Sáng 7/11, qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam, cử tri và nhân dân cả nước được theo dõi trực tiếp phiên thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
* Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân
Để giảm khiếu nại tố cáo, pháp luật cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân - Luật sư Phùng Quang Huy (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Luật sư Huy cho rằng, đất đai là lĩnh vực liên quan đến quyền cơ bản của công dân. Việc thi hành pháp luật đất đai không nghiêm hoặc áp dụng pháp luật sai là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng gia tăng khiếu kiện trong lĩnh vực này. Đây cũng là lĩnh vực có nhiều hành vi tham nhũng bởi lợi ích trực tiếp và lâu dài mà đất đai mang lại.
Tuy vậy, trên thực tế, từ việc áp dụng sai pháp luật, dẫn đến ra quyết định hành chính sai, làm gia tăng KNTC nhưng trách nhiệm của người ra văn bản hành chính sai, thực thi văn bản sai rất chậm được khắc phục, xử lý và thiếu minh bạch trong phân định trách nhiệm.
Viện dẫn vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Luật sư Phùng Quang Huy đề nghị, cần phải đặt vấn đề để kiểm điểm trách nhiệm và công khai trước nhân dân để người dân hiểu rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của họ liên quan đến đất đai trước sau vẫn luôn được pháp luật bảo vệ và cấp quản lý nào sai sẽ phải chịu trách nhiệm.
Cũng theo Luật sư, nếu công tác hòa giải trong các tranh chấp đất đai được thực hiện tốt tại các cấp cơ sở sẽ góp phần quan trọng giảm các khiếu kiện. Vấn đề này cần được quy định cụ thể trong Luật Đất đai sửa đổi lần này. Trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của người dân, hình thức chính quyền đối thoại trực tiếp với người dân có đất bị thu hồi cần được thực hiện rộng rãi nhằm giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cụ thể, phổ biến chính sách của Nhà nước và các văn bản pháp luật về đất đai cho người dân - Luật sư Huy đề nghị.
* Giải quyết hợp lý bài toán phân chia lợi ích sẽ giảm khiếu nại, tố cáo
Là người thực thi các chính sách pháp luật về đất đai, ông Nguyễn Minh Dũng, cán bộ địa chính phường Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: Tình hình KNTC liên quan đất đai ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề rất nghiêm trọng, chủ yếu nảy sinh từ sự không minh bạch, không công bằng lợi ích giữa các bên. Đây là một trong những điểm mấu chốt cần sớm được xem xét, sửa đổi trong Luật Đất đai và các văn bản pháp luật liên quan khác nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân.
Từ thực tế triển khai tại địa phương, ông Dũng khẳng định: Hầu hết các điểm “nóng” về đất đai nảy sinh ở khâu thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nhiều vụ việc đã làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư, gây bức xúc cho cả người sử dụng đất, nhà đầu tư và chính quyền cơ sở. Trong đó, bất cập lớn nhất hiện nay là cách định giá đất. Theo quy định của Luật Đất đai 2003, việc đền bù đất phải sát với giá thị trường nhưng đến nay chưa có một đơn vị tư vấn nào đăng ký và được cấp phép dịch vụ tư vấn xác định giá đất; chưa có văn bản cụ thể nào hướng dẫn quy trình, cách thức xác định giá đất sát giá thị trường là như thế nào. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các KNTC khi người dân cho rằng giá đền bù mà họ được nhận thấp hơn nhiều giá thị trường.
Theo ông Dũng, với hai cơ chế thu hồi đất hiện nay, đó là nhà nước đứng ra thu hồi và doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân cũng dẫn tới những KNTC gây khó cho việc quản lý đất đai. Nếu duy trì cơ chế để người dân tự thỏa thuận với nhà đầu tư sẽ có tình trạng một dự án bồi thường được hơn 90%, chỉ còn 1-2 hộ không hợp tác dẫn đến dự án không thể triển khai. Những dự án Nhà nước thu hồi áp giá thấp hơn nhiều so với dự án mà chủ đầu tư thỏa thuận, do vậy, không nhận được sự đồng tình của người dân. Hơn nữa, các quy định, chính sách thường xuyên thay đổi cũng dẫn tới tình trạng so bì, khiếu nại của người dân giữa các dự án hoặc trong một dự án nhưng thực hiện thu hồi đất qua nhiều năm.
Ông Dũng cho rằng, cần phải nhìn thẳng vào mối quan hệ về giá trị đất đai giữa 3 bên trên cơ sở xác định đúng giá trị đất đai phù hợp với quy luật của thị trường. Đó chính là điều kiện để giải quyết hợp lý bài toán phân chia lợi ích và khi lợi ích được phân chia hợp lý, KNTC chắc chắn sẽ giảm.
* Cán bộ địa chính cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật
Luật sư Nguyễn Cẩm, Chủ nhiệm đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng nhận xét: Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai như: sự chồng chéo về văn bản pháp luật, không tuân thủ chính sách pháp luật của một bộ phận cán bộ địa chính, định giá đất quá chênh lệch giữa giá đất của cơ quan nhà nước và giá thị trường…
Khi tham gia bào chữa cho các vụ án liên quan đến khiếu nại, tố cáo về đất đai, luật sư Nguyễn Cẩm thấy có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc này. Thứ nhất, cán bộ địa chính không tuân thủ hoặc làm trái quy định về đất đai. Nhiều vụ việc, cán bộ địa chính biết rõ là sẽ dẫn đến kiện tụng nhưng họ vẫn làm vì lợi ích cá nhân. Đến khi bị kiện, họ đã được luân chuyển đi làm việc khác. Thứ hai: sự chênh lệch giá đất đền bù giữa nhà nước và doanh nghiệp. Cùng một mảnh đất, doanh nghiệp định giá 20 triệu nhưng đến khi chính quyền địa phương định giá chỉ 10 triệu. Sự chênh lệch quá lớn đó khiến người dân cảm thấy không thỏa đáng và họ không chịu giao và dẫn đến khiếu nại, kiện tụng.
Để hạn chế việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, theo cử tri, cán bộ địa chính cần tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Khi tham gia định giá đất, cần có quy định để luật sư tham gia, giúp người dân bảo vệ quyền lợi của mình. Hiện tại, khi tham gia định giá đất, chỉ có chính quyền địa phương và doanh nghiệp được tham gia.
* Hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngân, Phó phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng nói: Trong phiên thảo luận, một số đại biểu cũng đã đề cập đến vấn đề hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất. Theo bà Ngân, việc làm này rất cần thiết để giúp người dân ổn định tâm lý và cuộc sống sau khi bị thu hồi đất. Tại Hải Phòng, việc hỗ trợ dạy nghề cho người lao động nói chung, người bị thu hồi đất nói riêng đã được quan tâm. Họ được hỗ trợ học nghề theo đề án 1956 của Chính phủ. Trung tâm dạy nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng cũng hỗ trợ đào tạo nghề cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và phụ nữ thuộc gia đình bị thu hồi đất. Việc đào tạo nghề sẽ giúp các trường hợp trên thuận lợi hơn trong tìm việc làm, tạo nguồn thu mới cho gia đình.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm các doanh nghiệp đón đầu người học nghề và tìm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho họ vẫn còn rất khó khăn. Vì vậy, cử tri mong Quốc hội ban hành chính sách cụ thể để thu hút các đơn vị chức năng tạo việc làm và bao tiêu đầu ra cho người dân bị thu hồi đất.
* Giải quyết tranh chấp đất đai cần sự thống nhất
Trong thời gian gần đây, công tác quản lý đất đai, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai đang nổi lên và đã trở thành vấn đề lớn, trong đó xuất hiện tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo kéo dài. Công tác giải quyết khiếu kiện có liên quan đất đai còn nhiều bất cập, gây bức xúc dư luận xã hội nói chung. Ông Tống Lê Thắng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau cho rằng: công quản lý đất đai hiện nay chưa theo kịp với thực tiễn đang diễn ra trên phạm vi cả nước. Quản lý đất đai có quá nhiều đầu mối, manh mún dẫn tới chồng chéo, thậm chí không khớp với nhau. Tại Cà Mau, nhiều tranh chấp đất đai kéo dài hàng chục năm, khi xử lý các vụ việc chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng của địa phương và Trung ương.
Để khắc phục tình trạng này, cử tri đề nghị Quốc hội nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng Luật, hạn chế tình trạng Luật liên quan tới Bộ nào, giao cho bộ đó xây dựng dự thảo Luật để trình thông qua. Hiện nay, công tác xây dựng Luật ở nước ta còn nhiều bất cập, cho nên Luật thông qua chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung; cần điều chỉnh, thống nhất 3 bộ luật: Luật đất đai; Luật khiếu nại; Luật tố cáo. Cử tri kiến nghị cần tăng cường chống tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết tranh chấp đất đai, mặt khác, cần có cơ chế xử lý nghiêm hành vi tố cáo sai, tố cáo không đúng sự thật.
* Công khai minh bạch trong quy hoạch, giải tỏa, đền bù
Ông Phan Thông Minh, Giám đốc Doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản tại Cà Mau nêu ý kiến, nhà nước nên giao quyền sử dụng đất lâu dài cho dân, cho doanh nghiệp; cần công khai minh bạch trong công tác quy hoạch, giải tỏa, bồi hoàn thỏa đáng để người dân trong diện giải toả không phải chịu nhiều thiệt thòi. Theo ông, Nhà nước nên mở rộng quyền quản lý đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai cho chính quyền cấp tỉnh; tập trung một đầu mối quản lý đất đai cấp Trung ương.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật đất đai, tình hình đã có nhiều thay đổi lớn nên cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Ông Minh cho biết thêm, là người kinh doanh ở lĩnh vực đất đai, ông nhận thấy thủ tục trong quản lý đất đai hiện nay còn rất rườm rà. Công tác giải quyết tranh chấp đất đai kém hiệu quả, do chính sách chồng chéo, có hiện tượng đùn đẩy trong giải quyết. Theo ông, điều chỉnh, sửa đổi Luật đất đai cần có điểm nhấn đối với đất nông nghiệp, đất đô thị, đất rừng. Quốc hội cần tăng cường giám sát công tác quản lý đất đai, giám sát việc ban hành chính sách pháp luật về quản lý đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan về đất đai./.
Theo TTXVN