Thứ Sáu, 27/12/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 19/3/2017 15:13'(GMT+7)

Công nghiệp Việt Nam vẫn “mắc kẹt” ở bậc thứ 2?

Nhiều ngành công nghiệp thời gian qua được bảo hộ nhưng vẫn ì ạch (Ảnh minh họa)

Nhiều ngành công nghiệp thời gian qua được bảo hộ nhưng vẫn ì ạch (Ảnh minh họa)

Nếu không dựa trên năng lực cạnh tranh mà hỗ trợ một cách vô điều kiện thì đó là công thức dễ dàng nhất để các DN thất bại.

Nuôi mãi… chưa lớn

Đến nay, đã có nhiều chính sách để phát triển các ngành công nghiệp được đưa ra, nhưng câu hỏi “đâu là ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam” dường như vẫn chưa có câu trả lời, bởi các ngành công nghiệp vẫn thiên về phát triển chiều rộng, “đa nhưng không tinh”, chủ yếu là gia công lắp ráp.

Cho đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp đóng góp lớn nhất vào kim ngạch XK là điện tử. Đây cũng là một ngành công nghiệp mà Việt Nam có nhiều ưu tiên phát triển và đặt nhiều kì vọng khi có sự tham gia của một số thương hiệu lớn như Samsung, Intel.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm Samsung có mặt tại Việt Nam, công nghiệp điện tử của Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp. Nhìn đằng sau con số XK chip điện tử của Intel hay con số XK của Samsung có thể thấy, những DN này đóng góp trên 20% kim ngạch XK Việt Nam nhưng chỉ là gia công lắp ráp.

Một nghiên cứu về Intel của Đại học Fulbright Việt Nam cho thấy, chúng ta không có nhà cung cấp 1, cấp 2 cho Intel mà chỉ cung cấp giá đỡ, hộp, linh kiện nhỏ. Thậm chí khi trao đổi cụ thể, những sản phẩm cung cấp được cũng chỉ là NK của Trung Quốc rồi bán lại cho Intel. “Điều đó cho thấy, giá trị gia tăng của các nhà cung ứng nội địa cho Intel tại Việt Nam chỉ 3%, còn 97% là NK. Còn với điện thoại Samsung, 92% là NK, còn lại 8% là đất đai rẻ, điện rẻ, nguồn lao động rẻ, môi trường rẻ…”, ông Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam cho hay.

Một ví dụ dễ nhận thấy khác là ngành công nghiệp ô tô được coi là ngành mũi nhọn bởi nếu ngành này phát triển được sẽ thúc đẩy các ngành khác như điện tử (chiếm khoảng 30% giá trị/sản phẩm ô tô), công nghệ vật liệu, chế tạo máy... Song cho đến nay, cơ bản ngành này cũng thất bại. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm lốp, một số sản phẩm nhựa. Trong số 400 DN, chỉ một số rất ít đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Có thể thấy, một đặc điểm chung của nhiều ngành công nghiệp này là “sống” nhờ bảo hộ, dựa vào năng lực cạnh tranh, lợi thế so sánh của Việt Nam như nhân công, đất đai rẻ, khuyến khích hào phóng về về tài khóa, môi trường... “Nhưng sau bao nhiêu năm bảo hộ, Việt Nam vẫn phải nhập thép, giá thép vẫn cao hơn Trung Quốc, ngành công nghiệp ô tô vẫn non trẻ và chưa bao giờ lớn”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Không ưu đãi bằng mọi giá

Một chuyên gia nhìn nhận, khi thế giới đang ở ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng chúng ta về cơ bản vẫn đang bị “mắc kẹt” ở bậc thứ 2 đó là cơ giới hóa và dây chuyền lắp ráp. Bởi lẽ, Samsung, Intel là những công ty được phân loại mang tính toàn cầu, sản phẩm cũng được phân loại là công nghệ cao nhưng giá trị gia tăng Việt Nam đóng góp trong đó chỉ là 3% và 8% và vẫn là lắp ráp. Việt Nam còn đang ở vị trí thấp như vậy trong khi thế giới tiến nhanh, nước ta có dám chọn ngành công nghiệp ưu tiên chính xác không? Việc chọn ngành công nghiệp ưu tiên phải hết sức thận trọng nếu không sẽ tiêu tốn nguồn lực, mất thời gian và kẹt trong bài toán chưa có lời giải.

Theo GS. Trần Văn Thọ, trường Đại học Waseda (Nhật Bản), 2 lĩnh vực Việt Nam cần chú trọng phát triển là các loại máy móc và công nghiệp thực phẩm chế biến từ nông, thủy sản mà Việt Nam có nguồn cung cấp phong phú. Về các loại máy móc, nhu cầu thế giới ngày càng lớn vì vậy Việt Nam cần nghiên cứu và tạo điều kiện để DN FDI nâng chất lượng sản phẩm.

Cũng theo ông Thọ, Việt Nam cần tận dụng sức mạnh của một quốc gia có 100 triệu dân để đẩy mạnh công nghiệp hóa cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Theo đó, cần tập trung đào tạo nhân lực công nghệ cao, thích ứng thay đổi công nghệ nhưng không nên chú trọng bậc học, bằng cấp, đổ xô vào đại học là không nên. Lao động chất lượng cao chỉ cần học cao đẳng 2 năm, 1 năm học văn hóa, 1 năm chuyên môn là có thể đi làm được.

Còn theo ông Vũ Thành Tự Anh, bài học để phát triển công nghiệp Việt Nam là dựa vào kinh nghiệm của chính Việt Nam và các nước đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc…, tức là lựa chọn dựa trên thực lực quốc gia và bối cảnh thế giới. “Chúng ta có thể đưa ra nhiều danh mục mơ ước, nhưng danh mục mơ ước đó nếu không hiện thực, không dựa vào năng lực cạnh tranh nội tại, thực lực, dựa vào bối cảnh thị trường quốc tế thì sẽ thất bại”, vị này nói.

Theo đó, Chính phủ nên thực thi chính sách ưu tiên phát triển một số “lĩnh vực năng lực” phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước nhưng hỗ trợ có kỉ luật hay nói cách khác là không hỗ trợ bằng bất cứ giá nào. Chuyên gia này khẳng định: “Những bài học như Vinalines, Vinashin, 1 triệu tấn đường… vẫn còn nguyên giá trị. Nếu không dựa trên năng lực cạnh tranh mà hỗ trợ một cách vô điều kiện thì đó là công thức dễ dàng nhất để các DN thất bại”. Thêm vào đó, chính sách công nghiệp ưu tiên phải được tích hợp chặt chẽ với XK.

Ông Vũ Thành Tự Anh phân tích, Việt Nam dù là quốc gia có dân số trên 90 triệu dân nhưng về thị trường vẫn là thị trường nhỏ. Để thành công, các DN phải XK và việc XK không chỉ giúp DN mở rộng thị trường mà còn là phép thử trong cạnh tranh. Nếu DN có thể thành công trong cạnh tranh thì xứng đáng được ưu ái. Thực tế cho thấy, nhóm sản phẩm dệt may, da giày, tôm, cá là điển hình cho công nghiệp Việt Nam, không dựa vào bảo hộ mà dựa vào lợi thế cạnh tranh so sánh của Việt Nam./.

Theo VOVnews



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất