Những nhượng bộ chưa từng có tiền lệ mà Liên minh châu Âu (EU) dành cho
Anh, trong đó có việc trao cho London quy chế đặc biệt nhằm thuyết phục
cử tri Anh nói "có" trong cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh có nên tiếp
tục là một thành viên của "ngôi nhà chung" hay không, cho thấy EU đang
cần Anh hơn bao giờ hết.
Thiệt hại về kinh tế, sụt giảm ngân sách, hạn chế trong việc mở rộng quy
mô cũng như ảnh hưởng uy tín trên trường quốc tế là những nguy cơ mà EU
sẽ phải đối mặt nếu đa số người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi liên
minh này vào ngày 23/6 tới. Hơn nữa, việc Anh ra đi có thể là một đòn
mạnh khiến EU lún sâu hơn vào tình trạng khó khăn hiện nay khi mà những
bất đồng giữa các nước thành viên luôn âm ỉ và sẵn sàng bùng phát bất cứ
lúc nào.
Vốn là một liên minh kinh tế-chính trị lớn nhất hành tinh với 28 thành
viên, song EU dường như đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong bối cảnh
cùng lúc phải đối phó với một loạt vấn đề nhức nhối như khủng hoảng nợ
công, di cư và mối đe dọa an ninh. Những trục trặc liên tục xảy ra là
dấu hiệu cảnh báo bộ máy EU đang bị "lỗi hệ thống," mà việc một mắt xích
quan trọng như Anh rời đi có thể khiến toàn bộ cỗ máy ngừng hoạt động.
Các nhà phân tích cho rằng EU có quá nhiều rủi ro nếu để Anh - nền kinh
tế đứng thứ hai liên minh, thứ năm thế giới, ra đi vì sự có mặt của
London sẽ đảm bảo duy trì một thị trường thống nhất và sự cạnh tranh của
châu Âu.
Nếu kịch bản Brexit xảy ra, các nước thành viên EU như Bỉ, Ireland, Hà
Lan, Đức, Pháp và các nước ngoài EU là những bạn hàng chính của nước
Anh, sẽ bị thiệt hại rất lớn. Cán cân thương mại của Đức với Anh có thể
giảm gần 7 tỷ euro/năm, trong khi thiệt hại đối với các doanh nghiệp
Pháp vào khoảng 3 tỷ euro/năm. Nếu Anh tách khỏi mái nhà chung EU, liên
minh này có nguy cơ tan rã chứ không phải là một châu Âu hội nhập như EU
đang theo đuổi.
Có ý kiến cho rằng nếu thuyết phục được Anh ở lại, EU sẽ có thêm hơn 8
tỷ bảng/năm tiền phí thành viên của Anh, chỉ sau Đức và Pháp, cho ngân
sách của cả 28 quốc gia thành viên - nguồn tiền chủ yếu được sử dụng để
trợ cấp các khu vực nghèo đói và hỗ trợ nông dân EU.
Trong khi đó, nếu EU để mất Anh - thành viên chủ chốt trong Nhóm 7 nước
công nghiệp hàng đầu (G7) và Nhóm các nước phát triển và đang nổi (G20),
một trong năm ủy viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo
an Liên hợp quốc, sẽ là một đòn giáng mạnh vào uy tín cũng như vị thế
trên trường quốc tế của EU. Để bảo vệ sự toàn vẹn và tiếng nói của mình,
EU buộc phải nhượng bộ những đòi hỏi của Anh.
Phe ủng hộ Anh ở lại EU, đứng đầu là Thủ tướng Anh David Cameron đã
tranh thủ quy chế đặc biệt đạt được với EU hồi tháng Hai vừa qua để tổ
chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh sớm hơn dự kiến
thay vì năm 2017 như cam kết ban đầu.
Ủng hộ và tin tưởng rằng Vương quốc Anh sẽ mạnh hơn, an toàn hơn và
thịnh vượng hơn trong một EU được cải cách, người đứng đầu chính phủ Bảo
thủ Anh khẳng định sẽ vận động người dân Anh bỏ phiếu ở lại liên minh
với cả “trái tim và tinh thần."
Trong khi đó, những người không còn mặn mà với ngôi nhà chung EU cho
rằng sự “hy sinh” của EU là "rất nhỏ," thậm chí không liên quan gì tới
những vấn đề mà phần lớn người dân Anh đang gặp phải.
Thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn cho rằng thỏa thuận giữa Anh và EU
không thúc đẩy việc làm cho người lao động, bảo vệ ngành sản xuất thép,
hoặc chấm dứt tình trạng trả lương thấp ở Anh.
Với những lập luận như bị cản trở bởi những chính sách cứng nhắc của EU,
nguy cơ bị tấn công khủng bố tăng cao, mai một bản sắc văn hóa riêng
biệt và lâu đời của một đế chế đảo quốc, phe ủng hộ Brexit, trong đó có
cựu Thị trưởng London Boris Johnson - người được cho là nhiều khả năng
sẽ kế nhiệm ông Cameron, và Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove, tin rằng
Xứ sở Sương mù sẽ tự do hơn và tự chủ hơn nếu ra khỏi EU.
Trên phạm vi toàn cầu, Brexit được dự báo sẽ gây ra những hậu quả nghiêm
trọng đe dọa nền kinh tế thế giới, bởi việc Anh rời khỏi EU sẽ đảo
ngược xu hướng đầu tư và thương mại toàn cầu, từ đó sẽ tạo nguy cơ
nghiêm trọng hơn đối với tăng trưởng.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Brexit có thể tạo ra "làn sóng tấn công"
nhằm vào toàn bộ nền kinh tế thế giới, và khi ấy, không chỉ Anh, EU mà
cả các nền kinh tế châu Á, Mỹ,... cũng chịu tác động.
Trong bối cảnh đa số các thị trường tài chính vẫn tin rằng người Anh sẽ
bỏ phiếu ở lại (theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây), tác động từ một
kết quả “có” với Brexit có thể sẽ rất lớn. Đồng bảng Anh cũng như giá cổ
phiếu gần như chắc chắn sẽ giảm đáng kể, cổ phiếu ngân hàng và các tập
đoàn đa quốc gia sẽ mất giá nhiều nhất. Thậm chí, Brexit còn được ví như
vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, vụ việc từng châm ngòi
cho cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ và sau đó lan rộng ra toàn cầu năm
2008. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude
Juncker từng gọi Brexit là "thảm họa."
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng nếu ở lại liên minh sau ngày 23/6,
Anh sẽ lại có những “yêu sách” đối với EU và nước Anh sẽ lại vài lần tổ
chức trưng cầu ý dân. Bởi vậy, việc EU “hy sinh” lợi ích để giữ Anh có
thể gây tiền lệ xấu trong liên minh, khiến các quốc gia khác cũng có thể
đòi hỏi “quy chế đặc biệt” giống như Anh, nguy cơ làm cho EU không còn
là một cộng đồng kinh tế và thị trường chung hùng mạnh.
Nguy hiểm hơn là nếu Brexit xảy ra có thể gây hiệu ứng “domino” trong EU
vì Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka từng tuyên bố rằng nếu Anh rời khỏi
EU, Séc cũng sẽ tổ chức thảo luận về vấn đề ra khỏi khối này.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng cảnh báo nguy cơ tan rã EU nếu Brexit xảy ra và điều đó sẽ gây chấn động thế giới.
Rõ ràng, EU đang trong thế "tiến thoái lưỡng nan” và người dân Anh đang
đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Chắc chắn, nếu kịch bản Brexit xảy ra,
không chỉ nước Anh, EU mà nền kinh tế thế giới cũng sẽ phải đối mặt với
những hệ quả khó lường./.
Trần Quyên (TTXVN)