1 - Hoạt động báo chí, xuất bản thời gian vừa qua
Năm 2008 cả nước tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 mà Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đề ra. Trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, lĩnh vực báo chí, xuất bản cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khó lường. Nền kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, giá nguyên liệu, đặc biệt là giá giấy liên tục tăng, nguồn thu từ quảng cáo giảm, đã tác động lớn đến hoạt động báo chí, xuất bản.
Trong khó khăn chung của đất nước, hoạt động báo chí, xuất bản đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm nhiệm vụ tuyên truyền các biện pháp cấp bách của Đảng, Chính phủ trong công tác kiềm chế lạm phát, chống suy giảm kinh tế, ổn định nền kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững. Điều quan trọng nhất là tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, đồng tâm, hiệp lực vượt qua khó khăn, thử thách.
Báo chí năm qua đã thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống kinh tế, xã hội ở trong nước và tình hình quốc tế, thực hiện tốt chức năng là diễn đàn của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, kịp thời phát hiện và biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến; tuyên truyền có hiệu quả về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; năng động, tích cực trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác, tiếp tục đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm sai trái, mở rộng quan hệ đối ngoại; góp phần quan trọng trong việc quảng bá ra thế giới hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh những ưu điểm là chủ yếu, tình trạng một số cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, thiếu chính xác, thiếu nhạy cảm về chính trị, nội dung xa rời tôn chỉ, mục đích vẫn tiếp tục diễn ra. Vẫn còn một số trường hợp nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật.
Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế thị trường hoạt động xuất bản, in, phát hành trong năm qua đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản, giữ được ổn định và có bước phát triển. Các văn kiện của Đảng, sách về pháp luật, đặc biệt là sách phục vụ Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và nhiều bộ sách lớn quan trọng về văn học, lịch sử, khoa học, tôn giáo đã được xuất bản.
Tuy nhiên, hoạt động xuất bản trong năm qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém đáng quan tâm. Đó là sự buông lỏng quản lý của một số nhà xuất bản trong hoạt động liên kết, để cho các đối tác do chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến nội dung, cho ra đời một số cuốn sách chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng nghiệp vụ còn thấp. Một số sách như truyện tranh cho thiếu nhi đã gây nên bức xúc trong xã hội.
Trong khó khăn chung của đất nước, hoạt động báo chí, xuất bản đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm nhiệm vụ tuyên truyền các biện pháp cấp bách của Đảng, Chính phủ trong công tác kiềm chế lạm phát, chống suy giảm kinh tế, ổn định nền kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững. Điều quan trọng nhất là tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, đồng tâm, hiệp lực vượt qua khó khăn, thử thách. |
Có thể nói, những ưu điểm, khuyết điểm trong hoạt động báo chí, xuất bản năm qua đều gắn rất chặt với công tác chỉ đạo, quản lý về lĩnh vực này. Năm 2008 là năm cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản đã tập trung củng cố, chấn chỉnh và triển khai nhiều công việc quan trọng để từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý.
2 - Công tác chỉ đạo và quản lý báo chí, xuất bản
a - Định hướng, cung cấp thông tin, quản lý thông tin báo chí, xuất bản
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư về tổ chức giao ban báo chí hằng tuần, trong năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức đều đặn các buổi giao ban báo chí, kịp thời định hướng, chỉ đạo thông tin báo chí, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nội dung thông tin báo chí, tạo được sự chia sẻ, đồng thuận trong xã hội với những khó khăn chung của đất nước. Nhờ nắm sâu sát mọi diễn biến thông tin báo chí mà cơ quan quản lý đã chủ động trong công tác định hướng thông tin, nhất là đối với các sự kiện lớn, sự kiện đột xuất; định hướng các cơ quan báo chí phát hiện, cổ vũ, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; chỉ đạo báo chí có bài viết phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, đặc biệt là các vụ việc về tôn giáo, dân chủ, nhân quyền.
Giao ban định kỳ xuất bản cũng được duy trì đều đặn, thông qua đó cơ quan chỉ đạo, quản lý cùng các nhà xuất bản, các doanh nghiệp in ấn phát hành đã bàn bạc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp hoạt động xuất bản duy trì và phát triển tốt.
Thông tin báo chí về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiều vấn đề có tác động lớn trong dư luận xã hội đã được Bộ và Ban chỉ đạo, định hướng kịp thời, sâu sát, điển hình là việc báo chí tuyên truyền có hiệu quả về chủ trương đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy; những vấn đề có tác động xã hội lớn như: dịch tiêu chảy cấp; thông tin về loại rau siêu tăng trưởng ảnh hưởng tới việc trồng trọt, tiêu thụ rau của nông dân; tình hình giá cả thị trường, vấn đề lạm phát và những chủ trương của Chính phủ nhằm ổn định đời sống dân sinh và nền kinh tế vĩ mô; vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, phòng chống thiên tai và những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong lĩnh vực tôn giáo, trong quan hệ đối ngoại.
Ngoài ra, chúng ta đã chủ trì xây dựng và thực hiện các đề án tuyên truyền trên báo chí về vệ sinh an toàn thực phẩm; an toàn giao thông; phòng chống HIV, mại dâm, ma túy; bảo vệ môi trường... thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn cho lãnh đạo và phóng viên; khảo sát, điều tra việc tuyên truyền của cơ quan báo chí và khen thưởng cho cơ quan báo chí có thành tích trong công tác tuyên truyền...
Chúng ta cũng đã chỉ đạo các nhà xuất bản cho ra mắt bạn đọc nhiều loại sách có giá trị thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước; tiếp tục xuất bản nhiều tác phẩm phục vụ Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xuất bản nhiều ấn phẩm tuyên truyền và phục vụ tốt Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tổ chức tại Việt Nam; triển khai xuất bản sách giáo khoa trong tình hình giá vật tư tăng cao, phát động phong trào sử dụng sách giáo khoa cho học sinh nghèo, phát miễn phí cho học sinh thuộc diện chính sách.
Trong năm qua, để triển khai tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về các sự kiện lớn của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, những vấn đề được đông đảo dư luận quan tâm, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức mời 41 lượt bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin trong giao ban báo chí liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề, giúp các cơ quan báo chí có đầy đủ thông tin, hiểu đúng bản chất vụ việc, kịp thời tuyên truyền định hướng dư luận xã hội.
b - Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
Trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin và xu hướng hội tụ giữa thông tin, viễn thông và in-tơ-nét, công tác quản lý báo chí không chỉ quản lý những tờ báo, xuất bản phẩm trong xã hội thực mà còn phải xác định rõ trách nhiệm quản lý đối với những tờ báo, xuất bản phẩm trên mạng (xã hội ảo). Đây là vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp. |
Hiện nay, việc đầu tư xây dựng đài phát thanh - truyền hình ở các tỉnh, thành phố hết sức phân tán và lãng phí. Năng lực sản xuất chương trình của các đài chỉ đáp ứng được 20% - 30% công suất hiện có. Vì vậy, nhiều đài khai thác và đưa lên sóng quá nhiều phim ảnh, chương trình truyền hình nước ngoài hoặc đưa những chương trình chất lượng thấp. Về báo chí in có tình trạng nội dung thông tin trên nhiều ấn phẩm báo chí trùng lặp, hiệu quả thông tin thấp, gây lãng phí cho xã hội; một số cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể có nhiều cơ quan báo chí quá mức cần thiết; một số ấn phẩm báo chí có chất lượng nội dung thấp; có những cơ quan báo chí do có khó khăn về tài chính hoặc thiếu vắng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có kinh nghiệm nên để xảy ra việc xuất bản, phát hành ấn phẩm không đúng theo quy định của giấy phép; hiện tượng tư nhân “núp bóng” trong hoạt động báo chí vẫn còn diễn ra...
Để khắc phục, chấn chỉnh tình trạng trên, chúng ta đã xây dựng Kế hoạch phát triển phát thanh - truyền hình địa phương đến năm 2010 trình Chính phủ phê duyệt; đồng thời tiến hành xây dựng đề án Quy hoạch báo chí in đến năm 2020, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2009; đánh giá, rà soát mạng lưới truyền hình cáp, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật mạng để có sự quản lý chặt chẽ hơn.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện năng lực và hoạt động của 55 nhà xuất bản trong cả nước nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản và xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho ngành trình Chính phủ xem xét, thông qua; đồng thời đề xuất với Bộ Tài chính về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng đối với các nhà xuất bản; kiến nghị về giảm thuế nhập khẩu giấy in để tháo gỡ những khó khăn cho ngành xuất bản, in, phát hành sách trước tình hình giá giấy trong nước và thế giới tăng cao.
c - Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật
Thực tiễn gần mười năm qua, bên cạnh mặt tích cực là cơ bản và chủ yếu, Luật Báo chí năm 1999 đã bộc lộ một số mặt chưa hoàn chỉnh, không được điều chỉnh kịp thời trước những vấn đề mới nảy sinh, không còn phù hợp với thực tiễn đời sống báo chí trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang đẩy nhanh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, các loại hình báo chí phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, sự phát triển và hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, truyền thông và in-tơ-nét diễn ra mạnh mẽ, nhiều quy định của Luật Báo chí hiện hành đã không còn phù hợp. Trong khi đó, những khuyết điểm, yếu kém của báo chí như thông tin sai sự thật, xu hướng “thương mại hóa” vẫn chậm được khắc phục đã có ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả công tác quản lý nhà nước về báo chí; thậm chí, ở một số trường hợp, thông tin báo chí xâm hại nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất bình trong xã hội.
Trước thực tiễn đó, thực hiện chương trình xây dựng Luật của Quốc hội, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Luật Báo chí sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong thời gian tới.
Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí hiện hành, hàng loạt vấn đề phát sinh trong thực tiễn, như: vấn đề quản lý blog, quản lý về nguồn tin trên báo chí; văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động sai quy định, vi phạm pháp luật, gây bức xúc cho địa phương; những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và hành lang pháp lý tác nghiệp của phóng viên đã được Bộ đánh giá, xem xét một cách thấu đáo để có sự điều chỉnh kịp thời bằng các văn bản quy phạm pháp luật như: Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-net và thông tin điện tử trên in-tơ-net; Quyết định số 52/2008/QĐ-BTTTT ban hành Quy chế Xác định nguồn tin trên báo chí; Thông tư số 13/2008/TT-BTTTT ngày 31-12-2008 hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của cơ quan báo chí; Thông tư liên tịch số 85/2008/TTLT-BVHTTDL-BTTTTngày 18-12-2008 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cấp phép và thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo trên báo chí, xuất bản phẩm và mạng thông tin máy tính.
Trong năm qua, Bộ đã chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản (đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, tháng 6-2008); ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về xuất bản như: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26-8-2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản; ban hành quy chế liên kết trong hoạt động xuất bản; Thông tư số 04/2008/TT-BTTTT ngày 9-7-2008 về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 105/2007/NĐ-CP ngày 21-6-2007 của Chính phủ về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm; Quyết định số 654/QĐ-BTTTT ngày 28/4/2008 về ban hành “Tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân ngành in”.
Các văn bản quy phạm pháp luật này là cơ sở quan trọng để báo chí, xuất bản hoạt động thuận lợi, bảo đảm nguyên tắc phát triển báo chí, xuất bản đi đôi với quản lý tốt.
d - Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản
Có thể nói, năm 2008 là một năm mà công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản được đẩy mạnh, do đó đã góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, xuất bản, đưa hoạt động báo chí, xuất bản đi vào nền nếp, phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong năm qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý cảnh cáo 6 cơ quan báo chí; nhắc nhở, phê bình 252 trường hợp; thu hồi thẻ nhà báo của 15 phóng viên, trong đó có 6 người là lãnh đạo cơ quan báo chí; xử lý vi phạm hành chính 65 trường hợp của 41 cơ quan báo chí, 4 tổ chức và 1 cá nhân với tổng mức xử phạt là 561 triệu đồng. Bộ đã xử lý 197 đơn thư của tổ chức, cá nhân khiếu nại thông tin đăng trên báo chí liên quan tới 150 vụ việc. Nhờ coi trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo mà năm qua Bộ đã làm rõ và xử lý trên 20 trường hợp cơ quan báo chí đăng thông tin sai sự thật.
Cũng trong năm qua, Bộ đã xử lý 62 cuốn sách của 18 nhà xuất bản với các hình thức như phê bình nhắc nhở, rút kinh nghiệm trong khâu biên tập và quy trình xuất bản; có văn bản yêu cầu các nhà xuất bản không xuất bản các tập tiếp theo của một số cuốn sách thực hiện không đúng với nội dung đăng ký kế hoạch như: thay đổi tên sách, tên tác giả, sách chuyên đề trình bày dưới dạng tạp chí; xử phạt vi phạm hành chính 34 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 151 triệu đồng; tạm đình chỉ hoạt động 1 nhà xuất bản.
3 - Một số nhiệm vụ trọng tâm
Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển hết sức nhanh chóng của khoa học - công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, hoạt động báo chí, xuất bản cũng bị tác động mạnh mẽ của sự phát triển này. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải thực sự đổi mới tư duy quản lý báo chí, xuất bản mới có thể đáp ứng được yêu cầu mới của sự phát triển. Phải nhận thức đầy đủ rằng, trong sự phát triển nhanh chóng của báo chí, xuất bản sẽ không tránh khỏi sự xuất hiện của những khoảng trống về các chế tài, quy định kể cả khoảng trống của sự quản lý. Cần phải nhanh chóng phát hiện những thiếu hụt đó để có những biện pháp kịp thời chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản phát triển đúng hướng.
Xu hướng hội tụ giữa thông tin, viễn thông, in-tơ-nét đang diễn ra mạnh mẽ. Chính vì vậy, phương thức quản lý cũng phải không ngừng đổi mới và hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu này. Trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin và xu hướng hội tụ, công tác quản lý báo chí không chỉ quản lý những tờ báo, xuất bản phẩm trong xã hội thực mà còn phải xác định rõ trách nhiệm quản lý đối với những tờ báo, xuất bản phẩm trên mạng (xã hội ảo). Đây là vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp, bởi ngày càng xuất hiện nhiều báo chí, trang tin, chương trình phát thanh, truyền hình, sách ở trên mạng. Loại hình này được đánh giá, xác định thế nào và quản lý ra sao là một trong những vấn đề lớn cần quan tâm nghiên cứu để tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất, thực tiễn nhất. Trước mắt, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một, tiếp tục hoàn chỉnh dự án Luật Báo chí sửa đổi để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong năm 2010.
Hai, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ ban hành một số văn bản như: Quy hoạch báo chí in đến năm 2020; Quyết định về quản lý truyền hình trả tiền thay thế Quyết định số 79/2002/QĐ-TTg ngày 18-6-2002; Quyết định về quản lý trò chơi trực tuyến (Games online); bổ sung, sửa đổi các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới báo chí được quy định trong Nghị định số 56/2006/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin.
Ba, chủ trì xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí như: Thông tư hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí; thu hồi, tịch thu ấn phẩm báo chí; đình bản tạm thời và thu hồi giấy phép hoạt động báo chí (dự kiến ban hành vào đầu năm 2009); Thông tư hướng dẫn việc quản lý chất lượng tín hiệu đầu cuối truyền hình cáp tương tự.
Bốn, thực hiện tốt công tác định hướng thông tin cho báo chí, xuất bản để phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.
Năm, chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật và nghiệp vụ báo chí, xuất bản cho đội ngũ những người làm báo và xuất bản.
Sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm của các cơ quan báo chí, xuất bản; kịp thời khen thưởng những cơ quan báo chí có nhiều thành tích trong công tác thông tin tuyên truyền, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.
Đỗ Quý Doãn
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
(Theo Tạp chí Cộng sản điện tử)