Thứ Năm, 24/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 27/10/2012 22:47'(GMT+7)

Khi cán bộ cấp tỉnh, huyện tham gia bàn việc thôn

Nhờ chi bộ lãnh đạo dồn điền đổi thửa thành công nên những cánh đồng ở thôn An Cơ Nam (Thanh Tân, Kiến Xương, Thái Bình) đã đưa máy móc hiện đại vào sản xuất lúa.

Nhờ chi bộ lãnh đạo dồn điền đổi thửa thành công nên những cánh đồng ở thôn An Cơ Nam (Thanh Tân, Kiến Xương, Thái Bình) đã đưa máy móc hiện đại vào sản xuất lúa.

Chủ trương trên của Tỉnh ủy Thái Bình không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ mà kịp thời nắm bắt tư tưởng đảng viên và các vấn đề nổi cộm ở cơ sở để có phương pháp giải quyết hiệu quả, đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống…

Sâu sát cơ sở

13 giờ 30 phút, ngày 3/10, các đảng viên của chi bộ thôn Mễ Sơn 2, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư (Thái Bình) đã có mặt đông đủ ở nhà văn hóa thôn dự sinh hoạt chi bộ thường kỳ. Buổi sinh hoạt có đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình với tư cách là một đảng viên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình phân công sinh hoạt tại chi bộ. Cũng như bao buổi sinh hoạt khác, đồng chí Lê Văn Trường, Bí thư chi bộ thôn chủ trì cuộc họp, thay mặt cấp ủy đọc dự thảo nghị quyết lãnh đạo tháng 10 của chi bộ. Đến phần gợi ý thảo luận, bí thư chi bộ đề nghị các đảng viên bàn về giải pháp thực hiện dồn điền đổi thửa để thực hiện 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Sau khi nghe 3 ý kiến phát biểu phân tích những thuận lợi và khó khăn trong việc dồn điền đổi thửa, đồng chí Nguyễn Hồng Diên giơ tay phát biểu:

- Tôi thấy chi bộ chọn việc dồn điền đổi thửa để các đảng viên bàn là rất trúng, vì bà con nông dân vừa thu hoạch vụ mùa xong nên đây là thời cơ thuận lợi để chúng ta tiến hành dồn điền đổi thửa. Hơn nữa, có dồn điền đổi thửa thành công thì mới có quy hoạch ruộng đồng, bờ vùng, bờ thửa và giao thông nội đồng. Tôi đã nghiên cứu kỹ ruộng đồng của thôn ta, hiện nay bình quân gần 4 mảnh/hộ, như vậy rất manh mún. Tôi đề nghị chi bộ tính toán sau dồn đổi mỗi hộ chỉ còn 1 thửa. Cả chi bộ không khỏi "sốc" với đề xuất táo bạo trên.

Đồng chí Diên kịp thời lý giải: Thôn chúng ta có 380 hộ dân, chủ yếu có mối quan hệ anh em ruột thịt, họ hàng. Vậy tại sao chúng ta không tìm giải pháp vận động mọi người đổi cho nhau để gộp thành từng thửa lớn? Mỗi đảng viên phải có trách nhiệm phân tích để bà con hiểu có dồn điền đổi thửa mới áp dụng thâm canh, gieo cấy cùng trà, cùng giống, thu hoạch, tưới tiêu cùng lứa được. Và đó là cơ sở để tăng năng suất mùa vụ.

Ý kiến của đồng chí Diên tại buổi sinh hoạt chi bộ nhận được sự ủng hộ của nhiều đảng viên. Chi bộ quyết định đưa chủ trương trên ra bàn luận công khai, dân chủ rộng rãi trong nhân dân và được bà con đồng tình, ủng hộ nên việc dồn đổi ruộng đất đã diễn ra thuận lợi. Đến nay, việc dồn điền đổi thửa ở thôn Mễ Sơn 2 đã xong, bình quân mỗi hộ một thửa.

Hay như ở thôn Thường Kiệt, xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải (Thái Bình) sau khi dồn điền đổi thửa xong, trong buổi sinh hoạt chi bộ có sự tham dự của các đảng viên Trần Thế Nghiêm, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy và Phạm Văn Nghiêm, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tiền Hải. Tại buổi họp, dự thảo nghị quyết chi bộ đã tập trung vào bàn giải pháp lãnh đạo nhiệm vụ chăm sóc lúa và phòng trừ sâu bệnh. Thế nhưng khi các đảng viên đề cập biện pháp cụ thể thì lại rất lúng túng, không thấy vì sao chi bộ phải tập trung lãnh đạo nhiệm vụ đó. Đồng chí Phạm Văn Nghiêm đã phân tích và chỉ rõ, sau khi dồn điền đổi thửa thì mỗi hộ thay vì có nhiều thửa ở nhiều nơi nay chỉ còn một thửa. Nếu phòng ngừa sâu bệnh không tốt ở thửa nào là thửa đó mất trắng, đồng nghĩa với thất thu đối với từng gia đình. Vì vậy mà ngay sau dồn điền đổi thửa chi bộ phải lãnh đạo làm quyết liệt, sát sao để phòng trừ sâu bệnh...

Khắc phục tình trạng chi bộ "bàn xong để đó"

Trong quá trình sinh hoạt tại các chi bộ thôn, xóm, các đồng chí cán bộ cấp tỉnh và huyện đã phát hiện ra tình trạng nghị quyết của các chi bộ thường rất dài, dàn trải, chưa tập trung vào những vấn đề bức xúc mới phát sinh ở cơ sở, thiếu những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Nhiều việc được chi bộ đưa ra bàn, biểu quyết, xong rồi thì để đó. Đơn cử như việc phát triển đảng viên mới ở chi bộ thôn Đông Trung, xã Quyết Tiến, huyện Kiến Xương (Thái Bình). Chi bộ nhận thấy bình quân tuổi đời của các đảng viên trong chi bộ ngày càng cao (chủ yếu là những cán bộ về hưu, ít trực tiếp lao động sản xuất). Việc bồi dưỡng quần chúng để phát triển Đảng gặp khó khăn. Nhận ra vấn đề, chi bộ đã bàn nhưng triển khai thiếu quyết liệt và không có biện pháp cụ thể, nên công tác phát triển đảng viên mới gặp nhiều khó khăn, cá biệt có trường hợp tham gia học đối tượng Đảng từ năm 2004 nhưng chi bộ vẫn chưa thể đề nghị trên kết nạp. Đồng chí Bùi Đức Hạnh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Kiến Xương cho biết:

- Khi chúng tôi được phân công về sinh hoạt tại chi bộ thôn Đông Trung, tôi đã đề nghị chi bộ chuyển từ cuộc sinh hoạt thường kỳ sang sinh hoạt chuyên đề về thực trạng phát triển đảng viên mới. Mọi khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển đảng viên mới được các đảng viên trao đổi thẳng thắn và tìm hướng tháo gỡ. Và nghị quyết ấy đang đi đúng hướng khi những hạt nhân quần chúng ưu tú được chi bộ phát hiện, quan tâm, bồi dưỡng đúng mức.

Hay như ở thôn An Cơ Nam, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương là một thôn cuối cùng của xã triển khai đường giao thông nông thôn theo các tiêu chí của xây dựng nông thôn mới. Việc giải phóng mặt bằng ban đầu gặp khó khăn, cuộc họp nào của chi bộ cũng đưa ra bàn nhưng vẫn chưa chuyển biến. Khi đồng chí Phạm Văn Ca, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình dự sinh hoạt chi bộ và phát biểu nhấn mạnh vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên thì đã có 4 đảng viên gương mẫu, đi đầu trong hiến đất, hiến tài sản làm đường là Trần Ngọc Phô, Đinh Văn Khuyến, Đỗ Hà, Đinh Ngọc Trúc. Đảng viên tiên phong, gương mẫu làm trước, trực tiếp vận động bà con họ hàng nên đã tạo ra phong trào hiến đất, hiến tài sản làm đường giao thông nông thôn. Chỉ trong 2 ngày hai đoạn đường dài 700m đã giải tỏa xong, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thực tế cho thấy, chủ trương phân công cán bộ hướng về cơ sở của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình là đúng đắn. Lãnh đạo tỉnh, huyện nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó ban hành chính sách, chủ trương sát, đúng hơn, tạo được sự đồng thuận, thống nhất từ cơ sở. Qua sinh hoạt với các đảng bộ, chi bộ cơ sở góp phần tăng cường kiến thức thực tế cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh.

Chủ trương phân công cán bộ là tỉnh ủy viên, trưởng, phó các ban ngành cấp tỉnh về sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình bước đầu đã tạo ra nhiều đổi mới trong sinh hoạt ở cấp chi bộ. Nhất là việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt của đồng chí bí thư chi bộ và ban chi ủy được thực hiện nghiêm túc, sát với điều kiện thực tiễn của từng chi bộ; nội dung sinh hoạt thiết thực, tập trung; hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú hơn. Các ý kiến phát biểu của đảng viên sôi nổi hơn, có tính chiến đấu cao hơn, nhất là huy động được trí tuệ, kinh nghiệm của cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện vào việc bàn và giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở. Đúng như ý kiến của đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình chia sẻ với chúng tôi:

- Việc phân công lãnh đạo cấp tỉnh sinh hoạt tại chi bộ cơ sở không chỉ nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở mà còn là kênh thông tin quan trọng để Ban Thường vụ Tỉnh ủy nắm bắt kịp thời tình hình cơ sở thông qua báo cáo của các tổ công tác ở từng huyện để tập trung tháo gỡ, giải quyết.

Chúng tôi cho rằng, kinh nghiệm nêu trên ở Tỉnh ủy Thái Bình cần được tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm để nhân rộng trong toàn Đảng, thiết thực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng./.

(Đức Dục/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất