Chủ Nhật, 22/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 1/12/2012 15:9'(GMT+7)

Công nghệ thông tin sẽ là bàn đạp phát triển đất nước

Tiến sỹ Mai Liêm Trực phát biểu tại chương trình giao lưu trực tuyến “Internet - Cánh cửa tương lai” do Hiệp hội Internet, Báo điện tử VnMedia và ICTnews tổ chức chiều 30/11/2012 tại Học viện công nghệ bưu chính viễn thông.

Tiến sỹ Mai Liêm Trực phát biểu tại chương trình giao lưu trực tuyến “Internet - Cánh cửa tương lai” do Hiệp hội Internet, Báo điện tử VnMedia và ICTnews tổ chức chiều 30/11/2012 tại Học viện công nghệ bưu chính viễn thông.

 

Trao lại ngọn đuốc cho thế hệ trẻ

Tại cuộc giao lưu về chặng đường đáng ghi nhớ đã qua của Internet tại Việt Nam, TS Mai Liêm Trực chia sẻ :"Các hoạt động về Internet nên tập trung vào giới trẻ, thế hệ chúng tôi có làm thì đã làm rồi, những gì nói được đã nói rồi. Cuộc chạy đua tiếp sức này chúng tôi đã trao lại ngọn đuốc cho thế hệ trẻ, thế hệ trẻ chính là những người cần được vinh danh. Trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin toàn cầu, thế hệ trẻ là lực lượng chủ chốt nhất, tham gia phát triển và ứng dụng công nghệ Internet để phát triển đất nước.

Hôm nay, trong cuộc giao lưu này, tôi muốn chia sẻ một thông điệp. 15 năm trước, khi Internet vào trên nền một cơ sở hạ tầng có sẵn, đã được số hóa và tự động hóa, chúng ta đã đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về cơ sở hạ tầng viễn thông Internet. Điều này thể hiện trên cả 3 yếu tố. Thứ nhất, về công nghệ, chúng ta đã tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới. Những gì họ có, chúng ta cũng có, như cáp quang biển, vệ tinh, 3G, cáp quang nối đến tận xã, thôn, các dịch vụ trên nền viễn thông Internet… Nói cách khác, có thể chúng ta còn thua kém về nhiều lĩnh vực , thí dụ giao thông. Ví dụ về giao thông, năm 1976, Seoul đã có tàu điện ngầm. Hay về kinh tế, cảng biển, GDP … nhìn chung chúng ta đều thua kém vài chục năm.

Thế nhưng riêng về hạ tầng viễn thông Internet quốc gia, chúng ta đã đuổi kịp nhiều nước tiên tiến. Hay nói cách khác, đã đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet nói riêng và công nghệ thông tin (CNTT) nói chung. Vậy thì, thông điệp gửi đến các bạn trẻ hôm nay là trên nền cơ sở hạ tầng viễn thông và internet, trên cơ sở CNTT của chúng ta đã và đang phát triển mạnh, các bạn hãy đưa Việt Nam thành một nước mạnh bằng công nghệ, bằng viễn thông và Internet. Tức là không những mạnh về lĩnh vực Internet, về CNTT, mà mạnh về cả nhiều lĩnh vực khác như giao thông, giáo dục, kinh tế… Làm sao để đạt được như lời Bác Hồ nói, chúng ta phải làm sao để sánh vai cùng các cường quốc năm châu. CNTT nói chung, trong đó có viễn thông và Internet nói riêng, sẽ là một công cụ, phương tiện để đất nước chúng ta mạnh lên".

Ảnh minh họa

Tiến sỹ Mai Liêm Trực được coi là người "anh cả" của Internet Việt Nam.


Cần hạn chế những mặt trái


Tại cuộc giao lưu, ông cũng cho biết so với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam không phải là một trong những nước tham gia sớm nhất vào Internet nhưng trong điều kiện của Việt Nam thời điểm năm 1997 là sớm nhất có thể và cũng chỉ chậm hơn các nước tiên tiến từ 5 đến 7 năm. Trong khi một số công nghệ và dịch vụ khác đưa vào Việt Nam thường chậm vài chục năm như đường sắt, hàng không, truyền hình, điện thoại cố định, điện thoại di động tế bào…

Trả lời câu hỏi "Đâu là cú hích khiến Internet được mở cửa và phổ biến rộng rãi như ngày nay?", ông nói :"Internet vào được Việt Nam trước hết là nhờ mạng viễn thông đã được số hóa và tự động hóa từ năm 1995; tiếp đến là việc thí nghiệm của một số chuyên gia và nhà khoa học và cuối cùng là báo cáo, thuyết phục lãnh đạo, cho phép mở cửa Internet. Các mốc phát triển của Internet đến nay có thể kể đến như sau: từ khi mở cửa năm 1997 đến năm 2000, tốc độ phát triển còn chậm do quản lý chặt với phương châm quản đến đâu mở đến đấy. Với tư duy đổi mới, quản lý phải theo kịp nhu cầu phát triển được khẳng định trong Chỉ thị 58 của Bộ chính trị thì đại lý Internet, café internet được mở và phát triển rất nhanh, tăng nhanh lượng người sử dụng. Những năm sau là ADSL và đặc biệt là khi thị trường viễn thông có cạnh tranh thì giá cước Internet giảm mạnh. Những năm gần đây, sự phát triển mạnh của thông tin di động, đặc biệt với sự phát triển của công nghệ đầu cuối như smartphone đã tăng rất nhanh khả năng và mật độ truy cập Internet.

Ảnh minh họa

Tiến sĩ Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (thứ hai từ trái sang); Tiến sĩ Vũ Tuấn Lâm - Phó Giám đốc học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (đầu tiên bên trái) và ông Nguyễn Tất Hồng Dương - Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VnMedia (thứ hai từ phải sang) là các vị đại biểu, các vị khách quý tham gia chương trình.


Internet Việt Nam hiện nay không thua kém các nước trong khu vực và trên thế giới về công nghệ hiện đại, về giá cả thấp và tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục đưa những công nghệ mới vào như 4G và đặc biệt là ứng dụng mạnh mẽ hơn như thương mại điện tử, Internet Banking, Internet marketing, E- learning,…

Tốc độ phát triển Internet ở Việt Nam trong 15 năm qua là rất nhanh. Từ con số 0 đến nay chúng ta đã có hơn 30 triệu người sử dụng Internet, chiếm 1/3 dân số. Cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet đã tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới về công nghệ, loại hình dịch vụ, giá cước thấp và mức độ phổ cập dịch vụ.

Bên cạnh đó, để hạn chế những mặt trái, mặt tiêu cực của sự phát triển Internet ở Việt Nam, ông cho rằng chúng ta cần hạn chế những mặt trái của Internet bằng cả ba biện pháp: về công nghệ thì đó là firewall, các phần mềm quản lý và bảo vệ; về biện pháp hành chính là những quy định về pháp luật về những điều không được làm, về chống tội phạm mạng, về quy chế sử dụng…; và quan trọng nhất là biện pháp tuyên truyền hướng dẫn, giáo dục, nâng cao nhận thức, nâng cao dân trí để người sử dụng có thể tự bảo vệ mình trước những mặt tiêu cực của Internet./.

Theo VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất