Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách, rèn luyện phẩm chất đạo đức và nâng cao trình độ, nhận thức đã có nhiều đổi mới và được các cấp Hội chú trọng trên tất cả các mặt. Các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, lòng nhân ái, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên và mang lại hiệu quả cao. Ngày càng xuất hiện nhiều phụ nữ tiêu biểu không chỉ vì sự phát triển của bản thân, gia đình, mà còn quan tâm đến lợi ích cộng đồng. Các cấp Hội đã quan tâm kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; hàng năm, có trên 95% cán bộ, hội viên, 72% phụ nữ được tiếp cận thông tin tuyên truyền từ các cấp Hội. Các mô hình, tổ, CLB phụ nữ cam kết “Gia đình không có người thân phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”, “Gia đình không bạo lực”, “Phòng chống ma tuý, tệ nạn xã hội từ gia đình”... được các cấp Hội phát huy hiệu quả.
Các hoạt động hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và hoạt động giảm nghèo bền vững của địa phương. Đặc biệt, phong trào “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững” nhằm phát huy nội lực, tinh thần “Tương thân tương ái” của phụ nữ là một trong những nội dung được Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai thực hiện nhiệm kỳ 2012 – 2017 (gọi tắt là “Tiết kiệm 5.000 tỷ”) đã từng bước phát huy hiệu quả; đến nay, đã thu hút 233.139 thành viên, số tiền tiết kiệm 369,838 tỷ đồng, giúp 248.761 lượt phụ nữ nghèo, khó khăn. Chủ động phối hợp ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông cho 25.121 lượt phụ nữ về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng hiệu quả sử dụng vốn vay; giúp đỡ 73.494 lượt hộ nghèo do nữ làm chủ, trong đó có 9.711 hộ thoát nghèo (đạt 13,21%).
Toàn Tỉnh có 153 tổ liên kết, tổ hợp tác ở các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, may mặc do Hội quản lý. Nhiều tổ trưởng đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn dẫn dắt các thành viên tiếp cận sản phẩm và thị trường mới để nắm nhu cầu, tìm đầu ra bền vững, góp phần rất lớn trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh, tạo thêm việc làm cho 20.396 lao động nữ. Song song đó, các cấp Hội đã vận động được 977 lao động nữ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Việc tham gia xây dựng, phản biện và giám sát luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ đã được các cấp Hội triển khai thực hiện nghiêm túc và mang lại hiệu quả thiết thực. Các cấp Hội đã lựa chọn vấn đề ưu tiên để giám sát, tập trung ở một số lĩnh vực: hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, công tác cán bộ nữ, chính sách an sinh xã hội... Qua giám sát, đã phát hiện, đề xuất kiến nghị cơ quan chức năng những vấn đề còn hạn chế, mới nảy sinh trong quá trình thực thi chính sách pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết phù hợp. Song song đó, các cấp Hội đã tích cực giới thiệu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp xem xét quy hoạch, đề bạt cán bộ nữ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý và tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV là 05 chị và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 35 chị; giới thiệu 2.504 cán bộ, hội viên ưu tú cho Đảng xem xét, có 1.122 chị được kết nạp (đạt 44,81%), đã góp phần làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ.
Hoạt động hòa giải, tư vấn pháp luật, giải quyết đơn thư của phụ nữ được các cấp Hội chú trọng và thực hiện có hiệu quả, tổng số vụ tiếp nhận là 11.848 vụ, hòa giải thành 7.923 vụ; từ đó, giảm đáng kể tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người, hàn gắn tình cảm cho nhiều cặp vợ chồng và tình làng, nghĩa xóm.
Công tác xây dựng, phát triển tổ chức Hội ngày càng được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, thu hút các tầng lớp phụ nữ vào tổ chức Hội, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ tham gia vào các quyết định của Đảng, Nhà nước, của Hội; thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện đối với các hoạt động của Đảng, Nhà nước, đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới. Đến nay, toàn tỉnh có 239 mô hình, thu hút 6,6 nghìn thành viên tham gia, nâng tỷ lệ hội viên toàn tỉnh lên 76,22%, tăng 0,96% so với đầu nhiệm kỳ. Chất lượng cơ sở Hội ngày càng được nâng lên, tỷ lệ đạt vững mạnh 87%. Có 8.695 cán bộ Hội giỏi các cấp được công nhận, đạt 65%.
Công tác đối ngoại nhân dân, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về các chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, tình hình chính trị quốc tế, cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP, tham gia cộng đồng ASEAN… luôn được phối hợp thực hiện thường xuyên. Duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Hội Phụ nữ Vì Hòa bình và Phát triển tỉnh Prâyveng – (Vương quốc Campuchia) thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, ẩm thực, nghề truyền thống, các hoạt động phòng, chống mua bán người, thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình, dự án do các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, nữ kiều bào... tài trợ trên địa bàn Tỉnh thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp.
Tuy nhiên, các hoạt động phong trào và những đóng góp của Phụ nữ trên các lĩnh vực trong thời gian qua còn những hạn chế, đó là:
Nhiều nơi, hoạt động của Hội còn tách rời, chưa gắn kết với chủ trương, nghị quyết của Đảng; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với khắc phục biểu hiện hành chính trong hoạt động của các cấp Hội còn chậm. Từng lúc, từng nơi chưa nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ. Việc chăm lo cho hội viên, phụ nữ chưa được gắn kết chặt chẽ với công tác tuyên truyền giáo dục, nặng tính bao biện, nghĩ thay, làm thay, dẫn đến tâm lý trông chờ, ỷ lại và phụ thuộc.
Việc triển khai thực hiện phong trào thi đua có lúc, có nơi mang tính hình thức, nặng thành tích. Công tác khen thưởng chưa kịp thời, đối tượng khen thưởng chưa được mở rộng. Công tác giám sát thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, phản biện xã hội còn lúng túng. Các cấp Hội tuy tham gia nhiều hoạt động với cơ quan chức năng góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến phụ nữ và gia đình nhưng kết quả chưa cao.
Mô hình hoạt động của các cấp Hội nhiều nhưng thiếu bền vững, nhiều mô hình hiệu quả thấp nhưng chậm đổi mới, một số mô hình hay chậm nhân rộng. Việc phối hợp tổ chức các hoạt động trong nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nữ thanh niên, doanh nghiệp, trí thức chưa nhiều. Nhiều cơ sở Hội chưa quan tâm việc phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến.
Tích cực phát huy hiệu quả các hoạt động và phong trào của Hội Liên hiệp phụ nữ trong thời gian tới, đòi hỏi các cấp Hội phụ nữ trong Tỉnh cần phải thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, chủ động cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình công tác, định hướng trọng tâm của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Hội LHPN Việt Nam để tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Hội cấp trên và các cấp uỷ; sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể; sự đồng tình ủng hộ của hội viên, phụ nữ, doanh nghiệp là nhân tố quyết định thành công cho công tác phụ nữ và sự phát triển của tổ chức Hội.
Thứ hai, để làm tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, các cấp Hội phải đổi mới tư duy trong nhận thức, tạo sự đồng thuận cao và không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; coi trọng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; chủ động tham mưu đề xuất và làm tốt công tác vận động thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội gương mẫu, đoàn kết, có trình độ, năng lực, gắn bó mật thiết với phụ nữ và Nhân dân.
Thứ ba, nội dung các phong trào thi đua phải thực chất, kết hợp hài hòa giữa lợi ích với trách nhiệm của cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy phong trào hành động cách mạng trong các tầng lớp phụ nữ. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo nguyên tắc công khai dân chủ, thống nhất trong đánh giá, tạo động lực phấn đấu, phát triển các phong trào Hội. Coi trọng công tác bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến.
Thứ tư, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội phải bám sát quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ của Đảng, chính quyền, phục vụ tích cực nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội trong từng thời kỳ; phải được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội coi trọng và thực hiện thường xuyên./.
Minh Phú
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp