Cuộc “ly hôn” giữa EU và Anh này không chỉ là kết quả của 4 tháng vận động quyết liệt của phe ủng hộ Brexit mà còn là hậu quả của hơn 4 thập kỷ âm ỉ của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu. Ngay từ năm 1973, khi Anh mới gia nhập Cộng đồng Kinh tế chung châu Âu, tiền thân của EU hiện nay, các nhà vận động đã phát động phong trào rút khỏi châu Âu dẫn đến cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1975. Vấn đề này cũng đã ám ảnh nhiều đời thủ tướng Anh, từ Giôn Mây-giơ (John Major), đến Tô-ni Ble (Tony Blair)... và giờ đây là Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron).

 
Cựu thị trưởng London Boris Johnson, ủng hộ rời khỏi EU, cùng vợ tại một điểm bỏ phiếu ở bắc London. Ảnh: Reuters 

 

Lần đầu tiên xuất hiện năm 2012, Brexit đã trở thành một phong trào chính trị chính thống, rầm rộ lôi kéo nước Anh vào một vòng xoáy lớn. Lý do khiến cử tri Anh ủng hộ Brexit chính là nỗi bất an của người dân trước làn sóng người tị nạn càng gia tăng cùng với sức ép ngày càng lớn từ thị trường lao động và dịch vụ công. Nhiều cử tri Anh cho rằng, họ phải gánh trách nhiệm quá lớn của chính phủ, do Anh được coi là có vai trò quan trọng trong EU và phải đóng góp những khoản tiền lớn vào ngân sách của châu Âu. Thậm chí, những người ủng hộ Anh ở lại EU cũng phải thừa nhận rằng, Anh chỉ có thể hùng mạnh, an toàn và thịnh vượng hơn trong một EU đã được cải cách.

Lựa chọn “ra đi”, cử tri Anh đặt niềm tin vào một nước Anh “độc lập” trước những quyết định của EU. Anh có thể giữ lại phần đóng góp ngân sách ròng của mình cho liên minh này với số tiền khoảng 10 tỷ bảng (gần 15 tỷ USD), tương đương 0,5% GDP. Anh cũng có thể bãi bỏ một loạt quy tắc của EU áp đặt đối với Luân Đôn, đồng thời có thể giành quyền kiểm soát về vấn đề nhập cư, điều mà trước đây Anh không hề có khi còn nằm trong EU…

Tuy nhiên, "canh bạc" này cũng đặt nước Anh vào sự mạo hiểm khi tác động của Brexit ảnh hưởng rõ rệt đến sự ổn định chính trị, kinh tế của cả xứ sở Sương mù. Những người Xcốt-len ủng hộ EU có thể tìm cách ly khai khỏi Anh để gia nhập liên minh này. Đây chính là điều mà Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mơ-rôn lo lắng nhất. 

Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 đã phơi bày một nước Anh có quá nhiều chia rẽ, khác biệt về thế hệ, khi giới trẻ ủng hộ mạnh mẽ việc ở lại châu Âu trong khi tầng lớp trung niên và người già từ 55 tuổi trở lên lại muốn nước Anh ra khỏi EU. Nó còn là sự chia rẽ giữa các đảng phái chính trị, giới truyền thông và giới doanh nghiệp. Cuối cùng, Brexit là canh bạc mà Thủ tướng Đa-vít Ca-mê-rôn phải chịu quá nhiều thiệt hại. Ý tưởng về một cuộc trưng cầu dân ý về Brexit được chính ông Đa-vít Ca-mê-rôn đưa ra năm 2013 nhằm giải quyết bất đồng trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng như biến thành lá phiếu thu hút cử tri trong cuộc bầu cử năm 2015. Nhưng rồi, chính ông Đa-vít Ca-mê-rôn lại bị “đứt tay” khi chơi “con dao” Brexit đó.

Không chỉ làm chấn động cả nước Anh, kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 còn gây sốc cho cả châu Âu. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đô-nan Tu-xcơ (Donald Tusk) đã gọi đây là một “thời khắc lịch sử” trong gần 60 năm hình thành và phát triển của EU. EU tôn trọng quyết định của cử tri Anh và trong thời gian tới, EU sẽ cần phải nhanh chóng tiến hành cải tổ khi chỉ còn 27 thành viên.

Nhiều nước khác cũng đang gặp phải thách thức như nước Anh khi "đoàn tàu tốc hành" mang tên toàn cầu hóa đang buộc các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau trong tiến trình phát triển. Vì lẽ đó, ước vọng được tự do hành động, không cần “nhìn trước, ngó sau”, như lựa chọn của ai đó là điều hoàn toàn có thể thấu hiểu. Thế nhưng, thực tế cũng đã nhiều lần chỉ ra rằng, nước nào càng đóng cửa, càng hờ hững hội nhập với thế giới thì càng khó thịnh vượng trong khi an ninh quốc gia càng dễ bị đe dọa.  

Những năm tới sẽ là khoảng thời gian khó khăn của cả Anh và châu Âu. Rời khỏi EU cũng đòi hỏi những thủ tục phức tạp không kém gì khi gia nhập liên minh này. Và quan trọng hơn là sự xuất hiện của một loạt câu hỏi hóc búa: Liệu Brexit có làm suy giảm lòng tin của giới đầu tư, có tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu? Việc Anh nói lời chia tay sẽ ảnh hưởng thế nào đến các thành viên khác, liệu có xảy ra hiệu ứng đô-mi-nô khiến EU “tan đàn xẻ nghé”? Cú sốc Brexit sẽ tác động ra sao đến các mô hình hợp tác khu vực khác?

Không ai thấy trước được tất cả các hậu quả của Brexit, song có thể tin tưởng được rằng, với vai trò là một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đầy trách nhiệm, nước Anh vẫn sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào việc giải quyết những vấn đề "nóng" của khu vực và thế giới.