Chủ Nhật, 12/5/2024
Xã hội
Thứ Tư, 2/6/2021 11:32'(GMT+7)

Cuộc chiến chống COVID-19: Chuyển từ phòng ngự sang tấn công

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho nhân viên Công ty Samsung tại Bắc Ninh hôm 1-6. Có 15.000 công nhân công ty được tiêm vắc xin trong dịp này - Ảnh: Bộ Y tế

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho nhân viên Công ty Samsung tại Bắc Ninh hôm 1-6. Có 15.000 công nhân công ty được tiêm vắc xin trong dịp này - Ảnh: Bộ Y tế

VACCINE + 5K

Việt Nam đang trải qua đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam diễn ra từ cuối tháng 4 đến nay đặc biệt “nóng” tại Bắc Ninh, Bắc Giang và rải rác ở nhiều địa phương với diễn biến phức tạp, khó lường, thời gian kéo dài hơn so với các đợt dịch trước. Xuất phát từ nhóm truyền giáo Phục Hưng, đợt dịch đang diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến Thành phố phải thực hiện giãn cách quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Hơn 10 triệu người dân sống ở Thành phố Hồ Chí Minh phải chịu những hạn chế nhất định để chống dịch COVID-19. Đợt dịch này nguy hiểm vì nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch, xuất hiện nhiều biến chủng mới với khả năng lây lan nhanh, rộng, và mạnh hơn. 

 Trong suốt cuộc chiến chống COVID-19 suốt thời gian qua, Việt Nam luôn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, huy động tổng lực ngành y tế, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương để trong thời gian ngắn nhất kiểm soát được dịch bệnh. Một trong những bài học thành công của Việt Nam trong 3 đợt dịch vừa qua là huy động và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự ủng hộ, tham gia của toàn dân, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đều tham gia vào cuộc chiến chống COVID-19.

Trong giai đoạn này, với chiến dịch V5K “Vắc xin +5K”, bên cạnh ý thức phòng bệnh của người dân, vaccine phòng COVID-19 được xem là giải pháp hiệu quả, là trọng tâm ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch. Mục tiêu của chúng ta là tiếp cận sớm, tăng độ bao phủ vaccine, đạt được miễn dịch cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế xã hội. Theo tính toán, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỉ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh chủ trương cần "triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả chiến lược vaccine", huy động mọi nguồn lực và đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Như vậy, khi xác định vaccine là mũi nhọn cũng có nghĩa là chúng ta chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, vừa kết hợp giữa các biện pháp ngăn ngừa thông qua các biện pháp cách ly, giãn cách, vừa chủ động tấn công dịch bệnh bằng vaccine. 

QUỸ VACCINE – MINH BẠCH VÀ CHUYÊN NGHIỆP

Ngày 26/5, Chính phủ ra Nghị quyết số 84/NQ-CP về thành lập Quỹ Vaccine phòng COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Quỹ Vacccine hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ Vaccine do Bộ Tài chính quản lý, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chuyên môn, mua và sử dụng vaccine. Đặc biệt, Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính từ các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.

Với sự ra đời của Quỹ vaccine, Chính phủ đã công khai huy động sự đóng góp của toàn dân một cách “minh bạch, chuyên nghiệp”, để các tổ chức, cá nhân có thể yên tâm và tin tưởng chung tay cùng đất nước vượt qua khó khăn. Đóng góp vào Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 lúc này là hành động thiết thực cứu giúp tính mạng, sức khỏe và kinh tế của chính mỗi cá nhân. Nhiều người dân, chuyên gia bày tỏ sự vui mừng, hài lòng về việc quyết định ra đời Quỹ vaccine kịp thời và đúng đắn.

Những ngày qua, những tấm lòng nhân ái và trách nhiệm đã thông qua nhiều chương trình thiện nguyện, quyên góp, ủng hộ, tiếp sức cho “tuyến lửa” Bắc Giang, Bắc Ninh. Ngay sau khi có Nghị quyết 84, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, một loạt các tập đoàn, ngân hàng thương mại, cá nhân, người dân đã tiếp tục nhanh chóng ủng hộ, tham gia vào chương trình này với hàng trăm tỷ đồng.

Ngày 27-5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng đang tích cực kêu gọi sự chung tay của toàn dân cho Quỹ Vaccine cũng như các chương trình khác cung cấp trang thiết bị, vật tư y tế cho cuộc chiến chống COVID-19.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay, vắc xin phòng COVID-19 được xem là giải pháp hiệu quả, là trọng tâm ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch.   Ảnh: Trần Minh 

XÃ HỘI HÓA ĐỂ CÓ ĐỦ VẮC XIN

Chiều 1/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã thay mặt Chính phủ và Bộ Y tế trao tặng bằng khen của Thủ tướng cho đại diện Công ty cổ phần vaccine Việt Nam – Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC vì những thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây là doanh nghiệp đã mạnh dạn đặt mua số lượng lớn vaccine ngay từ khi vaccine còn trong giai đoạn nghiên cứu, là đơn vị đầu tiên đặt mua thành công để đưa được vaccine COVID-19 về Việt Nam.

Những lô vaccine đầu tiên nhập về đã chuyển Bộ Y tế để tiêm cho những đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21. Hiện nay, đối tượng được tiêm là công nhân đang ở những khu vực có dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh.

Ngoài VNVC, hiện nay đã có một số doanh nghiệp tham gia kết nối mua vắc xin. Nhiều doanh nghiệp muốn chi tiền và tìm nguồn mua vaccine theo các quy định của ngành Y tế để sớm chủ động có vắc xin tiêm cho người lao động, bảo vệ sản xuất kinh doanh, đồng thời giúp tăng nguồn cung, góp sức cùng Chính phủ lo vaccine cho toàn dân.

Việc Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia kết nối mua vaccine là chủ trương đúng đắn để đạt được mục tiêu người dân Việt Nam có đủ vaccine để tiêm phòng an toàn.

Trong cuộc họp với Bộ Y tế về tình hình, tiến độ nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 ngày 31-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận: “Không để bất kỳ doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vaccine ngay mà lại không mua về được”. Phó Thủ tướng yêu cầu công khai các chủ trương, tất cả các vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được tiến hành nhập khẩu. Những vaccine WHO chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng nếu các đơn vị tiếp cận được, Bộ Y tế cũng cấp phép ngay.

Tất cả các địa phương, các doanh nghiệp có điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn vaccine đều có thể nhập khẩu. Tuy nhiên, vaccine là hàng hóa đặc biệt nên quy trình đòi hỏi sự chặt chẽ. Do vậy, bên cạnh việc vận động xã hội hóa cũng cần có sự hoàn thiện về quy trình, hành lang pháp lý trên cơ sở bảo đảm sự công bằng và an toàn cho người được tiêm vaccine. Bộ Y tế đã cam kết tháo gỡ mọi vướng mắc để sớm có đủ vaccine tiêm cho người dân. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định, sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính trong nhập khẩu vaccine nhưng vẫn đảm bảo các quy định pháp luật, chống giả mạo, “lừa đảo vắc xin”. Các vắc xin được WHO tiền thẩm định, trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ, Bộ Y tế sẽ họp và cấp phép. Trong 2 ngày kể từ khi vaccine về Việt Nam, Hội đồng thẩm định sẽ nhóm họp rà soát hồ sơ và cho phép xuất xưởng. Mọi thủ tục như vậy chỉ rút ngắn còn 1 tuần thay vì 2 tuần như trước đây.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mặc dù tình trạng khan hiếm vaccine trên thế giới vẫn căng thẳng nhưng với các thỏa thuận đã đạt được, mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 là rất khả thi. Song song với việc tích cực tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2, mở đường có khả năng nghiên cứu, sản xuất vaccine. Chúng ta cũng có kế hoạch mua bản quyền vaccine, tiếp cận chuyển giao vaccine, hợp tác trong nghiên cứu, liên doanh liên kết các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để làm sao có vaccine sớm nhất và tự chủ vaccine sử dụng trong nước.

Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, chủ động tấn công nghĩa là không đợi dịch đến mới chống, mà phải chủ động chống dịch từ sớm, từ xa, với phương châm: Nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước.

 Ai cũng mong dịch bệnh sớm chấm dứt, nhưng để đi đến chiến thắng, chúng ta phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch và mỗi người góp gió thành bão, làm nên sức mạnh toàn dân. Trong những thời điểm cam go, sự đồng lòng, đồng thuận, vững tin, đoàn kết là sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh. Tin rằng, với các "cánh cửa" mà Chính phủ đang mở ra kịp thời, đúng đắn, những biện pháp mà chúng ta đang thực hiện quyết liệt đã nhận được sự đồng lòng, đồng thuận, ủng hộ và tin tưởng của nhân dân, thêm một lần nữa, Việt Nam lại làm nên kỳ tích, quả cảm chiến đấu và chiến thắng bằng sự linh hoạt và sức mạnh của toàn dân tộc./.

Cao Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất