Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 3/9/2018 10:14'(GMT+7)

Cuộc “chạy đua” giữa ngành thuế và thương mại điện tử ở Việt Nam

Ảnh minh họa. (Nguồn: The Guardian Nigeria)

Ảnh minh họa. (Nguồn: The Guardian Nigeria)

Thách thức lớn

Tính đến đầu năm 2018, theo thống kê của tổ chức We Are Social (có trụ sở ở Anh Quốc, chuyên thống kê, đánh giá về thông tin kỹ thuật số, di động và các lĩnh vực liên quan), ở Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng Internet. Tổng số thuê bao di động của Việt Nam tính đến cuối năm 2017 là gần 120 triệu, riêng các thuê bao 3G là 41,5 triệu.

Theo tổ chức Nielsen Việt Nam, tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh so với người dùng điện thoại phổ thông trong năm 2017 ở Việt Nam là 84%, dự kiến sẽ tăng 20% trong năm 2018.

Theo tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam, đây là những nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế số.

Một nghiên cứu của Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ) cho thấy, Việt Nam xếp hạng 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, đồng thời xếp hạng 22 về tốc độ phát triển số hóa.

Tương tự, theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2017 đạt trên 25%, đặc biệt đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến có tốc độ tăng trưởng doanh thu năm 2017 đạt trên 35%.

Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, kinh doanh thương mại điện tử là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù gắn với công nghệ thông tin, mạng Internet và các hình thức thanh toán mới phi truyền thống.

Vì vậy, đây là một lĩnh vực khó cho cơ quan thuế quản lý trên cả phương diện quản lý người nộp thuế, kiểm soát giao dịch để xác định căn cứ tính thuế cũng như thực hiện cưỡng chế nợ thuế.

Theo ông Trường, ngành thuế phải đối diện với 3 khó khăn cơ bản.

Đó là, việc thu thập thông tin người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử có nhiều đặc thù, khó khăn hơn so với người nộp thuế kinh doanh truyền thống do thông tin về giao dịch có thể lưu trữ tại máy chủ nước ngoài hoặc người nộp thuế cố tình che giấu thông tin.

Các giao dịch mua bán hàng hóa của doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử đều được thực hiện trên máy tính điện tử và giao dịch qua mạng Internet hoặc các phương thức giao dịch điện tử khác. Thậm chí, việc lập hóa đơn bán hàng cũng có thể được thực hiện, giao dịch bằng phương tiện điện tử. Như vậy, nếu cơ quan thuế không kiểm soát được giao dịch điện tử thì doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử có thể xóa bỏ lịch sử giao dịch trên mạng Internet nhằm trốn thuế.

Một khó khăn khác là trong nhiều trường hợp, người nộp thuế ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam thông qua các hoạt động trên Internet mà không có cơ sở thường trú ở Việt Nam.

Trên thực tế, chỉ lấy ví dụ Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện truy thu 53,3 tỷ đồng thuế của Uber, yêu cầu Grab phải kê khai nộp thuế đối với việc chuyển nhượng vốn và thị phần của Uber tại Việt Nam, trả thay nợ của Uber hay việc Uber B.V kiện cơ quan thuế Thành phố Hồ Chí Minh ra tòa cho thấy sự không rõ ràng cũng như phức tạp của quản lý thuế đối với các hình thức kinh doanh mới này.

Cần chính sách thuế cụ thể 

Hiện nay, các chính sách thuế đối với thương mại điện tử hay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử chịu sự điều chỉnh của các luật như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập cá nhân và một số nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Nhưng thực tế, chính sách về thuế trong quy định thương mại điện tử vẫn còn nhiều vướng mắc.

Theo Tổng cục Thuế, việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử này mới dừng ở các biện pháp trước mắt, theo từng vụ việc chứ chưa có chiến lược tổng thể, lâu dài. Việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử vẫn gặp khó khăn xuất phát từ đặc trưng vốn có của nền kinh tế số, cũng như các các chính sách chưa được hoàn thiện.

Theo quan điểm của ông Hoàng Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, khó khăn gặp phải trong việc quản lý, thu thuế đối với thương mại điện tử một phần là do chưa có chính sách thuế cụ thể cho lĩnh vực mới, đặc thù này. 

Hiện nay, Bộ Tài chính có Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ (trừ Hiệp định với Mỹ đang chờ cơ quan có thẩm quyền cả hai phía phê chuẩn). 

Tuy nhiên, Thông tư này chưa quy định cụ thể đối với lĩnh vực thương mại điện tử, chẳng hạn phương pháp tính toán, kê khai, nộp thuế gắn với đặc thù của lĩnh vực này. 

Trên phạm vi quốc tế, thu thuế với lĩnh vực thương mại điện tử cũng là vấn đề mới. Ví dụ, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra Khuyến nghị số 1 về giải quyết những thách thức trong việc thu thuế đối với nền kinh tế số, trong Chương trình Hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) đồng thời vẫn tiếp tục soạn thảo hướng dẫn cho một số lĩnh vực mấu chốt, hoặc Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa ra biện pháp đánh thuế tạm thời. 

Một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương như: Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Malaysia cũng có đề xuất, dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập và Thuế gián thu đối với thương mại điện tử, cơ bản mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế gắn với đặc thù của lĩnh vực này.

Thực tế, hiện nay Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được thảo luận và xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, doanh nghiệp, giới học giả…. Theo đó, Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không thể kỳ vọng việc sửa đổi một luật có thể khắc phục ngay tình trạng khó quản lý và còn thất thu thuế đối với thương mại điện tử.

Đánh giá về những quy định quản lý mới đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này đã có một bước tiến lớn. Đồng thời đã tiếp thu, điều chỉnh những vấn đề thực tiễn phát sinh, chuyển động theo hướng phù hợp với định hướng cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và phục vụ nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Riêng về quản lý thuế với hoạt động kinh doanh trên mạng, luật đã giải quyết được vấn đề lớn, đó là: đã kinh doanh thì phải nộp thuế, qua đó tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, bài toán thu thuế kinh doanh qua mạng là vấn đề “đau đầu” không chỉ của Việt Nam, mà cả các nước khác trên thế giới. Chính vì vậy, việc luật hóa rất quan trọng, bởi qua đó tạo ra cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước tăng cường phối hợp trong quản lý./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất