Nhằm đảm bảo cho mùa lễ hội năm 2019 diễn ra an toàn, văn minh, Bộ VHTT&DL tổng kết, đánh giá kết quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019.
Chiều 18/1, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019.
Nhiều chuyển biến tích cực
Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ GD&ĐT) Ninh Thị Thu Hương cho biết năm 2018, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trong không khí trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội; tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành phát triển đất nước và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; hội Phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn; lễ hội Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn năm đầu tiên thay đổi hình thức cướp lộc, không xuất hiện cảnh tranh giành cướp giò hoa tre.
Nhiều lễ hội dân gian có quy mô lớn như lễ hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội Phủ Dày (Nam Định), lễ hội bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh)... được đầu tư tổ chức công phu, kết hợp hài hòa giữa yếu tố thiêng của lễ và không khí tưng bừng của phần hội với các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống và hiện đại.
Đặc biệt, nhiều lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được quan tâm khôi phục và tổ chức như lễ hội Lồng Tồng (dân tộc Tày, Nùng), lễ hội Cầu mùa (dân tộc Khơ Mú); lễ hội Gầu Tào dân tộc H’Mông; lễ hội Hoa Ban dân tộc Thái; lễ hội mừng lúa mới... Năm 2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh 17 lễ hội vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (trong đó có 3 lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số).
Hình ảnh xấu vẫn còn
Theo Bộ VHTT&DL, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 còn một số hạn chế, như vẫn còn xảy ra những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội: Lễ hội Làm chay tại đình Tân Xuân, Linh Phước tự, chùa Ông và chợ Tầm Vu (Châu Thành, Long An), lễ hội Đúc Bụt tại thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), hội làng Sơn Đồng (lễ hội Giằng Bông), xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội); hội Phết Hiền Quan xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ)...
Đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn. Vẫn còn hiện tượng khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích.
Tại hội nghị, bà Ninh Thị Thu Hương đã điểm lại một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính như: Lãnh đạo và công chức Kho bạc nhà nước thành phố Nam Định, lãnh đạo và công chức Điện lực Bình Lục (Hà Nam) đi lễ Đền Trần (Nam Định); Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đi lễ ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh).
Bên cạnh đó, hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Sóc, Chùa Hương (thành phố Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) ...
Một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa được xử lý kịp thời...
Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước
Chuẩn bị bước vào mùa lễ hội năm 2019, Bộ VHTT&DL yêu cầu ngành văn hóa các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, nhận diện đúng giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh. Bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Quản lý chặt chẽ việc thông báo và đăng ký tổ chức lễ hội trên địa bàn. Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội. Tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.
Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Kiên quyết không cho phép tổ chức lễ hội có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam
Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành trong việc quản lý và tổ chức lễ hội. Định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội. Vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội./.
Theo chinhphu.vn