bằng kính viễn vọng trên bề mặt Trái Đất thuận tiện hơn so với các kính viễn vọng không gian.

Trong trường hợp này, "Mặt Trời" của GJ1214b (có ký hiệu GJ1214) có ánh sáng yếu hơn 300 lần so với ánh sáng Mặt Trời của Trái Đất chúng ta.

Những kết quả quan sát ban đầu này sẽ được kiểm chứng bằng máy quang phổ HARPS tại La Silla. Trong khi đó, các nhà khoa học sẽ tìm hiểu thêm về bầu khí quyển của GJ1214b qua kính thiên văn Hubble của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Nhiều nhà khoa học cho rằng phát hiện này là một kết thúc tốt đẹp cho năm 2009 - được đặt tên là Năm Quốc tế về Thiên văn, để kỷ niệm 400 năm nhà bác học người Italy Galileo Galilei thực hiện các quan sát vũ trụ đầu tiên bằng kính viễn vọng và tác phẩm lỗi lạc "Astronomía nova" của nhà thiên văn học và toán học người Đức Johannes Kepler được xuất bản./

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất