Thứ Sáu, 18/10/2024
Nhịp cầu Tuyên giáo
Thứ Tư, 15/9/2021 10:3'(GMT+7)

Công tác thông tin đối ngoại qua hoạt động của các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra từ ngày 16-17/1/2020 tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra từ ngày 16-17/1/2020 tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sáng lập ra nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại. Trong suốt 76 năm trưởng thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Đóng góp chung vào những những thành công của ngành Ngoại giao, có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài.

Theo quy định Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, các CQĐD của Việt Nam ở nước ngoài được phân làm ba nhóm, bao gồm: cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã có 94 CQĐD ở nước ngoài, rải khắp các châu lục(1).

Các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài luôn quán triệt nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác TTĐN theo Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020”, Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020”, Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế”, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”. Những định hướng và nhiệm vụ chính của công tác thông tin đối ngoại cũng được Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường công tác TTĐN, hội nhập quốc tế, tạo đồng thuận trong nước và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước”(2) nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác TTĐN của các CQĐD, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước tình hình mới, Bộ Ngoại giao đã xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác TTĐN của các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài tới năm 2020”, tiến hành ký kết các Thỏa thuận và Quy chế về việc phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và các ban, bộ, ngành về công tác TTĐN của các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài. Đây là cơ sở quan trọng, giúp cho việc định hướng và triển khai thông suốt các kế hoạch thông tin của các CQĐD, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa TTĐN với thông tin đối nội, góp phần đưa thông tin về Việt Nam ra thế giới một cách chính xác, kịp thời, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; đồng thời giúp cung cấp thông tin một cách có chọn lọc vào Việt Nam, phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, văn hóa của dân tộc. Các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài đã khắc phục những khó khăn, thách thức do tình hình mới đặt ra, có nhiều chủ động, đổi mới về nội dung, sáng tạo trong phương thức, cách thức tuyên truyền, quảng bá về Việt Nam; thể hiện trên một số nội dung chính như sau:

Một là, tích cực, chủ động triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác TTĐN của CQĐD Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020”, tạo chuyển biến tích cực đến công tác TTĐN của các CQĐD. Người đứng đầu CQĐD không những chỉ đạo sát sao việc thực hiện, triển khai công tác TTĐN mà còn trực tiếp làm công tác báo chí, truyền thông bằng rất nhiều hình thức phong phú như lồng ghép vào các hoạt động đối ngoại, đi thăm các địa phương, tham gia vào các hoạt động báo chí, trả lời phỏng vấn, viết bài, đăng bài trên các trang mạng xã hội, tiếp xúc cộng đồng... Hệ thống 94 CQĐD Việt Nam ở nước ngoài đã thực sự phát huy vai trò cầu nối trực tiếp tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, giúp chính giới, học giả, bạn bè quốc tế và nhân dân thế giới cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng, toàn diện; củng cố niềm tin vào chủ trương, chính sách đi đến ủng hộ Việt Nam.

Hai là, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong nước, chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, các hoạt động chính trị-đối ngoại, văn hóa quan trọng của đất nước nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, những giá trị Việt Nam ra thế giới. Các CQĐD đã tích cực tham gia triển khai các chương trình, kế hoạch lớn như Chiến lược Ngoại giao văn hóa, Đề án tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài; tuyên truyền về các chuyến thăm song phương của lãnh đạo cấp cao, tham dự các sự kiện đa phương như Năm APEC 2017, Năm ASEAN 2020; các hoạt động kỷ niệm song phương như năm chéo Việt-Nga, Nga-Việt; Việt-Pháp, Pháp-Việt. Việc tham gia triển khai các chương trình quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam, giao lưu nghệ thuật với các nước, các lễ hội Việt Nam ở nước ngoài, như tại Nhật Bản, Hàn Quốc thu hút hàng trăm nghìn lượng khách thăm quan hằng năm góp phần tích cực kết nối, truyền bá những nét văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam tới người bản địa và cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước sở tại. Đây cũng đang trở thành kênh thu hút đầu tư, du lịch tới Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) tại Hà Nội, ngày 30/6/2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) tại Hà Nội, ngày 30/6/2019.

Việc chủ động, tích cực gắn kết chặt chẽ giữa thông tin ở trong nước với thông tin ở ngoài nước đã góp phần hình thành mặt trận thông tin thống nhất, tạo sức mạnh củng cố sự đồng thuận trong nước, thu hút sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với Việt Nam.

Ba là, vận động cộng đồng người Việt Nam tham gia các hoạt động TTĐN, hướng về quê hương đất nước. Các CQĐD đã có nhiều đổi mới, sáng tạo mở rộng, gắn kết mạng lưới cộng đồng, với lực lượng nòng cốt là cộng đồng người Việt Nam, mạng lưới các Hội người Việt Nam, Hội Sinh viên, lưu học sinh… Qua đó, thúc đẩy kênh thông tin quan trọng này nhằm đưa hình ảnh Việt Nam gần gũi hơn, sinh động hơn với công chúng sở tại và bạn bè quốc tế. Kịp thời cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là những chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, tình hình phát triển đất nước, đặc biệt là các vấn đề được kiều bào quan tâm như vấn đề biên giới lãnh thổ, biển, đảo, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền,… đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; thúc đẩy, vận động, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí, phóng viên kiều bào và kiều bào đưa tin về tình hình đất nước, tham gia đưa tin về các sự kiện chính trị-đối ngoại trọng đại của đất nước, tham gia các đoàn thăm quân và dân Trường Sa, nhà giàn DK1.

Với những diễn biến phức tạp vừa qua của đại dịch COVID-19, các CQĐD đã phối hợp đẩy mạnh hiệu quả TTĐN, kịp thời cung cấp thông tin liên quan công tác chống dịch sở tại, chủ trương, quan điểm của Việt Nam cũng như công tác bảo hộ công dân, góp phần động viên, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vượt qua khó khăn, thách thức do đại dịch gây ra, củng cố tình cảm, sự gắn bó, hỗ trợ của kiều bào ta với quê hương, đất nước. Đến nay, Việt Nam đã thực hiện 543 chuyến bay, đưa khoảng 136.000 công dân về nước. Kiều bào ta ở nước ngoài đã hỗ trợ nhân dân trong nước hơn 50 tỷ đồng và nhiều vật phẩm y tế, trong đó đóng góp hơn 11 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19(3).

Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài được giao thực hiện những nhiệm vụ là thúc đẩy quan hệ chính trị-xã hội, quốc phòng-an ninh giữa Việt Nam và các quốc gia khác; phục vụ phát triển kinh tế đất nước thông qua việc nghiên cứu và cung cấp thông tin về chiến lược, chính sách pháp luật, xu hướng phát triển kinh tế của nước sở tại, xúc tiến, quảng bá thông tin về Việt Nam đến bạn bè quốc tế; thúc đẩy quan hệ văn hóa thông qua tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận; thực hiện nhiệm vụ lãnh sự; hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Bốn là, tăng cường huy động, khai thác các nguồn lực sẵn có tại địa bàn vào triển khai công tác TTĐN. Các CQĐD đã xây dựng mạng lưới, phát triển quan hệ, tận dụng sự kết nối với chính giới, các cơ quan chức năng sở tại, học giả, nhà nghiên cứu, giới doanh nhân, báo chí sở tại, các cơ quan báo chí thường trú của Việt Nam tại địa bàn, báo chí cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) ở sở tại viết, đăng bài về Việt Nam; lên tiếng ủng hộ Việt Nam qua các hoạt động, sự kiện nhằm tăng tính thuyết phục, lan tỏa, trực diện của thông tin với công chúng sở tại và bạn bè quốc tế. Các CQĐD cũng chủ động tổ chức nhiều triển lãm, hội nghị, hội thảo lồng ghép quảng bá Việt Nam; mở các phòng trưng bày ảnh, sản phẩm đặc trưng của Việt Nam; trình chiếu phim ảnh trên các phương tiện truyền thông sở tại; tổ chức các ngày văn hóa Việt Nam, liên hoan ẩm thực, mời các phóng viên nước ngoài nổi tiếng vào Việt Nam đưa tin (nhất là trong những dịp kỷ niệm, những sự kiện trọng đại, sự kiện đối ngoại lớn của đất nước), sản xuất phim ngắn, video clip, sách, sách ảnh, tờ rơi giới thiệu về Việt Nam. Kết quả quan trọng là đã hình thành được mạng lưới dư luận đoàn kết, ủng hộ Việt Nam.

Năm là, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến nhanh chóng, phức tạp, gây khó khăn đối với cuộc sống của người dân cũng như các hoạt động của doanh nghiệp, tác động xấu đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các CQĐD chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin, những kinh nghiệm về phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế của các nước. Trên cơ sở đó, góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những biện pháp phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Triển khai thực hiện chiến lược ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine, các CQĐD của Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực, chủ động, sáng tạo tìm kiếm, tiếp cận các đối tác, đặc biệt những nơi dư thừa vaccine, sản xuất được vaccine; vận động, thuyết phục thành công nhiều nước sở tại hỗ trợ vaccine, vật phẩm y tế cho Việt Nam. Nhiều quốc gia đã tặng, viện trợ cho nước ta hằng triệu liều vaccine phòng COVID-19, như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp, Italia, Australia, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Romania,… Nhiều nước, tổ chức quốc tế cũng như kiều bào ta đã hỗ trợ trang thiết bị y tế, như hàng triệu bộ xét nghiệm, khẩu trang các loại, máy tạo oxy, máy nén oxy, oxy hóa lỏng, máy thở và tủ lạnh bảo quản vaccine cùng nhiều thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra định hướng công tác đối ngoại giai đoạn 2021-2030 là: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”(4). Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, công tác TTĐN, nhất là công tác TTĐN ở nước ngoài cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

 Thứ nhất, phát huy hơn nữa vai trò là kênh thông tin chính thống, trực tiếp của Đảng và Nhà nước, vừa cung cấp, bảo đảm thế chủ động thông tin vừa tham mưu cho các cơ quan chức năng về nhu cầu nội dung, phương thức thông tin phù hợp với các đối tượng ở từng địa bàn khác nhau.

Thứ hai, không ngừng đổi mới về nội dung, sáng tạo, đa dạng hóa các phương thức, hình thức thông tin.

Thứ ba, tranh thủ hiệu quả sự phát triển của cách mạng khoa học-công nghệ, sự lan tỏa hiệu quả thông tin của các phương tiện truyền thông mới, các trang mạng, mạng xã hội; bảo đảm chuyển tải được thông tin, thông điệp của Việt Nam để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu đúng, đầy đủ tình hình, những thành tựu của Việt Nam đi đến ủng hộ Việt Nam tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Các CQĐD cũng cần nỗ lực hơn nữa, phát huy tính chủ động, sáng tạo để củng cố và phát triển các mối quan hệ của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế; lan tỏa hơn nữa hình ảnh một đất nước Việt Nam năng động, cởi mở, thân thiện, với ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ của các nước, của bạn bè và cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc./.

Nguyễn Văn Hay

Ban Tuyên giáo Trung ương

___

(1) Báo cáo kết quả công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới cắm mốc, quản lý biên giới của Bộ Ngoại giao năm 2020 và nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới cắm mốc, quản lý biên giới của Bộ Ngoại giao năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, tr.314.

(3) http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Tranh-thu-toi-da-co-hoi-tiep-can-vaccine-nhanh-nhat-nhieu-nhat-va-som-nhat/442884.vgp.

(4) https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-575315.html.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất