Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 5/12/2008 21:50'(GMT+7)

Khai mạc hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3

Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh; nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ khoan cũng đại diện các bộ, ban ngành.

Trong số 200 học giả quốc tế tham dự hội thảo, đông nhất là Nhật Bản (46 người), tiếp đến là Mỹ (29 người), Nga (15 người), Đức (11 người)…..

Trong diễn văn khai mạc hội thảo, GS.TS Đỗ Hoài Nam- Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nêu rõ: So với hai lần hội thảo trước, chủ đề của hội thảo lần này tập trung hơn, mang tính chất chuyên sâu hơn, nhưng vẫn bao quát được xu hướng phát triển chung. Chủ đề đó không chỉ nhấn mạnh đến những vấn đề của thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, mà còn thể hiện xu hướng tất yếu của thời đại toàn cầu hoá: xu hướng hội nhập để cùng phát triển.

Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu rõ: Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 với chủ đề Việt Nam - Hội nhập và phát triển hết sức có ý nghĩa, là dịp để đánh giá, nhìn nhận chân thực nhất những chuyển biến toàn diện và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực đời sống của Việt Nam sau 20 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, đặc biệt là từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Nhà nước Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của giới nghiên cứu Việt Namhọc trong nước và quốc tế. Trong hàng chục năm qua, hàng nghìn công trình nghiên cứu về Việt Nam đã thực sự góp phần nối những nhịp cầu học thuật, nhịp cầu trí thức, văn hóa và tình cảm giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới… Nhiều kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã giữ vai trò quan trọng, cung cấp luận cứ khoa học cho đảng và nhà nước Việt Nam trong quá trình hoạch định và thực thi các chiến lược và chính sách phát triển của Việt Nam, góp phần giải quyết các vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp trên tinh thần hợp tác hòa bình và hữu nghị… Kết quả nghiên cứu về Việt Nam của các học giả nước ngoài trong nhiều lĩnh vực đã góp phần làm cho chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới hiểu biết toàn diện , chính xác và sâu sắc hơn về đất nước và con người Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, bối cảnh hiện nay đã đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho chính phủ và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là sự biến đổi khí hậu toàn cầu và cuộc khủng hoảng kinh tế gay gắt đang đe dọa chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới. Vì vậy, các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài tham dự hội thảo lần này cần tăng cường hợp tác chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả hơn nữa trong việc tổ chức các nghiên cứu liên ngành, toàn diện, trên tinh thần khoa học nghiêm túc, cởi mở, thiết thực hướng vào việc giải quyết các vấn đề cơ bản và nóng bỏng đang đặt ra đối với sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Nếu như hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ hai có 10 tiểu ban, thì hội thảo lần thứ 3 này có tới 18 tiểu ban. Ngoài các tiểu ban có nội dung khái quát chung như Lịch sử, Văn hoá, Ngôn ngữ, Văn học, Kinh tế, Xã hội..., còn có một số nội dung mới, cụ thể hơn được đưa vào thảo luận như vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong truyền thống và hiện đại; vấn đề đô thị hoá, vấn đề tài nguyên và sử dụng tiết kiệm tài nguyên, vấn đề môi trường và phát triển bền vững.

Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 868 bản Tóm tắt báo cáo và hàng trăm Báo cáo toàn văn, trong đó có 160 báo cáo của các học giả nước ngoài thuộc 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, sự phong phú của nội dung các báo cáo thể hiện sự mong muốn của các nhà Việt Nam hoc trong nước và quố tế đối với sự phát triển của ngành Việt Nam học.

Không khí làm việc của các đại biểu tham gia hội thảo tại 18 tiểu ban buổi chiều 5/12 rất sôi nổi. Tham luận của các đại biểu tại các tiểu ban: Văn hoá Việt Nam, Giao lưu văn hoá, Xã hội Việt Nam. Ngôn ngữ và Tiếng Việt, Văn học và Nghệ thuật Việt Nam, Quan hệ quốc tế của VN với các nước và khu vực.... được nhiều đại biểu và giới báo chí quan tâm.

Hội thảo sẽ diễn ra đến hết ngày 7/12./.

Trường Thành
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất