Chính quyền Tây Ban Nha chính thức thông báo nữ y tá bị lây nhiễm Ebola tại Madrid đã được chữa khỏi. Việc chữa lành được bệnh nhân này rất có ý nghĩa vì đây là trường hợp lây nhiễm Ebola đầu tiên ngoài lãnh thổ châu Phi.
Xác nhận chính thức của Tây Ban Nha nối tiếp theo một thông tin phấn khởi khác liên quan đến một nữ bác sĩ người Na Uy, bị nhiễm Ebola tại Sierra Leone và đã lành bệnh.
Tại Mỹ, nơi xuất hiện hai ca lây nhiễm tiếp theo, mà bệnh nhân cũng là hai nữ y tá chăm sóc cho một bệnh nhân Ebola từ châu Phi đến Mỹ, không khí cũng có vẻ lạc quan hơn khi không có ca lây nhiểm mới nào được phát hiện từ 5 ngày qua và toàn bộ những người tiếp xúc với bệnh nhân từ châu Phi đến đã chấm dứt thời kỳ cách ly 21 ngày mà vẫn hoàn toàn vô sự.
Trước đó, tại châu Phi, Nigeria cũng chính thức tuyên bố đã dập tắt dịch bệnh Ebola tại nước này. Trong thời gian qua, dịch Ebola đã bùng lên tại Nigeria với 20 ca lây nhiễm và 8 trường hợp tử vong.
Trong ngày 21/10, Cơ quan năng lượng hạt nhân Pháp xác nhận là các nhà nghiên cứu của họ vừa hoàn chỉnh một dụng cụ xét nghiệm, cho phép phát hiện virus Ebola 15 phút sau khi thực hiện trên người tình nghi nhiễm bệnh.
Dụng cụ xét nghiệm này là có thể được dùng ngay trên hiện trường, không cần thiết bị đặc biệt và dựa trên mẫu máu, mẫu huyết thanh plasma hay mẫu nước tiểu.
Đây là một bước tiến đáng kể vì cho đến nay, các phương thức xét nghiệm hiện hành đòi hỏi ít nhất hai giờ mới cho kết quả và chỉ có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm.
Thêm một tín hiệu lạc quan nữa là Nga thông báo đang thành công trong điều chế vắcxin chống virus Ebola.
Bộ trưởng Y tế Nga Veronika Skvortsova cho biết loại vắcxin này có khả năng chống virus Ebola và một số virus khác.
Tuy chưa thể dự báo thời gian thử nghiệm mất bao lâu, nhưng Bộ trưởng Y tế Nga khẳng định khi có kết quả thử nghiệm khả quan, vắcxin sẽ được chuyển ngay đến châu Phi.
Theo bà Skvortsova, các nhà khoa học Nga đã thử nghiệm virus chống Ebola trên động vật từ đầu năm 2013.
Từ khi dịch bệnh bùng phát từ tháng Tám đến nay, thông tin về các chủng virus mới tiếp tục được cập nhật đến các nhà khoa học để trên cơ sở các chủng đó họ điều chế ra vắcxin mới theo công nghệ kỹ thuật gien.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 20/10, Canada đã gửi lô vắcxin đầu tiên đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Thụy Sĩ để thử nghiệm.
Khoảng 800 liều vắcxin VSV-ZEBOV đầu tiên đã được gửi tới Thụy Sĩ. Quá trình thử nghiệm vắcxin trên người dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11./.
TTXVN