Thứ Năm, 10/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 29/7/2008 16:56'(GMT+7)

Công tác tôn giáo trong đồng bào Chăm ở Bắc Bình

Lễ "Mở cửa tháp" của người Chăm

Lễ "Mở cửa tháp" của người Chăm

Đồng bào Chăm ở trong huyện cư trú chủ yếu ở 3 xã: Phan Hoà, Phan Hiệp, Phan Thanh với hai tôn giáo truyền thống là đạo Bàlamôn và Hồi giáo Bàni. Trong lịch sử, người Chăm và người Kinh đã đoàn kết chung lưng đấu cật, giúp đỡ nhau mở đất dựng làng, xây dựng cuộc sống. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, việc các tôn giáo “ngoại lai” thâm nhập vào cộng đồng người Chăm ở Bắc Bình đã gây nên những xáo trộn và sự chia rẽ đoàn kết nội bộ trong nhân dân. Điều này khiến chính quyền địa phương và đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền không thể thờ ơ, phải nhanh chóng đặt ra những kế hoạch, giải pháp tuyền truyền, thuyết phục hợp tình hợp lý, có hiệu quả.

Tín ngưỡng của người Chăm rất coi trọng phần "hồn" với quan niệm rằng những người còn sống phải có bổn phận lo toan chu đáo các nghi thức, tập tục (được truyền lại từ xưa) thông qua các vị chức sắc tôn giáo để "hồn" người chết sớm được hoà nhập cùng tổ tiên. Vì thế người Chăm về cơ bản luôn coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và các hiện tượng ngoài tự nhiên.

Đối với cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn, người sau khi chết sẽ được làm lễ hoả táng. Lễ hội được tổ chức có quy mô và trọng thể hằng năm của đồng bào Chăm Bàlamôn là lễ Băng Katê và Băng Chabul. Lễ Băng Katê tổ chức vào ngày 1 tháng 7 (Chăm lịch), lễ Băng Chabul diễn ra ngày 16 tháng 9 (Chăm lịch), những lễ hội này được tổ chức để tưởng nhớ, cầu an cho tổ tiên và người thân đã qua đời.

Người Chăm Hồi giáo thì lại thực hiện việc chôn cất người qua đời. Họ quan niệm việc chôn cất càng sớm càng tốt, để "hồn" người chết mau về với tổ tiên. Sau khi chôn xong, sẽ tổ chức làm tuần cho người chết. Vào dịp này, nhà có tang đến mộ làm lễ rẩy nước phép và lạy ông bà. Các lễ này được tổ chức long trọng và rất tốn kém.

Chính những nghi thức tế lễ tốn kém và phức tạp của cộng đồng người Chăm ở Bắc Bình hiện nay là "điều kiện" để các thế lực phản động, thù địch bên ngoài lợi dụng xúi giục, lôi kéo người Chăm theo đạo Bàni (xã Phan Hoà) bỏ đạo truyền thống để theo tôn giáo mới là đạo "Hồi giáo Islam". Những thế lực này còn thông qua con đưòng du học, lôi kéo các sinh viên Chăm học tại các trường đại học làm hồ sơ xin đi xuất cảnh du học với điều kiện là phải bỏ đạo Bàni truyền thống của mình để gia nhập đạo mới không phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời của cha ông. Đã có những gia đình, cá nhân vì lợi ích kinh tế trước mắt mà nghe theo sự lôi kéo này (mặc dù qua khảo sát một số hộ cũng không hiểu gì về "Hồi giáo Islam"). Tình hình trên gây tâm lý lo lắng cho một bộ phận nhân dân, tạo ra sự "chia rẽ nội bộ" trong đồng bào Chăm xã Phan Hoà.

Trước diễn biến phức tạp trên, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã có sự chỉ đạo kịp thời, thành lập các tổ công tác chuyên trách và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai các hoạt động gắn với thực tiễn và tình hình cụ thể (vận động tuyên truyền, tổ chức đối thoại…) nhằm ổn định tư tưởng-xã hội ở địa bàn.

Qua một thời gian tìm hiểu, vận động, giải thích của các tổ công tác, các ngành và tổ chức đoàn thể, cùng với sự "vào cuộc" của các chức sắc tôn giáo ở địa phương, đại đa số các gia đình trong xã Phan Hoà đều đã nhận ra và hiểu được chủ trương, mục địch, nội dung của việc cần phải giữ gìn tín ngưỡng truyền thống của mình. Nhiều gia đình xin cho con đi du học theo con đường tài trợ (chịu sự tác động của tổ chức "Hồi giáo Islam quốc tế") đã nhận thức ra việc bỏ đạo truyền thống là nguyên nhân gây phân hoá trong cộng đồng đã  từng có chung tập quán, tín ngưỡng...

Nhờ sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể và từ nhận thức của nhiều bà con, đến nay tình hình phát triển "Hồi giáo Islam" tại xã Phan Hoà đã có  phần lắng dịu và chững lại.

Chính những chỉ đạo khẩn trương, kịp thời của Đảng bộ huyện cùng với sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương với các cơ quan chức năng đã đã đem lại hiệu quả thiết thực, ngăn chặn âm mưu lôi kéo, xúi giục, gây mất đoàn kết của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tôn giáo trong cộng đồng Chăm hiện nay, nhằm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Huyện uỷ Bắc Bình tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển dân sinh kinh tế của đồng bào; thường xuyên giải thích và tuyên truyền để đồng bào thực hiện các nghi lễ tôn giáo đơn giản hơn phù hợp với tinh thần Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị (khoá VIII) “Về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; thuyết phục các gia đình trở lại tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình. Những việc làm này được đại đa số người dân địa phương đồng tình ủng hộ, đây chính là điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, vận động, góp phần quan trọng vào ổn định tình hình an ninh chính trị trong cộng đồng người Chăm huyện Bắc Bình./.

Đỗ Thu Bình - Ban Tuyên giáo Huyện Uỷ Bắc Bình

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất