Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 2/5/2013 22:13'(GMT+7)

Cú hích mới cho quan hệ Nhật-Nga

Thủ tướng Shinzo Abe duyệt đội danh dự trong chuyến thăm Nga (ảnh: Reuters)

Thủ tướng Shinzo Abe duyệt đội danh dự trong chuyến thăm Nga (ảnh: Reuters)

Vào đầu tuần này, Thủ tướng Shinzo Abe trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên tới thăm Nga trong vòng 10 năm qua. Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, chuyến thăm này của Thủ tướng Abe đã tạo ra “cú hích” cho mối quan hệ Nhật-Nga, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, “cú hích” này vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra bước đột phá mới cho mối quan hệ giữa hai nước.

Sưởi ấm quan hệ với Nga

Trong cuộc hội đàm ở Moscow hôm 29/4, Thủ tướng Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác kinh tế Nhật-Nga. Nhật Bản đã bày tỏ hy vọng tiếp cận được các nguồn năng lượng của Nga với mức giá rẻ hơn trong bối cảnh nước này đang chật vật đối phó với tình trạng thiếu hụt điện sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán về vấn đề tranh chấp lãnh thổ Nhật-Nga. Tuyên bố chung phát hành sau cuộc gặp thượng đỉnh này có đoạn: "Các nhà lãnh đạo sẽ chỉ thị cho bộ ngoại giao nước mình đẩy nhanh các cuộc thương lượng nhằm tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên liên quan tới vấn đề ký kết hiệp ước hòa bình".

Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo chung sau hội đàm với Tổng thống Putin ở điện Kremlin, Thủ tướng Abe nói rằng thỏa thuận trên là một "kết quả vĩ đại". 

Theo đánh giá của giới chuyên gia Nga, các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe là khá tích cực bởi vì, các vấn đề kinh tế đã chiếm ưu thế so với vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Hai bên đã ký một số thỏa thuận về kinh tế và quan trọng hơn, các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí tìm kiếm các điểm tương đồng về các vấn đề đang tồn tại và cam kết đàm phán nhằm ký kết hiệp ước hòa bình.

Chuyên gia Seigei Louzyanin, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định Moscow và Tokyo có những kỳ vọng khác nhau đối với chuyến thăm của Thủ tướng Abe bởi vì, hai nước có các mục tiêu khác nhau. Ông nói: "Với Nga, các kết quả đạt được là khá tích cực bởi vì, Moscow thực sự đã "ép" được Thủ tướng Abe hạn chế đề cập tới những vấn đề liên quan tới tranh chấp lãnh thổ và thay vào đó, nhấn mạnh đến hợp tác kinh tế sâu rộng hơn, coi đây là một nền tảng của quan hệ song phương".

Trong khi đó, nguyên Đại sứ Nga tại Tokyo Alexander Panov cho rằng không thể coi chuyến thăm của Thủ tướng Abe là một thất bại đối với Tokyo mặc dù không đạt được bước đột phá nào trong giải quyết xung đột lãnh thổ. Hai bên đã ký kết được rất nhiều thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nông nghiệp đến sản xuất ô tô, đóng tàu và cung cấp khí tự nhiên.

Những trở ngại khó vượt

Trong quá khứ, nhiều thế hệ lãnh đạo ở Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn mở rộng quan hệ với Nga – nước láng giềng giàu tài nguyên và có nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Tuy nhiên, mối quan hệ Nhật-Nga vẫn chưa thể phát triển đúng như kỳ vọng do tranh chấp 4 hòn đảo nhỏ nằm ở phía Bắc Nhật Bản mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, trong khi Moscow gọi là quần đảo Nam Kuril. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hai nước vẫn chưa ký được hiệp định hòa bình để chính thức chấm dứt Thế chiến thứ 2.

Thủ tướng Abe, người mới nhậm chức hồi tháng 12/2012, đã xác định việc thúc đẩy quan hệ với Moscow là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Tokyo. Ngay sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Abe đã có nhiều nỗ lực để thực hiện mục tiêu đó. Hồi tháng 2/2013, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori – một đồng minh thân cận của ông Abe – đã tới thăm Nga và chuyển thông điệp của Thủ tướng Abe tới Tổng thống Putin.

Để gỡ bỏ rào cản lớn nhất trong quan hệ Nhật-Nga, hồi tháng 2/2013, Thủ tướng Abe đã khẳng định ông muốn tìm "một giải pháp có thể chấp nhận được đối với cả hai bên" để giải quyết cuộc tranh cãi này.

Tuy nhiên, cũng như những người tiền nhiệm trước đó, ông Abe vẫn chưa thể tạo ra bước đột phá nào trong việc giải quyết vấn đề gai góc này cho dù so với những người tiền nhiệm, ông Abe dường như có thái độ hòa giải hơn.

Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chủ yếu là do Tokyo tuyên bố các hòn đảo tranh chấp với Nga là “một phần lãnh thổ không thể tách rời” của Nhật Bản và khăng khăng đòi Moscow phải trao trả cả 4 đảo này. Phát biểu trong cuộc họp báo gần đây, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã tái khẳng định quan điểm của Chính phủ Nhật Bản là tìm cách đòi lại cả 4 đảo. Ông Suga tuyên bố các cuộc thương lượng với Nga sẽ bắt đầu trên cơ sở quan điểm rằng tất cả các đảo này sẽ được trao trả cho Nhật Bản.

Trong khi đó, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ chấp thuận yêu sách trên của Nhật Bản. Theo hãng tin Kyodo, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Abe, Tổng thống Putin nói rằng trước đây, Nga đã từng giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước khác như Trung Quốc và Nauy theo phương án chia đều phần diện tích tranh chấp. Mặc dù ông Putin không khẳng định rằng đây là phương án mà Moscow đề xuất để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản nhưng theo các chuyên gia phân tích, các phát biểu này của ông Putin có thể được hiểu là cách tiếp cận tiềm tàng mà Tổng thống Putin có thể đưa ra để giải quyết vấn đề hóc búa này.

Trước đó, phương án này chia đều tổng diện tích các đảo tranh chấp đã từng được đề cập dưới thời chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso trong giai đoạn 2008-2009 nhưng không đạt kết quả như mong muốn.       

Mặc dù không đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga nhưng theo các chuyên gia phân tích cho rằng dù sao Thủ tướng Abe cũng không rời Moscow với hai bàn tay trắng bởi vì, ông đã đạt được đồng thuận với Tổng thống Putin về việc đẩy nhanh các cuộc đàm phán về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Theo chuyên gia Louzyanin, mặc dù Tổng thống Putin nói rằng vấn đề này không thể giải quyết ngay lập tức nhưng rõ ràng đối với Thủ tướng Abe, điều đó vẫn tốt hơn là ông Putin không nói gì. Chuyên gia Louzyanin nói: "Thủ tướng Abe chưa giải quyết được vấn đề tranh chấp lãnh thổ song đã thiết lập được quan hệ cá nhân với Tổng thống Putin, điều khiến ông tin chắc rằng trong tương lai (có thể là tương lai xa), vấn đề tranh chấp lãnh thổ sẽ được giải quyết bằng cách này hay cách khác"./.

Theo VOV


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất