Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 4/11/2008 13:57'(GMT+7)

Công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng

Đài tưởng niệm tỉnh Tuyên Quang

Đài tưởng niệm tỉnh Tuyên Quang

 Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và lãnh đạo các ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở ngày càng nhận thức sâu sắc vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đối với nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng trong nhân dân, kịp thời lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả đảm bảo tính đảng tính khoa học. Song song với việc củng cố kiện toàn tổ chức đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng ngày càng có trình độ chuyên môn, chính trị và mang tính chuyên nghiệp cao, các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở từng bước quan tâm đầu tư đảm bảo các nhu cầu về trang bị, cơ sở vật chất cho công tác này. Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp kịp thời, khoa học, trong những năm qua, công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Số sách xuất bản và các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng không ngừng tăng lên.

Phòng lịch sử đảng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ sưu tầm, nghiên cứu biên soạn và phát hành: Lịch sử đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Truyền thống Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang (l948-2005), Bác Hồ với Tuyên Quang, tiếp tục triển khai 3 đề tài khoa học "Lịch sử đảng bộ tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 1976-2005"; “Tuyên Quang trong cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược"; "Nghiên cứu, biên soạn, xuất bản Địa chí tỉnh Tuyên Quang"… Ngoài ra tham ra biên soạn tài liệu họp báo tại Hà Nội kỷ niệm 55 năm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, chuẩn bị diễn văn kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng và 55 năm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Kim Bình, cung cấp tư liệu phục vụ cầu truyền hình Tuyên Quang - Hà Nội; phục vụ lễ kỷ niệm "60 năm ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp", "60 năm ngày chiến thắng Việt Bắc-Thu Đông 1947". Thẩm định hàng chục lý lịch di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến, đề cương chính trị, đề cương trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, đề cương tuyên truyền kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của BCH quân sự tỉnh. Tham gia ý kiến bản thảo “Lịch sử đảng bộ huyện Chiêm Hoá", “LSĐB Thị xã Tuyên Quang”, “Biên niên sự kiện Công an tỉnh 1996-2005", “Bác Hồ với Sơn Dương”, "Huyện Chiêm Hoá anh hùng"…

9/9 huyện, thị uỷ, đảng uỷ trực thuộc biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ đến năm 1975, trong đó 2/9 huyện, đảng uỷ trực thuộc biên soạn đến năm 2000, 7/9 huyện, thị uỷ, đảng uỷ trực thuộc còn lại đang trong tiến trình biên soạn và hoàn thiện bản thảo. 11 xã hoàn thành xuất bản lịch sử đảng bộ (Đông Lợi, Tam Đa, Sơn Nam, Đại Phú, Thiện Kế, Tân Trào, Thượng ấm…thuộc huyện Sơn Dương), 10 xã, phường, thị trấn hoàn thành bản thảo lần một, lần hai, lần ba; 58 xã, phường, thị trấn đang tiến hành biên soạn; 21 xã, phường, thị trấn tiến hành sưu tầm tư liệu phục vụ biên soạn lịch sử truyền thống. Nhiều ban, ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh, huyện, thị xã đã phân công cán bộ, tiến hành sưu tầm tư liệu biên soạn và xuất bản lịch sử, truyền thống và kỷ yếu của ngành, như: Văn phòng Tỉnh uỷ, Trường Chính trị tỉnh, Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc, Phụ nữ, Đài PT-TH, Cục thuế, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Bưu điện…

Đến nay, trên toàn tỉnh có 56 ấn phẩm lịch sử đảng bộ, truyền thống các ban, ngành cấp huyện, thị uỷ, đảng uỷ trực thuộc và xã, phường, thị trấn được biên soạn, xuất bản, trong đó: các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh xuất bản 27 ấn phẩm; huyện, thị uỷ, đảng uỷ trực thuộc, cơ quan trực thuộc huyện xuất bản 18 ấn phẩm; các xã, phường, thị trấn xuất bản 11 ấn phẩm.

Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng, cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp chú trọng xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, như: tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, quê hương và truyền thống thành lập cơ quan, ban, ngành…; tổ chức có kết quả nhiều cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống về Đảng, đất nước, địa phương; tích cực triển khai các chương trình hoạt động về nguồn, các diễn đàn, chuyên đề, gặp mặt nhân chứng lịch sử, thăm di tích lịch sử kháng chiến… thu hút hàng chục vạn lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh thiếu niên tham gia. Các cơ quan, đơn vị quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc xây dựng các phòng truyền thống, phòng đọc, tủ sách lịch sử phục vụ cán bộ, đảng viên, đoàn viên tìm hiểu lịch sử, truyền thống.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trung tâm bồi dưỡng các huyện, thị uỷ, các trường chuyên nghiệp, phổ thông toàn tỉnh chú trọng việc nghiên cứu đưa chương trình giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng vào giảng dạy trong các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, trang bị những kiến thức cơ bản cho học sinh, học viên về truyền thống lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử đảng địa phương.

Có thể khẳng định từ những giải pháp đã thực hiện và kết quả đạt được trong công tác sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ nhận thức, lý luận, rèn luyện phẩm chất đạo đức và giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tình cảm yêu nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh và xây dựng Đảng.

Sự nghiệp CNH, HĐH do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đang tiếp tục được đẩy mạnh, Nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XIV xác định hai động lực phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tới là “Truyền thống lịch sử văn hoá và Đại đoàn kết dân tộc”, chính vì vậy công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng cần phải tiếp tục có sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực sát sao của cấp uỷ đảng các cấp, tạo điều kiện về kinh phí, môi trường hoạt động cho công tác nghiên cứu và hoàn chỉnh các tập lịch sử Đảng địa phương nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, động viên cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân nỗ lực phấn đấu phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, năng động sáng tạo hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh./.

Nguyễn Văn Đức, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tuyên Quang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất