Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát
biển Việt Nam khẳng định, tàu quân sự Trung Quốc vẫn thường xuyên có mặt
tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang
Shiyou-981) và những lời nói của Trung Quốc đang không đi đôi với việc
làm.
Trung Quốc đang có “thủ đoạn mới”
Đưa ra một loạt hình ảnh, video clip chứng thực cho nhận định trên tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Ngoại giao tổ chức hôm nay (26/6), ông Thu cho biết, trong hơn 100 tàu thường xuyên có mặt bảo vệ giàn khoan thì có từ 4-6 tàu chiến. Lực lượng tàu quân sự này gồm các tàu hộ vệ tên lửa, tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh và quét mìn.
“Chúng tôi đã thu thập hình ảnh, tọa độ của lực lượng này. Không riêng chúng tôi mà các bạn phóng viên trong nước và quốc tế đều ghi lại được những hình ảnh đó,” ông Thu lên tiếng.
Bởi vậy, đại diện của lực lượng cảnh sát biển một lần nữa bác bỏ việc Trung Quốc nói tàu quân sự của nước này chỉ “đi ngang qua.”
Cũng theo ông Thu, phía Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục huy động 33-43 tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu kéo cùng với 30-40 tàu cá hoạt động vòng ngoài tạo thành vành đai bảo vệ từ xa. Để uy hiếp lực lượng của Việt Nam, Trung Quốc còn sử dụng máy bay như trinh sát, tiêm kích,trực thăng bay ở độ cao thấp 300-500m.
Tuy nhiên, theo ông Thu, Trung Quốc đang sử dụng thủ đoạn mới để uy hiếp tàu Việt Nam. Trước đây, Trung Quốc thường sử dụng tàu hải cảnh để đâm vào tàu Việt Nam nhưng những ngày gần đây đã thay bằng tàu kéo công suất lớn. Những tàu kéo này có hệ thống đệm va tốt nên khi đâm tàu Việt Nam sẽ không gây nhiều hư hại cho tàu Trung Quốc.
Minh chứng cho điều này, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam đã cho chiếu lại những hình ảnh ngang ngược của Trung Quốc cách đây 3 ngày khi những chiếc tàu to lớn của Trung Quốc dồn ép và đâm hỏng tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam. Trong vụ việc này, phía Trung Quốc đã dùng tới 7 tàu để bao vây,ép không cho tàu của Việt Nam vòng tránh và những chiếc tàu kéo công suất lớn đã đâm lún mạn trái thuyền Việt Nam tới 1m, gây đoạn rách boong tàu 2m, hỏng khu y tế, cứu sinh.
Bày tỏ thái độ mạnh mẽ, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng, đây là hành động hết sức nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng của con người Việt Nam.
“Việt Nam mạnh mẽ lên án hành động nguy hiểm này và yêu cầu Trung Quốc thường thiệt hại cho tàu 951 và tàu khác của Việt Nam trong thời gian quan,” ông Lê Hải Bình nói.
Kiên quyết phản đối bản đồ “nuốt chửng” biển Đông
Liên quan việc Trung Quốc phát hành bản đồ bao trùm toàn bộ Biển Đông của Việt Nam, ông Lê Hải Bình khẳng định, việc phát hành bản đồ là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc đã bị nhiều nước phản đối đồng thời Việt Nam cũng kiên quyết phản đối hành động này của Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Lê Hải Bình cũng thông báo những ngày qua, khi giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) cùng lượng lớn máy bay, tàu của Trung Quốc vẫn hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Trung Quốc lại làm tình hình thêm phức tạp khi thông báo đưa giàn khoan Nam Hải số 09 đến vị trí mới.
Theo ông Hải Bình, 13 giờ ngày 21/6 vừa qua, các cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan Nam Hải số 09 đã đến vị trí Trung Quốc thông báo. Tiếp đó, Cục Hải sự Trung Quốc đưa tàu khảo sát vật lý địa cầu hoạt động tại Biển Đông. Khu vực giàn khoan Nam Hải số 09 và tàu khảo sát hoạt động là thuộc vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ chưa phân định.
Lý giải rõ hơn, ông Bình đưa ra quan điểm, theo luật pháp quốc tế, không bên nào được thăm dò, khai thác ở vùng chưa phân định. Hành động này diễn ra khi ông Dương Khiết Trì vừa sang thăm Việt Nam. Điều này làm dư luận quốc tế và Việt Nam lo ngại.
“Vị trí hiện tại của Nam Hải 09 đang nằm ở vùng chồng lấn đang được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi đang được phân định, các bên không được có hoạt động đơn phương thăm dò, khai thác dầu khí tại vùng này. Có thông tin Trung Quốc đưa tiếp những giàn khoan khác, chúng tôi sẽ theo sát hành động này. Không chỉ có Việt Nam mà cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại về các giàn khoan này, vi phạm chủ quyền của các nước liên quan,” người phát ngôn của Bộ Ngoại giao bày tỏ quan ngại.
Trước câu hỏi của phóng viên quốc tế về những hành động hung hăng của Trung Quốc đã vượt quá giới hạn kiểm chế của Việt Nam hay chưa, ông Ngô Ngọc Thu Phó tư lệnh Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định, chủ trương của nhà nước Việt Nam mong muốn giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư đang hoạt động trên biển, mặc dù bị tấn công bởi tàu Trung Quốc nhưng chúng tôi vẫn kiên trì biện pháp hòa bình theo chủ trương của Nhà nước.
“Việt Nam sẽ có biện pháp để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia bị xâm hại. Chúng tôi là lực lượng thực thi pháp luật, chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp Nhà nước yêu cầu,” ông Thu cho biết thêm./.
TTX