"Các trường hợp CSGT mặc thường phục không được phép xử lý người vi phạm mà chỉ giúp nâng cao khả năng phát hiện về vi phạm về trật tự, an toàn giao thông".
Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C26), Bộ Công an khẳng định như vậy với báo chí hôm qua (2/6) xung quanh Thông tư 27/2009/ TT- BCA, của Bộ Công an về quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ (CSGT).
Theo Cục trưởng C26, tại khoản 2, mục IV của thông tư 27, CSGT được phép hóa trang (mặc thường phục) khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, việc hóa trang được thực hiện hạn chế tùy theo từng trường hợp cụ thể và phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu, quy định của ngành.
Theo đó, CSGT chỉ được mặc thường phục trong 2 trường hợp sau:
Thứ nhất, khi cần bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. “Trường hợp này cần phải có phương án, kế hoạch được trưởng phòng CSGT hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên phê duyệt” - ông Nghị nhấn mạnh.
Thứ hai, nhằm phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm hoặc khi tình hình an ninh trật tự hoặc an toàn giao thông phức tạp. Trong trường hợp này, việc hóa trang phải theo phương án, kế hoạch đã được C26 hoặc giám đốc công an tỉnh phê duyệt.
“Chỉ có Tổ tuần tra, kiểm soát mới được sử dụng hình thức công khai kết hợp với hóa trang. Các trường hợp CSGT mặc thường phục không được phép xử lý người vi phạm mà chỉ giúp nâng cao khả năng phát hiện về vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. Do vậy sẽ loại trừ các kẻ hở để tội phạm lợi dụng. Ngoài ra còn phù hợp với quy định pháp luật, chỉ có lực lương chức năng công khai mới được quyền xử lý vi phạm” ông Nghị khẳng định.
(Theo VTCnews)