Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 6/12/2008 21:23'(GMT+7)

Tạo thương hiệu quốc gia, xây dựng hình ảnh Việt Nam

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ đại diện các nhà VN học nước ngoài dự Hội thảo quốc tế VN học lần thứ 3 - Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ đại diện các nhà VN học nước ngoài dự Hội thảo quốc tế VN học lần thứ 3 - Ảnh: TTXVN

Bày tỏ niềm vui được gặp gỡ, chia sẻ quan điểm với những người bạn có tình cảm sâu đậm với VN, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Mong các nhà VN học đóng góp ý kiến chân thành, thẳng thắn với VN để giúp VN thấy hết được các mặt mạnh, mặt yếu. VN sẵn sàng tạo điều kiện để các nhà VN học phát huy nghiên cứu, giúp VN tự hiểu mình hơn, phát huy được tối đa sức mạnh nội lực”.

Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ghi nhận: “VN đang có nhiều thuận lợi và thách thức to lớn, do đó rất cần có các nghiên cứu chuyên sâu giúp Chính phủ VN có hoạch định chiến lược và chính sách một cách khoa học, chính xác, giải quyết các vấn đề cơ bản và nóng bỏng đang đặt ra đối với sự phát triển của VN trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế’’.

Nền kinh tế không thể cất cánh, nếu...

Hơn 700 nhà khoa học chia thành 18 tiểu ban, tập trung thảo luận nhiều vấn đề. Tại tiểu ban kinh tế, phát triển bền vững là chủ đề được các nhà nghiên cứu kinh tế tranh luận sôi nổi. Với tham luận mở đầu phiên họp tiểu ban, PGS.TS Trần Đình Thiên đưa ra quan điểm: những nước “đi sau” đều có thể rút ngắn khoảng cách, đi nhanh hơn nhờ vào những bước đột phá. Theo ông Thiên, với những thành tựu kinh tế mà VN đạt được trong những năm qua, có thể nghĩ đến cơ hội nền kinh tế VN cất cánh.

Thế nhưng, ông Thiên phân tích: “Chắc chắn nền kinh tế không thể cất cánh với một thị trường đất đai đóng băng kéo dài, một thị trường lao động vận hành yếu ớt và đầy bất trắc. Nền kinh tế cũng không thể cất cánh với nguồn nhân lực ngày càng bộc lộ rõ bất lợi dài hạn là kỹ năng kém và năng suất thấp, với bộ máy quản lý nhà nước mà năng lực bất cập, với môi trường kinh doanh bị phân biệt đối xử..., chưa kể hàng loạt điểm “thắt nút cổ chai” khác về những yếu kém liên quan đến hạ tầng cơ sở như điện, giao thông, đường sắt, sân bay, cảng biển...”.

Ngay sau đó, vấn đề phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế liên tiếp được các nhà nghiên cứu kinh tế đặt ra. PGS.TS Phan Huy Đường đến từ Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định: “Phát triển kinh tế phải đảm bảo tính bền vững”. Để được coi là phát triển kinh tế bền vững, theo ông Đường, cần phải đạt được các yêu cầu cơ bản: bảo đảm phát triển kinh tế nhanh và duy trì tốc độ ấy trong một thời gian dài, môi trường sinh thái được bảo vệ một cách tốt nhất, đời sống xã hội được đảm bảo hài hòa.

Lựa chọn giữa lợi nhuận và giảm thiểu ô nhiễm

Giáo sư Yutaka Matsuzawa:
 “Vấn đề cốt lõi nhất là ý thức về lựa chọn đúng giữa phát triển và bảo vệ môi trường” - Ảnh: Cù Záp
100 trận lũ quét và lũ bùn đá ở VN trong vòng hơn 50 năm (từ 1948-2007), 30 loại bệnh mới phát sinh, tốc độ đô thị hóa tăng từ 11% đầu những năm 1990 lên gần 40% trong năm 2007, cả nước hiện có tới 743 đô thị các loại, rác thải sinh hoạt ở đô thị đã đến mức không kiểm soát nổi... Đó là những con số không mấy vui vẻ mà các nhà khoa học ở hai tiểu ban “đô thị và đô thị hóa” và “tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững” nêu ra.

Ông Koos Neefies - chuyên gia của UNDP - cảnh báo: “VN là một trong các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, bao gồm sự dâng lên của mực nước biển và những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tố, mưa lớn, hạn hán và triều cường”. Trong khi đó, vấn đề môi trường ở VN, từ rừng, biển đến nguồn nước vẫn còn là những vấn đề quá mới mẻ.

Giáo sư Yutaka Matsuzawa - chuyên viên của JICA - khẳng định: “Vấn đề cốt lõi nhất vẫn là ý thức về môi trường và có đầy đủ thông tin lựa chọn đúng giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần có nhận thức đúng về trách nhiệm của mình với cộng đồng khi lựa chọn giữa lợi nhuận và việc giảm thiểu ô nhiễm”.

VN chưa khai thác tận dụng hết lợi thế

Thảo luận tại tiểu ban quan hệ quốc tế, trong tham luận của mình, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) đề cập vấn đề ngoại giao nhân dân là một yếu tố cần chú ý. Bà Thủy nói: “Trước đây VN chỉ có hoạt động ngoại giao Đảng, ngoại giao của Nhà nước nhưng hiện nay VN cần chú ý quan hệ quốc tế thông qua ngoại giao nhân dân, các nhà khoa học và chiến lược xây dựng hình ảnh quốc gia. Điểm yếu của VN chính là khả năng cạnh tranh, chưa khai thác tận dụng hết lợi thế của VN”.

Quan hệ hợp tác quốc tế VN đã được nâng lên, trong đó giáo dục đang nổi lên như một nhân tố của hoạt động ngoại giao. VN đã hợp tác đào tạo với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ thông qua các chương trình học bổng quốc tế VEF, Fulbright, học bổng của Chính phủ. Chính điều này đã mở ra quan hệ hợp tác thân thiết hơn với các quốc gia. Tiến sĩ Đào Minh Hồng (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho rằng cần nghiên cứu hiệu quả và ảnh hưởng của giáo dục, cải cách giáo dục trong mối quan hệ quốc tế.

Trong năm 2008, ngoại giao VN có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, trong hoạt động ngoại giao của VN còn nhiều vấn đề cần nhìn nhận và đánh giá khách quan. Hình ảnh VN vẫn chưa được thế giới biết đến một cách chính xác, trung thực và đúng đắn. Thông tin về VN ra thế giới còn rất hạn chế và sai lệch gây nên những hiểu lầm trong cộng đồng quốc tế. Chính vì thế, các nhà hoạch định chính sách của VN và các nhà ngoại giao cần có kế hoạch cụ thể trong việc xây dựng hình ảnh VN, tạo thương hiệu quốc gia.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 868 báo cáo khoa học, trong đó có 160 báo cáo của các học giả nước ngoài. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đức, Pháp... là những nước có nhiều học giả tham gia hội thảo nhất. Dự kiến khoảng 500 báo cáo sẽ được trình bày trong ba ngày của hội thảo tại 18 tiểu ban thuộc nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa nghệ thuật, kinh tế, xã hội, giáo dục, ngôn ngữ, quan hệ quốc tế...

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (giám đốc Viện Việt Nam học và khoa học phát triển), hội thảo lần này được mong đợi là cơ hội để các nhà khoa học trong và ngoài nước tập trung đánh giá về mức độ hội nhập của VN, các điều kiện để VN có thể hội nhập nhanh cũng như những cản trở và thách thức đối với VN trong quá trình hội nhập. Đồng thời đưa ra những dự báo tiến trình hội nhập và phát triển của VN trong khoảng một thập kỷ tới.

Tuoi Tre
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất