Chủ Nhật, 29/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 22/12/2009 8:10'(GMT+7)

Tiết kiệm năng lượng: Tiềm năng và giải pháp

Dây chuyền sản xuất đèn compact tiết kiệm điện của Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang - Ảnh: T.V.N.

Dây chuyền sản xuất đèn compact tiết kiệm điện của Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang - Ảnh: T.V.N.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, ngoài việc chủ động đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất năng lượng truyền thống và huy động các nguồn năng lượng mới thì một trong số các biện pháp giúp giảm căng thẳng giữa cung và cầu là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

         
Lãng phí năng lượng - một “tiềm năng” chưa khai thác      

Thực tế cho thấy trong sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng, giao thông vận tải, chiếu sáng và sinh hoạt ở nước ta, tình trạng lãng phí năng lượng rất lớn và hiệu quả sử dụng năng lượng còn rất thấp. Cụ thể, trong khâu sản xuất năng lượng, hiệu suất sử dụng năng lượng tại các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 28 - 32% (thấp hơn mức thế giới 10%), hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt chừng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%).         
Trong khâu tiêu thụ năng lượng, tình hình sử dụng năng lượng kém hiệu quả càng trầm trọng. Trong sản xuất công nghiệp (hộ tiêu thụ lớn nhất, chiếm hơn 50% số năng lượng phát ra), tỷ suất năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm cao hơn nhiều không chỉ so với các nước tiên tiến, mà so cả với những nước trong khu vực. Theo tính toán cường độ năng lượng trong công nghiệp của nước ta cao hơn Thái-lan và Malaysia khoảng 1,5 đến 1,7 lần (nghĩa là để làm ra một giá trị sản phẩm như nhau, nước ta phải dùng nhiều hơn họ gấp 1,5 đến 1,7 lần năng lượng). Ví dụ để sản xuất 1 tấn thép từ quặng, các nhà máy thép của ta cần 11,32 - 13,02 triệu Kcal thì các nước tiến tiến chỉ cần 4 triệu Kcal, tái chế thép phế liệu, ta cần 2,82 triệu Kcal, thế giới chỉ cần 2 triệu Kcal.

Việc sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả và lãng phí chính là tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) khi được đưa vào nề nếp. Theo những điều tra tính toán của Bộ Công thương, ở các ngành công nghiệp nặng (xi măng, sắt thép, hóa chất, sành sứ...), công nghiệp nhẹ (sản xuất hàng tiêu dùng), công nghiệp thực phẩm (đông lạnh, chế biến)... tiềm năng TKNL có thể lên tới trên 20%, các lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể lên tới trên 30%. Khu vực sinh hoạt và dịch vụ có tiềm năng tiết kiệm cũng không nhỏ do tình hình lãng phí năng lượng đang rất phổ biến.

Việc sử dụng năng lượng không hiệu quả có nhiều nguyên nhân như công nghệ lạc hậu, các thiết bị sản xuất cũ kỹ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt quá nhiều trong khâu chuyển tải. Công tác quản lý việc sử dụng năng lượng trong doanh nghiệp chưa được chú ý đúng mức và một điều rất quan trọng là sự thiếu hiểu biết, chưa có ý thức tiết kiệm năng lượng ở mỗi tổ chức, cá nhân trong xã hội.


Giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn liền với mục tiêu an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Hiện nay, chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện chủ trương này, cần nhanh chóng hình thành một thị trường về TKNL với sự tham gia của các đối tác: Chính phủ, doanh nghiệp, nhà khoa học. 

Về phía Chính phủ, trước hết cần sớm hoàn thiện khung thể chế pháp lý với các cơ chế, chính sách phù hợp. Cùng với việc đẩy mạnh thực thi các nghị định, thông tư, quyết định đã ban hành, nước ta đang xúc tiến việc xây dựng và ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm hình thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất để điều chỉnh lĩnh vực sử dụng năng lượng.

Ba lĩnh vực được coi là có tiềm năng TKNL cao nhất cần khai thác là tiết kiệm điện năng cho các nhà máy công nghiệp; tiết kiệm điện năng cho các tòa nhà; và tiết kiệm điện năng trong chiếu sáng, dịch vụ, sinh hoạt. Trong khi các ngành công nghiệp chính ở nước ta đang tiêu thụ tới 50% năng lượng nhưng do chưa có quy định hay tiêu chuẩn cụ thể nào trong quản lý tiêu thụ điện năng, dẫn đến tình trạng các ngành này lại sử dụng điện năng nhiều hơn nhu cầu thực tế từ 15-50%, còn trong các tòa nhà cũng sử dụng nhiều hơn nhu cầu tới 25% thì việc tìm kiếm các giải pháp TKNL là hết sức cần thiết.

Các doanh nghiệp cần nhận thức được vai trò của TKNL trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh để mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, bởi trên thực tế, lợi ích của việc quản lý năng lượng luôn cao hơn so với chi phí đầu tư và lợi nhuận thu được từ TKNL có thể bù đắp cho chi phí đầu tư chỉ trong một thời gian không lâu. Để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện TKNL, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi như hỗ trợ hoàn toàn chi phí cho các doanh nghiệp khi thực hiện kiểm toán năng lượng, được tư vấn kỹ thuật và được hỗ trợ hoặc bảo lãnh vốn vay nếu doanh nghiệp có kế hoạch đổi mới, cải tiến công nghệ. Có thể lấy Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (ECSME) làm ví dụ. Dự án đã tư vấn chuyển giao các công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các doanh nghiệp thuộc 5 ngành được coi là có tiềm năng TKNL lớn nhất, bao gồm: gạch, gốm sứ, dệt, chế biến thực phẩm, giấy. Kết quả, sau 4 năm (tính đến 30-10-2009), với 311 dự án đã hoàn thành (trong số 450 dự án đăng ký tham gia) đã tiết kiệm được 125.000 tấn dầu quy đổi (TOE), giảm phát thải 530.000 tấn CO­2 mỗi năm.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, khoảng 95% các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tại Việt Nam không tích hợp tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng vào khâu thiết kế cơ bản và vận hành công trình. Vì thế, bên cạnh việc ban hành các quy chuẩn trong xây dựng, các công ty tư vấn cần đề xuất cho chủ tòa nhà áp dụng các giải pháp và sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện ngay từ khâu thiết kế, chọn hướng nhà, hướng cửa sổ để tận dụng nguồn ánh sáng, nguồn gió tự nhiên, chọn vật liệu cách nhiệt thích hợp... Với các tòa nhà đã đi vào vận hành cần thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm trong chiếu sáng và cho hệ thống gia nhiệt, thông gió, điều hòa không khí, đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời... Nhiều tòa nhà nhờ cải tiến kỹ thuật, thay thế thiết bị tiết kiệm điện, tận dụng năng lượng mặt trời... mà đã đạt danh hiệu “Green building - Tòa nhà xanh” trong Cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” với số tiền tiết kiệm điện lên tới trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm là minh chứng hùng hồn cho các giải pháp TKNL.

Vấn đề TKNL trong lĩnh vực chiếu sáng cũng đã được chú trọng bởi theo phân tích của các chuyên gia, từ trước năm 2005, cả nước ta sử dụng 50 triệu bóng đèn sợi đốt một năm để chiếu sáng là một nguyên nhân quan trọng gây lãng phí điện năng, làm cho công suất giờ cao điểm lên tới 2,5 lần so với giờ thấp điểm. Để cắt giảm công suất giờ cao điểm thì biện pháp đơn giản nhất là khuyến khích sử dụng đèn tiêu hao ít năng lượng như dùng đèn compact thay cho đèn sợi đốt, dùng bóng đèn tuýp gầy (T8, T5) kèm chấn lưu điện tử thay cho loại đèn tuýp mập T10; tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý, thay thế các thiết bị hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao hơn thông qua các sản phẩm dán nhãn TKNL.

Tuy nhiên, các giải pháp nói trên chủ yếu còn mang tính khuyến khích, chưa có chế tài bắt buộc. Tin rằng, khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành và đi vào cuộc sống thì ý thức và trách nhiệm về TKNL sẽ được điều chỉnh mạnh mẽ hơn, hạn chế tối đa tình trạng lãng phí năng lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi trường toàn nhân loại./.
(Theo Nhân Dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất