Thứ Ba, 24/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 15/6/2012 22:11'(GMT+7)

Sơn La: nhiều khởi sắc trong phát triển khoa học và công nghệ

Trong những năm qua, khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La đã đạt được những bước tiến về đổi mới cơ chế quản lý, phát triển tiềm lực, có đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của tỉnh và sự nghiệp phát triển khoa học chung.Tích cực trong việc cung cấp các luận chứng, luận cứ khoa học để phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng gắn nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ nhằm phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tỉnh Sơn La theo số liệu thống kê năm 2011, có hơn 10.000 người, trong đó trình độ cao đẳng, đại học gần 6.000 người; có hơn 140 thạc sỹ và tương đương, 10 tiến sỹ, tập trung chủ yếu ở ngành giáo dục, y tế và một số trường trung cấp nông lâm, 01 trường trung cấp nghề.

Hiện nay tỉnh đã thành lập Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật; đặc biệt, đã xây dựng quy hoạch Khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Mộc Châu, đây được coi là hạt nhân để phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp của tỉnh. Đã xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số hoá về biến động địa chất, tài nguyên khoáng sản của tỉnh. Toàn tỉnh có 276 mỏ và điểm quặng, thuộc 38 loại hình khoáng sản thuộc 04 nhóm. Tiến hành điều tra, nghiên cứu các hiện tượng tai biến trượt đất và lũ quét tại các vùng trọng điểm của tỉnh, xây dựng bản đồ hiện trạng tai biến trượt đất và lũ quét tỷ lệ 1:50.000. Đó là những cơ sở quan trọng để lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành hoạch định các mục tiêu chiến lược, xây dựng các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương, là cơ sở hấp dẫn các nhà đầu tư vào Sơn La.

Với sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ cùng với những chính sách cụ thể hoá của Uỷ ban nhân dân tỉnh về khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; sự hợp tác của các cơ quan khoa học, chất lượngkhoa học và công nghệ của tỉnh Sơn La đãđượcnâng cao hơn; tiềm lực khoa học công nghệ từng bước được tăng cường và đổi mới; đội ngũ cán bộ được quan tâm đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động khoa học công nghệ,góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Hoạt động chuyển giao công nghệ với nước ngoài được đẩy mạnh, nhất là trong quan hệ hợp tác quốc tế với các tỉnh Bắc Lào, tỉnh đã đầu tư thực hiện dự án hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất giống, kỹ thuật nuôi trồng, chế biến nấm tại tỉnh Hủa Phăn và U Đôm Xay, dự án hợp tác nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất gạch bằng lò nung liên tục kiểu đứng tại tỉnh Hủa Phăn...

Công tác nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học, việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ được đẩy mạnh, một số mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ đã phát huy, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: dây chuyền sản xuất sữa tươi tiệt trùng (huyện Mộc Châu), dây chuyền sản xuất gạch không nung, mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất rau cao cấp (huyện Mộc Châu) doanh thu đạt trên 500 triệu đồng/ha, hoa ôn đới chất lượng cao tại 04 vùng sinh thái của tỉnh (huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Bắc Yên, Mường La), một số mô hình phát triển nuôi ba ba (huyện Sông Mã); nuôi lợn rừng và lợn lai thương phẩm ở Công ty trách nhiệm hữu hạn Thuận Hải, nuôi cá Hồi ở huyện Bắc Yên…; quảng bá chỉ dẫn Xoài (huyện Yên Châu); giống Hồng giòn MCI, giống dưa vàng thơm Hà Lan tại huyện Mộc Châu; trồng tre điền trúc lấy măng, trồng song và mây thương phẩm… Thành công của các dự án đã góp phần khôi phục thương hiệu và đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, do đặc thù của một tỉnh miền núi cao, biên giới còn nghèo và lạc hậu, nhìn chung lực lượng khoa học và công nghệ của tỉnh vẫn còn nhỏ bé, đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế-xã hội còn hạn chế;trình độ khoa học công nghệ trong nhiều lĩnh vực còn thấp nên năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm chưa cao. Hoạt động phát triểntài sản sở hữu trí tuệ còn mang tính chất nhỏ lẻ, thiếu tập trung… Đó là những vấn đề cần được quan tâm giải quyết trong những năm tới.

Nhận thức rõ trước yêu cầu mới về phát triển kinh tế-xã hội cùng những nguy cơ và thách thức do bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước đặt ra, đòi hỏi khoa học và công nghệ phải thật sự đổi mới cơ bản và phát triển mạnh mẽ mang tính chiến lược. Và trên cơ sở những kết quả đã đạt được, phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển khoa học công nghệ của địa phương thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra phương hướng phát triển với những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La thực sự trở thành động lực then chốt của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá./.

Bùi Kim Oanh
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Sơn La

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất