Thứ Tư, 27/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 25/10/2016 19:58'(GMT+7)

Công nghiệp văn hóa mang lại lợi ích kinh tế lớn

Hội thảo khu vực với chủ đề “Chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa góp phần đa dạng hóa các nền kinh tế và làm chủ toàn cầu hóa thông qua đa dạng văn hóa” đã khai mạc ngày 25/10 tại Hà Nội. Hội thảo do Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao sáng kiến của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tổ chức hội thảo. Đây là cơ hội cho các chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa của quốc tế và Việt Nam giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc hoạch định chính sách; triển khai kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vốn có một vị trí đáng kể trong cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cũng thông tin cho biết: Năm 2014, sau khi tổng kết việc xây dựng và phát triển văn hóa giai đoạn 1998-2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI của Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó nêu rõ mục tiêu xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa và từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa. Đây là một chủ trương đổi mới của Việt Nam về văn hóa, có định hướng tác động trực tiếp đến việc hình thành một thị trường văn hóa với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững mọi mặt của đất nước.

Tháng 9/2016, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Chiến lược đề ra mục tiêu chung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, trong đó có quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, trò chơi giải trí, điện ảnh, thời trang… Trong Chiến lược cũng nêu rõ du lịch, văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực thực hiện kế hoạch triển khai trên cơ sở các nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hoàn thiện cơ chế chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; thu hút và hỗ trợ đầu tư; phát triển thị trường mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế.

Thông tin các đại biểu đưa ra tại hội thảo cho thấy: Công nghiệp văn hóa đã mang lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc thường được coi là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa sáng tạo đã góp phần tạo ra nhiều việc làm. Công nghiệp văn hóa tạo ra 3% GDP thế giới; 29,5 triệu việc làm. Mặt khác, các lĩnh vực văn hóa, sáng tạo là động lực của nền kinh tế số, tạo ra 200 tỷ USD mỗi năm, đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh và trò chơi điện tử…

Ông Eric Normand Thibeault, Đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ nhấn mạnh vai trò của tiếng Pháp trong đời sống quốc tế và khẳng định Văn phòng châu Á-Thái Bình Dương Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ luôn nỗ lực thúc đẩy hoạt động hợp tác với các nước thành viên, trong đó có Việt Nam…

Hội thảo diễn ra đến hết ngày 27/10 tại Hà Nội, các đại biểu cùng chia sẻ, thảo luận nhiều nội dung về thách thức của toàn cầu văn hóa; công ước của UNESCO về bảo vệ, phát huy tính đa dạng của các biểu đạt văn hóa; khái niệm công nghiệp văn hóa, chuỗi giá trị, cơ sở và mục tiêu các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước…/.

Thanh Giang/TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất