Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 9/12/2008 18:0'(GMT+7)

Công tác ngoại giao góp phần quan trọng vào công cuộc hội nhập, phát triển kinh tế đất nước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trong dịp Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trong dịp Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009

Hoạt động ngoại giao đã thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế. Công tác ngoại giao phục vụ kinh tế được xem là nhiệm vụ chính của ngành ngoại giao từ năm 1985 và cho đến nay công tác này đang được triển khai hiệu quả hơn bao giờ hết.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cho rằng: Công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, vẫn còn một số việc, ngành Ngoại giao có thể làm tốt hơn. Đó là công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đường hướng chính sách phát triển kinh tế của các nước cũng như xu thế biến động của kinh tế toàn cầu. Tuy chúng ta đã có nhiều báo cáo được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, nhưng công việc này cần phải được đẩy mạnh và làm kịp thời, thường xuyên hơn, đặc biệt trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặt ra nhiều thách thức cần xử lý. Cần chú ý xây dựng mạng lưới quan hệ với các cơ quan nghiên cứu kinh tế tại Việt Nam, các tổ chức tư vấn uy tín nước ngoài và sử dụng chuyên gia trí thức Việt kiều để thu thập thông tin, dự báo.

Ngoài ra, việc hỗ trợ Bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương trong tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại đã có thể đạt được hiệu quả tốt hơn nữa nếu như có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan. Ngành Ngoại giao có lợi thế là có tai mắt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, nên có thể tham mưu cho các Bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương về các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại. Tuy nhiên, ngoài sự chủ động của các cán bộ tại các cơ quan đại diện, các doanh nghiệp, địa phương, Bộ, ngành cần chủ động đề xuất những ý tưởng hợp tác cụ thể để Bộ Ngoại giao giúp kết nối. Nếu có một cơ chế phối hợp tốt hơn giữa Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thì hiệu quả hoạt động ngoại giao kinh tế sẽ còn cao hơn nữa.

Trong bối cảnh hiện nay, khi quan hệ quốc tế của Việt Nam được mở rộng, quan hệ chính trị giữa Việt Nam với các nước ổn định, ngành ngoại giao Việt Nam có nhiều cơ hội để phát huy những lợi thế của ngành để đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ khẳng định, bối cảnh thuận lợi như vậy, người làm ngoại giao cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Ngoại giao Việt Nam dựa trên 3 trụ cột trong đó ngoại giao kinh tế là một trọng tâm. Tất cả các cơ quan đại diện thấm nhuần, quán triệt tư tưởng chỉ đạo đó để làm sao ngoại giao không chỉ giữ môi trường hòa bình ổn định để phát triển kinh tế mà còn phải thực sự đi tiên phong mở đường cho sự phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Trong năm qua, ngoại giao kinh tế cũng đạt được những bước tiến quan trọng tuy nhiên cũng cần phải nỗ lực hơn, mỗi cơ quan đại diện cần phải phân rõ trách nhiệm của mình để góp phần to lớn hơn nữa vào sự phát triển của đất nước.

Thực tế thời gian qua cho thấy, ngành ngoại giao Việt Nam đã giúp Việt Nam ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh tế, tạo thuận lợi thương mại đầu tư với chính phủ các nước, hợp tác tốt vơi các tổ chức kinh tế quốc tế như tổ chức thương mại thế giới, ngân hàng thế giới và quảng bá môi trường kinh doanh Việt Nam, về các doanh nghiệp Việt Nam tới các đối tác nước ngoài. Nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như các đoàn doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đầu tư kinh doanh.

Để làm tốt vai trò đó, cơ quan đại diện ngoại giao phải hiểu rõ địa bàn mà mình phụ trách. Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ tại Lê Công Phụng cho rằng:

Đại sứ quán, bản thân đại sứ phải đi càng nhiều càng tốt các bang ở nước Mỹ để vận động tuyên truyền, tổ chức hội thảo để quảng bá về môi trường đầu tư, hợp tác. Thứ hai phải nắm bắt chặt chẽ nhu cầu đầu tư trong nước, đầu tư ngành gì, lĩnh vực gì để chúng tôi đi sâu vận động. Thứ ba là hỗ trợ các doanh nghiệp sang làm ăn tại Mỹ, hợp tác ký kết thăm dò, sang làm ăn và thứ tư phải tuyên truyền đến tận nơi đến những người cần nghe những gì mình cần và những triển vọng tương lai phát triển của mình để họ thấy cần làm ăn với Việt Nam. Điều đáng mừng là đi khắp nước Mỹ ở đâu chúng tôi cũng thấy có phong trào xu hướng là đến Việt Nam, làm ăn với Việt Nam.

Cùng với các hoạt động mở đường của các cơ quan đại diện ngoại giao, vai trò của các cơ quan trong nước phối hợp tốt với ngành ngoại giao cũng rất quan trọng, đảm bảo thành công của công tác ngoại giao phục vụ kinh tế. Ngoại giao phục vụ kinh tế không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành ngoại giao mà của cả đất nước, của từng người dân. Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn tại Nhật Bản:

Vừa rồi có thể nói là sự kiện rất quan trọng. Chúng ta đã hoàn tất hiệp định đối tác kinh tế song phương. Có hiệp định đấy rồi thì chúng ta phải làm gì. Ví dụ như vấn đề nông sản, để vào được thị trường Nhật là một thị trường hết sức khó tính, chúng ta phải đảm bảo được về chất lượng, về kiểm dịch. Về vấn đề này thì các nhà khoa học và những người nông dân Việt Nam phải phấn đấu chứ không phải là cứ ký hiệp định xong là vào được. Thêm nữa là chúng ta phải giải quyết một số vấn đề mà phía Nhật cho là vướng mắc, thí dụ như hạ tầng cơ sở, có ODA rồi thì làm sao chúng ta phải giải ngân cho tốt, làm rõ sự minh bạch trong môi trường kinh doanh của chúng ta, và cả vấn đề cải cách hành chính.

Trong năm mới 2009, quan hệ đối ngoại của Việt Nam tiếp tục theo hướng tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi. Ngành ngoại giao Việt Nam sẽ có cơ hội thuận lợi hơn để đạt được những thành công to lớn hơn trong công tác phục vụ kinh tế.

Hùng Mạnh

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất