(TG)-Sự phát triển của mạng xã hội vừa là thách thức và cũng là cơ hội đối với công tác thông tin đối ngoại.
Nắm bắt và tận dụng được ưu thế của mạng xã hội sẽ góp phần nâng cao
chất lượng và hiệu quả của hoạt động thông tin đối ngoại trong tình hình
mới. Đồng thời, hiểu rõ vai trò của mạng xã hội trong truyền thông hiện
đại có ý nghĩa nhiều mặt trong việc hình thành lối tư duy mới và có
những điều chỉnh phù hợp với sự tiến bộ của thời đại.
Ngày 25-10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo công
tác thông tin đối ngoại Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Công
tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh ứng dụng mạng xã hội ở Việt Nam
hiện nay”. Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương,
Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại chủ
trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hoàng Ngọc Hà, Phó trưởng ban
chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại cho biết, ngày
nay, cụm từ "mạng xã hội" được nhắc tới thường xuyên trong đời sống xã
hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với sự phát triển mạnh
mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự mở rộng không ngừng kết nối
Internet và Internet không dây (WiFi), sự phổ biến của các thiết bị di
động thông minh đã tạo tiền đề cho "mạng xã hội" bùng nổ trở thành một
hiện tượng toàn cầu.
Theo thống kê, trên thế giới hiện nay có 3,17 tỷ người sử dụng mạng
Internet thì có 2,3 tỷ người sử dụng mạng xã hội, chiếm tới hơn 70%.
"Mạng xã hội" đang trở thành một kênh thông tin, một cách thức giao tiếp
mới trong xã hội hiện đại, nơi mà mọi người, mọi thông tin đều được phổ
biến, chia sẻ, tương tác, cập nhật mà không bị giới hạn về mặt không
gian hay thời gian với mức chi phí thấp.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Hiện nay tại Việt Nam có khoảng
hơn 30 triệu người sử dụng Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất trên thế
giới. Trong vòng 5 năm trở lại đây, chúng ta chứng kiến sự ra đời và
lớn mạnh của một loạt các trang mạng xã hội của Việt Nam. Nhóm người sử
dụng nhiều nhất là nhóm người trẻ với độ tuổi từ 18 –49. Tốc độ gia tăng
người sử dụng mạng xã hội ở nước ta thuộc hạng cao trong khu vực - hiện
xếp thứ 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh đó, việc đánh giá đúng vai trò và ảnh hưởng của mạng xã
hội đối với hoạt động tuyên truyền, mà cụ thể, đối với công tác thông
tin đối ngoại là một trong những vấn đề quan trọng, đáng quan tâm.
Các tham luận tại Hội thảo đều nhất trí: Sự phát triển của mạng xã hội vừa là thách thức và cũng là cơ hội. Nắm
bắt và tận dụng được ưu thế của mạng xã hội sẽ góp phần nâng cao chất
lượng và hiệu quả của hoạt động thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Đồng thời, hiểu rõ vai trò của mạng xã hội trong truyền thông hiện đại
có ý nghĩa nhiều mặt trong việc hình thành lối tư duy mới và có những
điều chỉnh phù hợp với sự tiến bộ của thời đại.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phạm Văn Linh khẳng định thông tin
đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền và tư
tưởng của Đảng và Nhà nước ta. Trong thời gian qua, nhất là sau khi Bộ
Chính trị khóa XI ban hành “Chiến lược phát triển TTĐN giai đoạn
2011-2020", công tác TTĐN đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận,
góp phần tạo môi trường, điều kiện trong nước và quốc tế thuận lợi để
giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ và phát triển đất nước.
Hiện nay, công tác thông tin đối ngoại đang có nhiều cơ hội thuận lợi,
đồng thời đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình khu vực và
thế giới đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nhiều vấn đề
mới, khó dự báo. Tình hình trong nước cũng có những cả thuận lợi và khó
khăn đan xen. Các thế lực xấu đang quyết liệt đẩy mạnh các hoạt động
tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, trong đó đặc biệt
chú trọng sử dụng mạng xã hội. Trên thực tế, chúng ta đang gặp không
ít khó khăn, thách thức trong quá trình tổ chức, quản lý,
điều hành thông tin do tác động mặt trái của mạng xã hội. Thông tin
trên các trang mạng xã hội, blog cá nhân mang tính cá nhân có nguồn gốc
không đáng tin cậy, việc kiểm chứng sự chính xác không đơn giản, trong
khi tốc độ phát tán lại rất nhanh chóng, tiếp cận đông đảo người đọc, vì
vậy có thể gây tác động tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam. Ngoài ra,
sự đa dạng, cập nhật liên tục của thông tin trên mạng xã hội đang cũng
khiến số lượng độc giả của các tờ báo truyền thống suy giảm nhanh chóng,
ảnh hưởng đến ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước
ta.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định là, mạng xã hội không chỉ là thách thức
mà còn là cơ hội cho các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại.
Thông tin trên mạng xã hội tạo thêm nhiều kênh thông tin đối ngoại,
quảng bá hình ảnh Việt Nam. Phương thức chuyển tải thông tin mới
phong phú, đa dạng và hiệu quả tiếp cận nhiều đối tượng công chúng,
phạm vi lan tỏa rộng lớn, khả năng truyền tải thông tin gần như tức
thời, có thể thay đổi chiều hướng dư luận với một tốc độ nhanh chóng và
quy mô không giới hạn. Ngoài ra, thông tin, tư liệu cá nhân phong phú
trên mạng xã hội cũng là nguồn tham khảo cho báo chí trong nước về những
vấn đề, sự kiện được xã hội quan tâm. Mạng xã hội còn giúp quảng bá
rộng rãi thông tin từ báo chí chính thống.
Chúng ta phải nhận thức rõ ràng một thực tế là việc sử dụng các trang
mạng xã hội, báo chí, các loại hình thông tin khác trên Internet là một
xu thế không thể phủ nhận. Cùng với xu thế phát triển của mạng xã hội
trên thế giới, tại Việt Nam, các mạng xã hội cũng phát triển nhanh chóng
về số lượng và thu hút ngày càng đông đảo người sử dụng. Chúng ta không
ngăn cấm mạng Internet, không ngăn cấm mạng xã hội. Vấn đề đặt ra là
chúng ta nhận thức thế nào về vai trò của mạng xã hội, về những cơ hội
và thách thức trong việc ứng dụng mạng xã hội vào công tác thông tin đối
ngoại và cần có những giải pháp như thế nào để phát huy ưu thế và hạn
chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội trong tình hình cụ thể của
Việt Nam.
Theo đồng chí Phạm Văn Linh, Hội thảo khoa học về "Công tác thông tin
đối ngoại trong bối cảnh ứng dụng mạng xã hội ở Việt Nam" hôm nay là
bước khởi đầu cần thiết trong việc phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo,
quản lý và nghiên cứu nhằm xác định rõ vai trò của mạng xã hội trong đời
sống chính trị, xã hội hiện nay, trong công tác thông tin tuyên truyền
nói chung và công tác đối ngoại nói riêng.
Trong thời gian tới, đồng chí Phạm Văn Linh đề nghị cần tiếp tục nghiên
cứu làm rõ thêm những đặc điểm của mạng xã hội ở Việt Nam, trên cơ sở đó
đề ra những nhóm giải pháp nhằm phát huy ưu thế và hạn chế những tác
động tiêu cực của mạng xã hội để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng,
hiệu quả hoạt động, hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại trong
tình hình mới theo tinh thần Kết luận 16 của Bộ Chính trị khóa XI về
“Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020".
Thu Hằng