Thứ Ba, 26/11/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 17/6/2012 14:40'(GMT+7)

"Công nghệ hạt nhân vì tương lai bền vững"

Nhà máy điện hạt nhân Atucha II của Argentina. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nhà máy điện hạt nhân Atucha II của Argentina. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nghiên cứu này được công bố trước thềm Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) diễn ra ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil.

Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano nhấn mạnh phát triển bền vững cần hợp tác quốc tế và sử dụng hiệu quả công nghệ hạt nhân. Hàng triệu người trên thế giới đang được hưởng lợi từ các ứng dụng của công nghệ này, trong đó có phát hiện và bảo vệ bền vững nguồn nước ngọt cũng như cung cấp cho giới khoa học các công cụ nghiên cứu về các đại dương.

Thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật rộng rãi, IAEA giúp các nước sử dụng công nghệ hạt nhân vào hàng loạt ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, y tế, môi trường…

Nghiên cứu của IAEA nêu bật 6 lợi ích to lớn của công nghệ hạt nhân trong nỗ lực xây dựng tương lai bền vững, bao gồm:

Thứ nhất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hạn chế tình trạng khai thác quá mức các nguồn tài nguyên gây tổn hại "các dịch vụ tự nhiên" như đa dạng sinh học, nguồn nước ngọt, không khí sạch và đất canh tác cũng như đe dọa sự phát triển bền vững. IAEA đã phát triển phương pháp mới, cho phép phân tích đồng thời và đồng bộ các tương tác phức tạp giữa thời tiết, sử dụng đất, các chiến lược năng lượng và nước..., nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp các nước dễ thích nghi hơn với các tình huống mới.

Thứ hai, giúp xác định và xây dựng bản đồ các nguồn nước ngầm khả thi và nhanh hơn so với các công nghệ khác, từ đó nhân loại có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn nước sạch và an toàn. Công nghệ hạt nhân cũng cải thiện hiệu quả các hệ thống thủy lợi hiện đang sử dụng tới 70% nguồn nước ngọt của thế giới.

Thứ ba, giúp các nước sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn và bền vững hơn, giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tác động của biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh nhu cầu điện của thế giới được dự báo tăng từ 60-100% vào năm 2030, năng lượng hạt nhân với sự giám sát trực tiếp của IAEA sẽ góp phần tăng cường hòa bình và an ninh trên thế giới.

Thứ tư, góp phần tăng sản lượng lương thực, đánh giá để bảo tồn và nâng cao độ phì nhiêu của các nguồn đất và quản lý nguồn nước trong bối cảnh an ninh lương thực vẫn là thách thức lớn của toàn cầu trong thập kỷ tới.

Thứ năm, giúp nhận thức và bảo vệ tốt hơn các đại dương của thế giới thông qua giám sát quá trình axít hóa trong các đại dương. Công nghệ hạt nhân cũng là công cụ để phát triển bức tranh tổng thể về quá khứ của các đại dương.

Thứ sáu, cung cấp các chẩn đoán chính xác và quan trọng giúp phát hiện và điều trị các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm. Hàng triệu người trên thế giới hàng ngày đang phụ thuộc vào các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh từ ứng dụng của công nghệ hạt nhân như dược phẩm phóng xạ... Sử dụng an toàn và phối hợp tốt công nghệ hạt nhân trong điều trị bệnh đang góp phần tích cực nâng cao sức khỏe và ổn định xã hội trên thế giới./.

TH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất