Tại hội nghị đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016 - 2020 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 31/8 tại Cần Thơ, ông Nguyễn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, giai đoạn 2016-2018, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,5% (mục tiêu là 8,6%); Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.217 USD (mục tiêu 2016-2020 là 2.750-2.850 USD).
Tổng thu ngân sách toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2018 đạt hơn 243.200 tỷ đồng, đóng góp 18% GDP cả nước, trong đó thành phố Cần Thơ là địa phương duy nhất của vùng điều tiết ngân sách về Trung ương.
Cũng trong giai đoạn này, giá trị xuất khẩu hàng hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 45,8 tỷ USD, đạt 47,6% kế hoạch giai đoạn 2016-2020 (96,3 tỷ USD).
Theo đánh giá chung, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, luôn có chỉ số PCI đứng trong nhóm đầu cả nước (Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ...), môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính được cải thiện theo hướng minh bạch, thực chất.
Tuy nhiên, thu hút FDI của nơi được coi là vựa lúa, trái cây và thủy sản của Việt Nam còn ở mức thấp cả về dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 4/6 vùng của cả nước; các chính sách cho nông nghiệp chưa đủ mạnh để hấp dẫn các doanh nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%, thấp hơn các vùng khác trong cả nước, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế...
Giai đoạn 2016-2020, kế hoạch nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 dự kiến giao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long là gần 184.000 tỷ đồng. Kết quả giữa kỳ, tổng nguồn vốn đã giao so với kế hoạch đạt 57%, tương ứng 105.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương giao 36.171 tỷ đồng (51%), ngân sách địa phương giao 69.123 tỷ đồng (61%) so với tổng số vốn trung hạn 2016-2020.
Năm 2019, tổng nhu cầu vốn được 19 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đề xuất thực hiện đầu tư công là 136.507,5 tỷ đồng, tăng 11,4% so với kế hoạch của năm 2018 và bằng 69% kế hoạch trung hạn 2019-2020 còn lại.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu so với dự kiến tổng nguồn đầu tư năm 2019 của cả nước là 429.300 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 199.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 230.300 tỷ đồng, thì nhu cầu vốn của 19 địa phương khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long trong năm tới chiếm gần 32%.
Trong phần vốn ngân sách Trung ương 199.000 tỷ đồng thì 60.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA; vốn trái phiếu Chính phủ 40.000 tỷ đồng và từ phần ngân sách Trung ương là 99.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tuấn, nhu cầu nguồn vốn ngân sách trung ương của các địa phương trong năm 2019 tăng cao do trong 3 năm 2016-2018 giao với mức độ tăng thấp.
Cùng với đó, một số địa phương còn đề xuất sử dụng nguồn ngân sách trung ương dự phòng (nguồn này chiếm 10% vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020).
Với đề xuất được sử dụng ngân sách dự phòng 10% đã được giao cho địa phương, theo ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với các dự án đang thực hiện mà địa phương định bổ sung tiền thì hoàn toàn có thể làm được ngay. Do đó các tỉnh có thể chuyển vốn cho các dự án cấp bách có giải ngân tốt nếu địa phương thấy cần thiết.
Đối với những dự án mới, ông Mạnh đề nghị các địa phương tổng hợp gửi về Bộ để báo cáo tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong khi đó, đối với đề xuất sử dụng 10% ngân sách Trung ương dự phòng, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, trong Tờ trình gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông đã đề nghị Bộ trưởng báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này./.
Theo VN+