Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 17/1/2019 14:24'(GMT+7)

Ra mắt ‘Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75' phiên bản tiếng Lào

Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” – Phiên bản tiếng Lào.

Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” – Phiên bản tiếng Lào.

“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” phục dựng trung thực sự thật lịch sử diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) bằng chính những tài liệu nguyên bản tuyệt mật của phía bên kia (phía chính quyền Sài Gòn và phía Hoa Kỳ) được nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh hoàn thành sau gần bốn thập kỷ, kể từ giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập mà ông  may mắn được chứng kiến, viết bài tường thuật đầu tiên và nảy sinh ý định xây dựng tác phẩm này. 

Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật thẩm định, xuất bản năm 2014, và ngay trong năm 2014 tác phẩm đã giành được Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2015 tác phẩm  giành được Giải thưởng Văn học ASEAN. Trước sự chào đón của bạn đọc, trong 3 năm đầu kể từ khi ra mắt (2014-2017) tác phẩm được tái bản 4 lần. 

Tháng 4/2017 “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” - Phiên bản tiếng Anh ra mắt bạn đọc trong nước và thế giới. Và trong dịp mừng Xuân Kỷ Hợi 2019, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” - Phiên bản tiếng Lào do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật tổ chức dịch thuật và ấn hành đã được chọn vào danh mục sách chính trị quan trọng Đảng Cộng sản Việt Nam trao tặng Đảng và Nhà nước Lào.

“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” - Phiên bản tiếng Lào dày 756 trang, bìa cứng, trình bày, in ấn đẹp và sang trọng. Dịch giả Trần Tường Khanh, chuyên gia tiếng Lào từng 30 năm làm Biên tập viên tiếng Lào cho tờ Báo Ảnh Đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam đảm nhận phần dịch thuật. Bà từng làm phiên dịch tiếng Lào tại nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, tham gia dịch thuật nhiều công trình cấp Quốc gia như: Dự án biên dịch tuyển tập kinh điển Marx-Engels-Lenin và Hồ Chí Minh (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh); Dự án biên dịch lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt  Nam (Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam); Dự án biên soạn từ điển Việt Lào, Lào-Việt (Bộ GD&ĐT).

Sau khi công việc dịch thuật và hiệu đính được hoàn tất, Ban sách Quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật đã tiến hành thẩm định đối chiếu kỹ lưỡng giữa bản dịch tiếng Lào và bản gốc tiếng Việt (bản in mới nhất vào tháng 9/2017). Hoàn thành công tác đối chiếu, biên tập, Ban sách Quốc tế, Nhà xuất bản đã trao đổi với dịch giả để hoàn thiện nội dung bản dịch, đảm bảo độ chính xác và thống nhất về thông tin giữa hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Lào. Sau đó bản dịch được chuyển tới Nhà Xuất bản và Phát hành sách Quốc gia Lào cùng Hội đồng thẩm định bản thảo sách dịch sang tiếng Lào của  nước bạn Lào hiệu đính thêm một lần nữa rồi mới in ấn chính thức.

Đọc và dịch “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975” sang tiếng Lào, dịch giả Trần Tường Khanh xúc động cho biết: “Tôi đã đọc “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975” chí ít cũng hai lần trước khi dịch. Thoạt đầu tôi cũng chỉ muốn lướt qua rồi vừa đọc, vừa dịch. Nhưng tác phẩm của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã cuốn hút tôi. Đọc xong tôi phải suy nghĩ rất nhiều là dịch theo cách nào. Là người đã dịch nhiều năm tiếng Lào về các lĩnh vực chính trị, văn hóa. xã hội nên việc chuyển ngữ với tôi không phải là vấn đề lớn nhất. Tác phẩm của  Trần Mai Hạnh viết về những vấn đề quân sự, chính trị, xã hội trong cuộc chiến không chỉ bằng ngôn ngữ sử thi mà đậm chất văn học.  

Dưới thể loại tiểu thuyết tư liệu lịch sử, ông đã vẽ ra bức tranh toàn cảnh sinh động về cái kết của một cuộc chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nên đối với tôi để chuyển tải không chỉ những giá trị lịch sử mà còn cả phẩm chất văn chương của tác phẩm này, quả là không hề dễ dàng gì, cộng cả tình yêu và trách nhiệm của tôi đối với tác phẩm này. Cách hành văn ngăn gọn, tốc độ, hành động và hình ảnh của tác giả, vừa theo sát diễn biến của cuộc chiến, vừa lột tả tâm trạng phức tạp của nhiều tướng lĩnh, sĩ quan quân đội Sài Gòn, hiện thực đấy mà sâu thẳm trừu tượng nên cũng không hề dễ. Bởi việc lựa chọn từ ngữ rất công phu, phải tham khảo, đối chiếu, tra cứu, rồi trao đi đổi lại trực tiếp với các bạn Lào rất nhiều sao cho phù hợp với cách tư duy, cách hiểu, cách diễn tả của người Lào. Đó là chưa kể các cập bậc trong quân đội giữa các bên bạn và ta không đồng nhất (tương đương) cũng mất nhiều thời gian.

Điều làm tôi hứng thú chuyển ngữ chính là sự cuốn hút của tác phẩm. Với hình thức thể hiện độc đáo, chưa bao giờ cuộc chiến được phơi bầy một cách rõ ràng và day dứt đến thế về số phận của những người lính trong tâm khảm của mỗi con người. Cảm hứng này đã giúp tôi rất nhiều để vượt qua rào cản khó khăn của ngôn ngữ, những hạn chế của chính mình. Đây là một tác phẩm văn học dài hơi đầu tiên chuyển thể từ tiếng Việt sang tiếng Lào, chắc chắn sẽ còn nhiều điều chưa thỏa mãn, nhưng mong muốn rằng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” – Phiên bản tiếng Lào là món quà có ý nghĩa đầu xuân mới Kỷ Hợi 2019 mà tác giả Trần Mai Hạnh gửi tới các bạn Lào thông qua bản dịch của tôi”.
     
Phát biểu tại Lễ nhận Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam cũng như tại Lễ nhận Giải thưởng Văn học ASEAN2015 và Lễ ra mắt “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” – Phiên bản tiếng Anh, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã bày tỏ: “Với việc thẩm định và xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật - cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước đã cấp giấy khai sinh cho “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đi vào cuộc sống với số phận của nó”. 

Chính những sự kiện lịch sử của đất nước đã chắp cánh cho “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, đúng như đánh giá của Hội đồng Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam khi quyết định trao Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm này: "Cuốn Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 có thể nói là đặc sắc hơn cả…Tác phẩm đậm chất phóng sự khách quan và cũng đầy phẩm chất văn học độc đáo này, chỉ tái hiện chân trời sụp đổ của một chế độ nhưng lại giúp người đọc hình dung đầy đủ hơn cái giá và tầm vóc của chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, đồng thời gợi lên suy ngẫm phong phú về những điều ta quen gọi là "những bài học lịch sử". Thêm nữa, tác phẩm này mang lại một gợi ý sáng giá cho dòng văn học viết về chiến tranh của chúng ta đương đại, gợi ý về sự dầy công nghiên cứu và sử dụng tư liệu, khai thác khối di sản khổng lồ của một thời đại cách mạng "vô tiền khoáng hậu" đã làm nên kỷ nguyên của nước Việt Nam hiện đại ngày nay". /.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất