Hội nghị được tổ chức với mục đích tăng cường tăng cường năng lực và thúc đẩy chia sẻ tri thức giữa các thành viên Diễn đàn IPAF, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia. Đồng thời đóng góp cho sự ổn định của kinh tế từng quốc gia và khu vực Châu Á thông qua thúc đẩy hợp tác và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm chuyên môn giữa các Công ty quản lý nợ và khai thức thác tài sản (AMC) công. Thông qua hoạt động hợp tác giữa các thành viên, IPAF sẽ củng cố cơ chế ứng phó với khủng hoảng để thúc đẩy khả năng phục hồi của nền kinh tế khu vực.
Tại Hội nghị, các thành viên Diễn đàn và Ban Thư ký IPAF báo cáo kết quả hoạt động trong năm vừa qua, thống nhất nội dung chương trình nghị sự của Hội thảo quốc tế và đưa ra tuyên bố chung cho hoạt động của IPAF trong nhiệm kỳ mới.
Năm nay, Hội nghị thường niên Diễn đàn IPAF 2018 sẽ chính thức thông qua việc kết nạp thành viên mới là Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải chia sẻ: Thời gian qua, nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của hệ thống tài chính- ngân hàng, đồng thời góp phần ổn định nền tài chính quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác xử lý nợ, gắn xử lý nợ với thực hiện đồng bộ việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong tổng thể chương trình tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia, giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính.
Cũng theo Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, để góp phần củng cố nền an ninh tài chính quốc gia, Việt Nam đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng. Về cơ chế, chính sách, cơ bản, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định khá đầy đủ để điều chỉnh một cách toàn diện từ việc thành lập, tổ chức, chấm dứt hoạt động đối với các loại hình doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng cũng như việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại; trong đó có mua bán nợ xấu như: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Phá sản năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Quốc hội, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành các nghị quyết, nghị định để hỗ trợ, tăng cường xử lý nợ xấu như: Nghị quyết 42 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị định số 69 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.
Về công cụ xử lý nợ, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) thời gian qua đã cùng nhau tạo thành hệ công cụ xử lý nợ quan trọng, hiệu quả của Chính phủ.
Theo các chuyên gia, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại Việt Nam không phải là vấn đề mới phát sinh mà thực chất là kết quả được tích tụ từ nhiều năm trước. Gánh nặng nợ xấu của ngân hàng với nền kinh tế là rất lớn, nó có tác động trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia.
Theo ông Lê Việt Dũng, Phó Trưởng ban phụ trách, Ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nợ xấu làm ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính. Nợ xấu lớn làm tăng lãi suất cho vay, làm giảm vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Tại Việt Nam, hầu hết các tổ chức tín dụng đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017 -2018, dự kiến năm 2018 sẽ xử lý được khoảng 20 – 30% nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 và dự kiến cuối năm 2020 sẽ xử lý được số nợ xấu và đưa tỷ lệ nợ xấu thực tế xuống dưới 3%.
Tại Hội nghị, các nước thành viên IPAF cũng đã trao đổi kinh nghiệm về xử lý nợ xấu và định hướng hoạt động trong thời gian tới.
Được biết, IPAF được thành lập từ tháng 5/2013 tại TP. Seoul, Hàn Quốc với các công ty mua bán nợ của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Kazakhstan. Sau 5 năm hình thành và phát triển, tính đến nay, IPAF đã có 13 nước thành viên./.
Duy Hưng