Thứ Tư, 8/5/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 8/11/2021 14:31'(GMT+7)

Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

TỶ LỆ PHÂN LUỒNG HỌC SINH SAU THCS CÓ CHIỀU HƯỚNG TĂNG

Qua báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của các tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho thấy, ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, trên cơ sở Hướng dẫn số 44-HD/BTGTW, ngày 9/4/2012 của Ban Tuyên giáo Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã kịp thời xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trực thuộc ban hành các văn bản cụ thể hóa Chỉ thị phù hợp đặc điểm, tình hình của từng địa bàn; tăng cường công tác phối hợp hành động, phát huy mọi nguồn lực của xã hội để thực hiện tốt mục tiêu và các nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, các tỉnh, thành phố đã chú trọng gắn với Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) được các địa phương từng bước quan tâm, khắc phục dần các khó khăn, bất cập, vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện.

Sau khi Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị được ban hành, các tỉnh ủy, thành ủy đã tập trung chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội, nhất là các bậc phụ huynh và bản thân các em học sinh về chủ trương, vai trò, hiệu quả của việc phân luồng học sinh sau THCS gắn với công tác hướng nghiệp một cách khá thường xuyên bằng nhiều hình thức như: Tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; tư vấn chọn nghề, tuyển sinh; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; cung cấp thông tin thị trường lao động cho học sinh tiếp cận; các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân, doanh nghiệp; đưa chương trình giáo dục hướng nghiệp vào giảng dạy và bố trí giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác hướng nghiệp tại các trường THCS… Đa số các trường THCS bố trí giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, bí thư đoàn trường kiêm nhiệm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh; có sự phối hợp giữa các cơ quan thông tấn, báo chí, các sở, ban, ngành có liên quan và các đoàn thể, nhất là vai trò chủ trì, chủ công của sở giáo dục - đào tạo, sở lao động - thương binh và xã hội, của tỉnh đoàn, thành đoàn trong công tác này.

Tùy điều kiện, đặc điểm tình hình ở mỗi địa phương, các tỉnh, thành phố đã từng bước sắp xếp, củng cố hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), hướng nghiệp, dạy nghề theo hướng tinh gọn, phù hợp; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Tỉnh Kon Tum thực hiện Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp” thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020. Từ năm 2018 đến năm 2020, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum được hỗ trợ 17.000 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ đào tạo 4 nghề trọng điểm cấp quốc gia.

Tại Đà Nẵng, hằng năm đều có phân bổ và đưa vào danh mục đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo GDTX; riêng năm học 2019-2020 đã có 3 công trình xây dựng được đưa vào sử dụng cho các TTGDTX…

Một số địa phương đã sáp nhập, hợp nhất các TTGXTX với trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, dạy nghề… (Quảng Bình, Khánh Hòa, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên…); hoặc sắp xếp, củng cố lại hoạt động của các TTGDTX các quận, huyện thành TTGDTX cấp thành phố (Đà Nẵng); sáp nhập các trường trung cấp vào trường cao đẳng theo lộ trình (Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định)…; triển khai quy hoạch mạng lưới trường nghề (Thừa Thiên Huế, Đắk Nông…).

Nhìn chung, sau khi sắp xếp, sáp nhập, đầu mối của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được thu gọn hơn, đảm bảo hợp lý về tổ chức bộ máy và ngành nghề đào tạo, khắc phục tình trạng dàn trải, thiếu hiệu quả. Đến nay, Quảng Bình có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Khánh Hoà có 11 trường trung cấp, 3 trung tâm GDTX-HN; Quảng Nam có 29 cơ sở GDNN; Đắk Nông có 19 cơ sở GDNN và đơn vị có chức năng đào tạo nghề; Đắk Lắk có TTGDTX cấp tỉnh và 15 trung tâm GDNN-GDTX ở huyện, thị xã, thành phố; Thừa Thiên Huế có 35 cơ sở hoạt động GDNN; Đà Nẵng có 03 TTDGTX cấp thành phố; Gia Lai có 17 cơ sở GDNN; Kon Tum có 7 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và 1 TTGDTX cấp tỉnh.

Trong những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành phố dần chú trọng việc xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ sở đào tạo, giữa cơ sở đào tạo với cơ sở thực hành và các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, nhất là trong công tuyển sinh, đào tạo cũng như sử dụng học viên sau khi tốt nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm sau học nghề. Các TTGDTX, trường nghề có kế hoạch và chủ động liên kết, phối hợp với nhau để mở các lớp phù hợp nhu cầu đa dạng của người học, đáp ứng yêu cầu bổ túc văn hóa THPT gắn với dạy nghề; công tác liên kết đào tạo, đào tạo liên thông, đào tạo từ xa ngày càng được quan tâm thực hiện ở nhiều địa phương.

Thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện chương trình đào tạo liên thông phù hợp với tình hình thực tế địa phương nhằm tạo sức hấp dẫn thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào học các cơ sở đào tạo nghề theo hướng liên thông: học nghề (có bổ túc văn hóa), học trung cấp chuyên nghiệp (hệ 3 năm có bổ túc văn hóa), học hệ phân luồng (vừa học bổ túc THPT, vừa học TCCN). Các TTGDTX có kế hoạch và chủ động liên kết, phối hợp với các trường nghề và cơ sở dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp cho đối tượng được TTGDTX chiêu sinh nhằm tăng tỷ lệ học sinh học nghề.

Tại Phú Yên, trường Cao đẳng nghề tỉnh vừa đào tạo nghề vừa dạy trình độ THPT để sau khi tốt nghiệp học sinh có thể học lên cấp học cao hơn.

Trong khi đó, các trường trung học và trung tâm GDNN-GDTX ở Đắk Lắk phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức dạy nghề cho học sinh; hằng năm có khoảng 3.000 học viên chương trình GDTX, 30.000-35.000 học viên được hướng nghiệp, học nghề phổ thông phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân và nhu cầu của thị trường lao động. Mô hình dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề tại các trung tâm GDNN-GDTX được triển khai, góp phần tích cực vào công tác phân luồng học sinh sau THCS theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.

Đối với Quảng Trị, việc triển khai thí điểm mô hình nhà trường gắn với sản xuất kinh doanh tại địa phương đã mở ra một phương thức giáo dục hướng nghiệp mới. Việc chọn học nghề phổ thông của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp khả năng, năng lực học tập của bản thân; phương thức dạy nghề phổ thông cũng được đổi mới theo hướng tăng cường hoạt động thực hành, thực tế.

Trung tâm GDTX tỉnh Gia Lai liên kết với các trường đại học, cao đẳng đào tạo nghề nghiệp, bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; một số trung tâm dạy nghề và GDTX thuộc tỉnh đã đa dạng các loại hình đào tạo, kết hợp với các trường TCCN, trung cấp nghề mở các lớp giáo dục thường xuyên cấp THPT, kết hợp với học nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp như các trung tâm của huyện Kban, Đak Đoa, Đức Cơ…

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW, cùng với những kết quả đạt được trong công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, xóa mù chữ cho người lớn thì tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS vào học tại các TTGDTX, trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp có chiều hướng tăng ở các tỉnh, thành phố; tuy nhiên con số đạt được cụ thể ở mỗi địa phương so với mục tiêu của Chỉ thị còn khiêm tốn “phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề”.

NHIỀU KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ CẦN SỚM KHẮC PHỤC

Có thể thấy, công tác phân luồng học sinh sau THCS là vấn đề khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng, đặc biệt là nhận thức của các bậc phụ huynh, học sinh và toàn xã hội. Thời gian qua, mặc dù đã có sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương trong công tác này, nhưng quá trình triển khai thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều hạn chế. Những khó khăn, hạn chế này tương đối phổ biến.

Trước hết, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên của một số đơn vị còn thiếu thốn, môi trường học tập phần nào còn kém hấp dẫn nên chưa thực sự thu hút học sinh vào học chương trình GDNN.

Thứ hai, công tác hướng nghiệp tại một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, thiếu thường xuyên, đồng bộ; nội dung, phương pháp còn đơn giản, chưa thích ứng kịp với sự phát triển và nhu cầu của xã hội nên thông tin về thị trường lao động đến học sinh còn ít.

Thứ ba, ở nhiều nơi, liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề và người sử dụng lao động còn thiếu sự gắn kết; chưa có chế tài đào tạo theo địa chỉ, đặt hàng của nhà nước hoặc doanh nghiệp nên chưa thu hút học sinh tham gia học nghề.

Thứ tư, chất lượng và hiệu quả GDNN còn thấp, một tỷ lệ không nhỏ học viên tốt nghiệp cơ sở GDNN chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp dẫn đến thất nghiệp, không tìm được việc làm, hoặc làm việc không đúng với ngành nghề và trình độ được đào tạo.

Thứ năm, mặc dù tỷ lệ phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học tại các TTGDTX, trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp tại các tỉnh, thành phố có chiều hướng tăng, song còn chậm so với yêu cầu, chưa đạt mục tiêu đề ra, đến nay một số nơi còn rất thấp, như: Phú Yên (2,6%), Kon Tum (4,95%), Quảng Bình (5,41%), Quảng Trị (5,78%), Bình Định (5,9%),...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Trong đó, đáng chú ý, cơ chế, chính sách về phân luồng học sinh sau THCS chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ từ trung ương đến cơ sở nên việc triển khai thực hiện có lúc, có việc còn lúng túng, bị động, thậm chí có nơi, có khâu còn vướng mắc. Tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn nhiều khó khăn nên nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và của xã hội để phát triển GDNN còn ít, chưa đi vào trọng tâm, đầu tư thiếu chiều sâu, dẫn đến chất lượng, hiệu quả chưa cao. Những bất cập về chính sách lao động, việc làm và chính sách tiền lương đối với người tốt nghiệp trình độ sơ và trung cấp cũng là một trở lực lớn trong việc thu hút học sinh vào học các cơ sở GDNN. Bên cạnh đó, thị trường việc làm cho những người học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố còn gặp khó khăn cả về quy mô lẫn tính hấp dẫn. Tâm lý “chạy theo bằng cấp” ở nước ta vẫn còn khá nặng nề, nhiều phụ huynh còn coi trọng cho con em mình tiếp tục học lên THPT hơn học nghề; tình trạng trọng bằng cấp trong tuyển dụng cũng gây khó khăn cho việc thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS.

Một số cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, thường xuyên đối với công tác giáo dục hướng nghiệp, tư vấn học tập và tư vấn nghề. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, đây là trách nhiệm chủ yếu của ngành giáo dục - đào tạo, trực tiếp là các trường THCS. Trong khi đó, phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại nhiều trường THCS thiếu phong phú và thiếu tính thực tiễn, dựa nhiều vào vai trò, trách nhiệm, tâm huyết của giáo viên phụ trách - vị trí kiêm nhiệm tại các trường học, nên hiệu quả rất thấp, có nơi còn bỏ ngỏ. Còn thiếu hệ thống thông tin về GDNN và định hướng phần luồng học sinh sau THCS và THPT; thiếu cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, trung tâm lao động và việc làm, về ngành nghề đào tạo và các cơ sở đào tạo, về chính sách đối với người học và chính sách ưu đãi trong GDNN, về cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng trung tâm lao động và nhu cầu nhân lực của trung tâm lao động .v.v...

Việc thiết kế các chương trình đào tạo liên thông (trong đó có liên thông dọc, liên thông ngang và liên thông chéo) chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là các chương trình đào tạo liên thông từ sơ cấp GDNN lên trung cấp, cao đẳng và đại học. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng không công nhận văn bằng của các cơ sở đào tạo khác khi xét tuyển sinh đào tạo liên thông gây cho người học không ít khó khăn. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể về việc dạy văn hóa THPT tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề nên các tỉnh, thành phố không có căn cứ để giao chỉ tiêu dạy văn hóa cho các cơ sở GDNN.

Phân luồng học sinh sau THCS là định hướng phân bổ tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động, tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân học sinh và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội.

CHỦ TRƯƠNG LỚN PHÙ HỢP XU THẾ THẾ GIỚI

Phải khẳng định rằng, phân luồng học sinh sau THCS là một chủ trương lớn, phù hợp bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục THPT và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngày một tăng cả về quy mô lẫn chất lượng. Từ thực tiễn triển khai thực hiện công tác này trong 10 năm qua tại các địa phương, để việc phân luồng học sinh sau THCS ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên giai đoạn tiếp theo đi vào thực chất, hiệu quả hơn, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, Bộ Chính trị xem xét nghiên cứu, ban hành văn bản chỉ đạo tổng thể, phù hợp đặc điểm tình hình mới của đất nước và điều kiện thực tiễn mỗi vùng miền đối với công tác phân luồng học sinh sau THCS. Trong đó, không giao chỉ tiêu về tỷ lệ tốt nghiệp THCS đi học giáo dục nghề nghiệp đồng đều giữa các địa phương, vùng miền mà chỉ khuyến khích nâng dần tỷ lệ này theo lộ trình từng năm gắn với giao quyền tự chủ cho từng tỉnh, thành phố xem xét, quyết định.

Phát huy hơn nữa vai trò của cả hệ thống chính trị, trước hết là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, phụ huynh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phân luồng học sinh sau THCS và nguồn nhân lực GDNN đối với phát triển kinh tế, xã hội, phát triển con người; tạo điều kiện tối đa để học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp sau tốt nghiệp THCS, THPT. Ngoài ra, cần đưa nhiệm vụ giáo dục, hướng nghiệp định hướng phân luồng vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, địa phương. 

Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”; chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan và các địa phương kịp thời bổ sung các cơ chế, chính sách, bảo đảm nguồn kinh phí triển khai thực hiện.

Trong đó, các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình, tài liệu, nội dung giảng dạy văn hóa THPT trong các trường nghề theo hướng gắn với nhu cầu thực tế, nội dung ngắn gọn, giảm lý thuyết, tăng thực hành. Đẩy mạnh các hình thức liên kết, phối hợp giữa các trường THCS, THPT với các cơ sở GDNN, các cơ sở sản xuất kinh doanh để tổ chức cho học sinh lớp 9, lớp 12 được trao đổi, tìm hiểu, tư vấn, giới thiệu các ngành nghề phù hợp với tình hình thực tế và nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương; quan tâm nội dung thiết kế các chương trình đào tạo liên thông thực chất, hiệu quả; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, xác định nguyên tắc đào tạo theo nhu cầu, đào tạo có địa chỉ; tiếp tục cụ thể hóa mô hình đào tạo nghề song hành với dạy văn hóa chương trình THPT. Có chính sách hỗ trợ kinh phí để các cơ sở đào tạo tổ chức dạy văn hóa gắn với dạy nghề, chú trọng giải quyết việc làm sau đào tạo.

Công tác phân luồng học sinh sau THCS còn gặp không ít hạn chế, khó khăn và trở ngại ở hầu hết các địa phương, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học giáo dục nghề nghiệp. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành cần tổng kết đánh giá cụ thể, nghiêm túc, qua đó nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét ban hành chủ trương mới phù hợp với bối cảnh, điều kiện tình hình hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau THCS trong những năm tới.

Thứ ba, tập trung nghiên cứu, tăng cường các chính sách quốc gia đối với người lao động có trình độ GDNN theo lộ trình phù hợp. Cần nghiên cứu, đổi mới các chế độ, chính sách về lao động, việc làm, chính sách lương và các chính sách khác đối với người lao động có trình độ GDNN để đảm bảo cuộc sống vật chất và tinh thần; có các chính sách tôn vinh, khuyến khích, đãi ngộ và động viên họ yên tâm gắn bó và cống hiến với nghề nghiệp. Nhà nước và các cơ quan, doanh nghiệp cần phải đổi mới chính sách tuyển dụng nhân lực, chuyển trọng tâm tuyển dụng dựa trên bằng cấp sang tuyển dụng dựa theo nhu cầu về vị trí việc làm, dựa vào năng lực thực tế của các ứng viên, góp phần quan trọng vào công tác phân luồng học sinh sau THCS trong thời gian đến.

Thứ tư, tổ chức các chương trình tập huấn, cấp chứng chỉ cho giáo viên phụ trách nhằm đảm bảm tiêu chuẩn giáo viên thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ./.

Lê Thanh Hùng

Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất